Cần nghiên cứu đề xuất cơ chế đặc thù để thực hiện dự án đường sắt tốc độ cao

Hiện Chính phủ đang gấp rút hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam để trình Bộ Chính trị và Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư trong kỳ họp vào tháng 10 tới đây. Đây là dự án quan trọng quốc gia có quy mô lớn, quá trình thi công phức tạp nhất từ trước tới nay. Các chuyên gia cho rằng, cần nghiên cứu kỹ lưỡng, từ đó đề xuất các cơ chế đặc thù để dự án đạt hiệu quả.

Theo tính toán, tuyến đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam có chiều dài 1.545km, tổng vốn đầu tư gần 70 tỷ USD, đi qua 20 tỉnh, thành, dự kiến triển khai trong vòng 10 năm, khởi công từ năm 2025. Đây là thời điểm không thể trì hoãn để bắt tay xây dựng hiện đại hóa hệ thống giao thông đường sắt đã quá lạc hậu để tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Theo GS.Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Mại, cần có quyết tâm chính trị mạnh mẽ và nếu có cơ chế huy động vốn phù hợp thì vốn không phải là vấn đề đặt ra.

Đây là dự án chưa có tiền lệ, lần đầu tiên được triển khai tại Việt Nam, nên cần phân tích, đánh giá kỹ lưỡng, chặt chẽ, toàn diện nhiều yếu tố. Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Văn Phúc, thành viên Tổ tư vấn, giúp việc Ban chỉ đạo của Chính phủ về xây dựng và thực hiện dự án này cho rằng, cần nghiên cứu đề xuất cơ chế đặc thù phát triển công nghiệp đường sắt.

Để đề án đạt hiệu quả, cần sớm sửa đổi cơ chế thực hiện đầu tư đường sắt tốc độ cao tại Luật Đường sắt, hoặc có đề xuất Nghị quyết riêng của Quốc hội về đường sắt tốc độ cao để cụ thể hóa những yếu tố đặc thù của đề án như hình thức đầu tư, phương án huy động vốn, chính sách đất đai, giải phóng mặt bằng; đào tạo nguồn nhân lực.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Hải Yến - Văn Thắng

Nguồn Quốc Hội TV: https://quochoitv.vn/can-nghien-cuu-de-xuat-co-che-dac-thu-de-thuc-hien-du-an-duong-sat-toc-do-cao-235949.htm