Cần nâng cao tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi
Tiêm phòng vắc-xin là biện pháp quan trọng ngăn ngừa dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Theo yêu cầu đặt ra, phần lớn các loại vắc-xin đều phải được tiêm phòng đạt tỷ lệ từ 70% trở lên, có loại đạt trên 80%; đặc biệt, đàn bò sữa tỷ lệ tiêm phòng đạt 100% đối tượng trong diện tiêm ở tất cả các loại vắc-xin. Tuy nhiên, kết quả tiêm phòng các loại vắc-xin vụ thu năm nay phần lớn vẫn chưa đạt được yêu cầu.
Qua số liệu tổng hợp kết quả tiêm phòng vụ thu năm nay đối với các loại vắc-xin, kể cả vắc-xin được hỗ trợ tỷ lệ tiêm đều đạt không cao. Với vắc-xin lở mồm long móng (LMLM), toàn tỉnh tiêm phòng được hơn 40 nghìn con gia súc các loại, bằng hơn 80% so với vụ thu năm 2023, gồm: đàn trâu, bò có tỷ lệ tiêm phòng từ nguồn vắc-xin Nhà nước hỗ trợ đạt 38% kế hoạch, bằng 83,3% cùng kỳ; đàn lợn đạt 43,2% kế hoạch bằng 83,4% cùng kỳ; đàn dê đạt 60,2% kế hoạch. Đối với vắc-xin dịch tả lợn được hỗ trợ tỷ lệ tiêm phòng cũng rất thấp, mới đạt 23,9% kế hoạch… Một số loại vắc-xin khác trên đàn gia súc tỷ lệ tiêm phòng đạt khá thấp, như: vắc-xin tụ huyết trùng trâu, bò tiêm được 1.317 con, viêm da nổi cục 1.086 con… Đàn gia cầm có tổng đàn gần 9 triệu con, nhưng số liều vắc-xin được sử dụng tiêm không cao, như: vắc-xin cúm gia cầm được hơn 856 nghìn con; các loại vắc-xin Niu-cat-xơn, dịch tả vịt chỉ tiêm phòng được từ 300 đến hơn 400 nghìn con...
Theo ông Đinh Huy Bách, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn): Phần lớn các loại vắc-xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi tiêm trong vụ thu đều không đạt kế hoạch đề ra. Duy nhất có tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng bệnh dại cho đàn chó, mèo đạt 84,73% (yêu cầu đặt ra trên 70% tổng đàn trong diện tiêm). Đây là khó khăn không nhỏ trong công tác phòng chống dịch bệnh trong quá trình chăn nuôi.
Tại huyện Lý Nhân, nơi có phong trào chăn nuôi phát triển khá mạnh với đàn lợn trên 100 nghìn con, đàn trâu, bò hơn 6 nghìn con, đàn gia cầm ước 2 triệu con, mặc dù công tác tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi được huyện triển khai đầy đủ đến các địa phương nhưng kết quả tiêm phòng vắc-xin vụ thu năm nay đạt chưa cao. Với một số loại vắc-xin phòng chống các dịch bệnh nguy hiểm kết quả tiêm phòng tính đến hết vụ thu đều cơ bản không đạt theo yêu cầu: vắc-xin LMLM tiêm phòng đạt 67,78% ; vắc-xin dịch tả lợn đạt 61,43%; vắc-xin viêm da nổi cục đạt 52,04% tổng đàn. Ông Trần Văn Niềm, Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp Lý Nhân cho biết: Chuẩn bị cho công tác tiêm phòng, huyện chỉ đạo xây dựng kế hoạch, tổng hợp đàn gia súc, gia cầm trong diện tiêm và đăng ký đầy đủ vắc-xin theo nhu cầu của người dân, nhất là các loại vắc-xin được tỉnh hỗ trợ huyện đã tích cực tuyên truyền để người chăn nuôi hiểu về lợi ích của tiêm vắc-xin phòng bệnh; nắm rõ thời gian tiêm phòng, những đối tượng vật nuôi, loại vắc xin được tỉnh hỗ trợ… Song kết quả tiêm các loại vắc-xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi còn đạt thấp và không đồng đều trên địa bàn. Các loại vắc-xin được tỉnh hỗ trợ người dân chỉ phải bỏ công tiêm cũng chỉ đạt hơn 35% kế hoạch tiêm phòng ở vụ thu…
Qua tìm hiểu cho thấy, có khá nhiều khó khăn, hạn chế trong triển khai và tổ chức thực hiện việc tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi trong vụ thu 2024 như: công tác tổ chức thống kê tổng đàn gia súc, gia cầm ở một số địa phương còn chưa sát với thực tế ảnh hưởng tới công tác tham mưu, xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật, dự trù lượng vắc-xin; việc triển khai thực hiện tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi ở không ít nơi được giao toàn bộ cho HTX dịch vụ nông nghiệp hoặc nhân viên thú y xã dẫn đến hạn chế trong quá trình triển khai tiêm phòng; các địa phương chưa áp dụng việc xử lý nghiêm những hộ chăn nuôi không chấp hành việc tiêm phòng, đặc biệt là các hộ nuôi chó, mèo dẫn đến vẫn có nơi đạt tỷ lệ thấp dưới 50%; nhân viên thú y xã ở một số xã chưa nhiệt tình trong công việc, làm thêm rất nhiều việc khác ảnh hưởng đến công tác chuyên môn; một bộ phận người dân vẫn có tâm lý lơ là, chủ quan không chấp hành việc tiêm phòng vắc-xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm.
Để làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trong thời gian tới, các địa phương cần thực hiện nghiêm việc kê khai chăn nuôi theo quy định; đồng thời, rà soát, thống kê chính xác tổng đàn vật nuôi, vật nuôi thuộc diện tiêm phòng để tổ chức tiêm phòng bổ sung hằng tháng đạt hiệu quả cao. Cùng với đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm tại địa phương và đẩy mạnh thông tin tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh của huyện, xã, phường, thị trấn đến các thôn, xóm về lịch tiêm phòng vắc-xin cho các đối tượng vật nuôi, nhất là chính sách hỗ trợ vắc-xin của tỉnh để người dân biết và chủ động thực hiện…
Hiện nay, diễn biến dịch bệnh trên đàn vật nuôi tại nhiều địa phương trong cả nước khá phức tạp. Đặc biệt trong giai đoạn cuối năm, việc buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm gia tăng dẫn đến nguy cơ lớn về lây lan dịch bệnh. Do vậy, việc tiêm phòng vắc-xin đầy đủ cho gia súc, gia cầm giúp ngăn ngừa tốt dịch bệnh, góp phần thúc đẩy chăn nuôi phát triển.