Cân não sinh tử, cứu sống người bệnh bị đinh đóng xuyên sọ

Trong một tình huống cấp cứu hy hữu, đội ngũ y tế Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp vừa thực hiện thành công ca phẫu thuật rút chiếc đinh sắt dài 5 cm đóng sâu vào hộp sọ của người bệnh nam 47 tuổi.

Tình huống cấp cứu nghẹt thở

Ngày 23/4, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp (Hải Phòng) cho biết, các bác sĩ Khoa Phẫu thuật Sọ não - Cột sống vừa làm nên kỳ tích, cứu sống người bệnh bị đinh đóng xuyên sọ.

Người bệnh được chuyển đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp trong tình trạng nguy kịch: có nhiều vết thương chảy máu vùng đầu, đau đớn dữ dội, huyết áp tụt, lơ mơ và biểu hiện sốc mất máu.

Hình ảnh đinh sắt đâm xuyên sọ bệnh nhân trên phim chụp - Ảnh BVCC

Hình ảnh đinh sắt đâm xuyên sọ bệnh nhân trên phim chụp - Ảnh BVCC

Sau khi thăm khám, nhận định đây là một ca bệnh cực kỳ nguy hiểm, mang tính chất phức tạp khi người bệnh bị sốc mất máu cùng với vết thương do chiếc đinh sắt xuyên qua hộp sọ, đi sát các cấu trúc thần kinh quan trọng và mạch máu lớn.

Ngay lập tức, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp đã triệu tập hội chẩn liên khoa và quyết định thực hiện phẫu thuật cấp cứu để mở hộp sọ giải áp, kiểm soát chảy máu và lấy dị vật.

Cuộc đua với thời gian

Dưới sự dẫn dắt của TS.BS Đặng Việt Sơn, Trưởng khoa Phẫu thuật Sọ não – Cột sống, êkíp phẫu thuật đã triển khai các bước xử trí chuyên sâu trong phòng mổ. Với kinh nghiệm dày dạn cùng sự phối hợp nhịp nhàng giữa bác sĩ phẫu thuật, gây mê hồi sức, điều dưỡng và kỹ thuật viên, ca mổ được thực hiện khẩn trương nhưng vẫn đảm bảo tuyệt đối an toàn và chính xác.

Ca phẫu thuật lấy đinh sắt cho bệnh nhân - Ảnh BVCC

Ca phẫu thuật lấy đinh sắt cho bệnh nhân - Ảnh BVCC

Chiếc đinh sắt được rút ra khỏi sọ não một cách thận trọng, đồng thời kiểm soát thành công tổn thương xoang tĩnh mạch và các điểm chảy máu bên trong hộp sọ. Từng thao tác được cân nhắc kỹ lưỡng đến từng milimet.

Trong suốt quá trình phẫu thuật, người bệnh được liên tục truyền máu để bù đắp lượng máu mất do tổn thương xoang tĩnh mạch và chảy máu nội sọ. Việc kiểm soát tình trạng mất máu là một thách thức lớn, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa ê-kíp phẫu thuật và đội ngũ Huyết học – Truyền máu, đảm bảo duy trì huyết động ổn định cho bệnh nhân trong suốt ca mổ.

Nhờ sự chuẩn bị kỹ lưỡng và xử lý kịp thời, nguồn máu cung cấp đầy đủ đã góp phần quan trọng giúp người bệnh vượt qua giai đoạn nguy hiểm, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hồi sức và phục hồi sau mổ.

Thăm khám cho bệnh nhân sau phẫu thuật - Ảnh BVCC

Thăm khám cho bệnh nhân sau phẫu thuật - Ảnh BVCC

Thành công đến từ trình độ chuyên môn và sự phối hợp của các khoa

Theo đánh giá của các chuyên gia, đây là ca phẫu thuật đòi hỏi độ chính xác tuyệt đối do dị vật là một chiếc đinh xuyên sâu vào hộp sọ, liên quan trực tiếp tới các cấu trúc thần kinh quan trọng như mô não, xoang tĩnh mạch và mạch máu lớn. Bất kỳ sai sót nhỏ nào trong quá trình thao tác cũng có thể dẫn đến xuất huyết não, tổn thương vĩnh viễn hoặc nguy hiểm đến tính mạng.

Bệnh nhân đã được cứu sống là một kỳ tích - ảnh BVCC

Bệnh nhân đã được cứu sống là một kỳ tích - ảnh BVCC

Thành công của ca mổ không chỉ đến từ tay nghề bác sĩ mà còn nhờ sự phối hợp của các chuyên khoa: Phẫu thuật Sọ não - Cột sống, Gây mê hồi sức, Chẩn đoán hình ảnh và Huyết học truyền máu. Sự liên kết chặt chẽ giữa các chuyên ngành đã giúp xử lý nhanh chóng và an toàn toàn bộ quá trình từ chẩn đoán, phẫu thuật đến hồi sức sau mổ.

Ca phẫu thuật thành công là minh chứng rõ nét cho bản lĩnh, trình độ và tinh thần sẵn sàng “chiến đấu đến cùng” vì sự sống của người bệnh của các y bác sĩ bệnh viện.

Thúy Nga

Nguồn Vietnamdaily: https://vietnamdaily.kienthuc.net.vn/vietnamdaily-relax/can-nao-sinh-tu-cuu-song-nguoi-benh-bi-dinh-dong-xuyen-so-269020.htm