Cần ngăn chặn mua bán, sử dụng biển số giả
Xung quanh thông tin chiếc xe ô tô hiệu Ford mà ông Nguyễn Thanh Vũ (ngụ xã Vĩnh Thanh, H.Nhơn Trạch) người sử dụng biển số xe giả 60A-868.88 bị cơ quan công an xử phạt đã nhận được sự chú ý của dư luận trên địa bàn tỉnh trong những ngày vừa qua. Bởi trước đó, nhiều địa phương khác cũng xuất hiện tình trạng chủ xe làm biển số giả gắn vào xe để tham gia giao thông.
Ngày 28-2, trên mạng xã hội xuất hiện hình ảnh 2 chiếc ô tô hiệu Mercedes có cùng màu sắc và cùng biển số chạy trên đường TP.Hà Nội. Tiếp đó, vào ngày 19-4, 2 chiếc ô tô hiệu Porsche Macan có màu sắc gần giống nhau và cùng biển số 30A-715.10 đậu tại sảnh một khu đô thị của TP.Hà Nội. Ngay sau đó, cơ quan công an TP.Hà Nội đã vào cuộc xác minh, làm rõ chuyện biển thật, biển giả đồng thời điều tra, triệt phá đường dây làm giả giấy tờ xe.
Các vụ xe ô tô trùng biển số nhau liên tục xảy ra khiến dư luận đặt câu hỏi vì sao biển số giả có “số đẹp” được nhiều người “khoái” dùng như vậy? Việc mua bán biển số giả trên thị trường có thực sự dễ dàng để khi có nhu cầu ai cũng sẽ mua được hay không?
Quả thực chỉ vài thao tác trao đổi đơn giản trên Facebook là “khách hàng” có thể sở hữu biển số giả với màu nền xanh, đỏ, trắng khác nhau. Giá cả của những biển số này cũng đa dạng từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng/biển số. Trong đó, các biển xe màu xanh, đỏ có giá đắt hơn vì chạy ngoài đường dễ bị để ý, còn biển trắng thì đại trà hơn.
Việc sử dụng biển số giả luôn tiềm ẩn những hậu quả nghiêm trọng, khó lường khi những đối tượng cố tình dùng biển số giả để che giấu thông tin cá nhân, thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật như: cướp giật tài sản, buôn bán hàng giả, hàng cấm, cố ý gây thương tích... nhằm qua mặt hoặc gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong quá trình điều tra, xử lý. Nhiều vụ việc chỉ sau khi lực lượng chức năng kiểm tra hành chính thì mới bị phát hiện. Trong khi trên thị trường mua bán biển số xe giả vẫn rất sôi động và nhu cầu rất lớn. Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này bởi việc kiểm tra, xử lý đối với hành vi này còn chưa đủ sức răn đe.
Cụ thể, về mặt hành chính, theo Điểm d, Khoản 5, Điều 16 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30-12-2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, hành vi điều khiển xe ô tô gắn biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp bị phạt tiền từ 4-6 triệu đồng đối với cá nhân và 8-12 triệu đồng đối với tổ chức. Trong khi đó, người làm giả hoặc sử dụng biển số xe giả, người thực hiện hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức. Hành vi này còn có thể bị phạt tiền từ 30-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 2 năm.
Dù với nhiều mục đích sử dụng khác nhau, nhưng rõ ràng sử dụng biển số giả là hành vi không được pháp luật cho phép và cần bị xử lý nghiêm. Để ngăn chặn hành vi này, các cơ quan chức năng cần nâng mức phạt cao hơn nữa theo hướng vừa răn đe vừa giáo dục.