Cần người dân chung tay giám sát để bảo vệ các mỏ khoáng sản
Mỏ là tài nguyên của Nhà nước, nhưng người dân xung quanh chịu ảnh hưởng lớn nhất, do đó cần công khai minh bạch báo cáo các dự án để dân cùng tham gia giám sát.
Còn nhiều bất cập trong khâu quản lý, giám sát mỏ tài nguyên
Việt Nam là một quốc gia phục thuộc khá nhiều vào việc khai thác tài nguyên, tuy nhiên, chất lượng thể chế còn thấp sẽ dẫn tới việc quản lý chuỗi giá trị của toàn bộ quá trình khai thác kém hiệu quả.
Do tính chất đa chiều của ngành khai thác khoáng sản, mới đây Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) đã thực hiện nghiên cứu “Hướng tới một hệ thống quản trị tài nguyên tốt hơn – Cách tiếp cận kinh tế chính trị học” nhằm đánh giá một cách khái quát về vị trí, vai trò, đóng góp của ngành công nghiệp khai thác, hoạt động của các doanh nghiệp trong ngành và hiện trạng quản trị của ngành công nghiệp khai thác tại Việt Nam dưới góc nhìn kinh tế chính trị.
Theo nghiên cứu, tại Việt Nam hiện nay có khoảng 1.935 doanh nghiệp khai thác đá (chiếm tỉ trọng 50,87% toàn ngành khai thác), 873 doanh nghiệp khai thác cát sỏi (22,95%), 330 doanh nghiệp khai thác kim loại (8,68%) và 181 doanh nghiệp khai thác than (4,76%), trong đó 60% là doanh nghiệp Nhà nước.
Số liệu từ năm 2019 đã cho biết, tổng lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp khai khoáng đạt 5.200 tỷ đồng. Trong đó, doanh nghiệp khai thác đá có lợi nhuận cao nhất, đạt 1.988,5 tỷ đồng, bình quân mỗi doanh nghiệp có lợi nhuận 11 tỷ đồng, còn doanh nghiệp khai thác than có lợi nhuận đạt 1.860,5 tỷ đồng, bình quân mỗi doanh nghiệp lãi khoảng 5,64 tỷ đồng.
Chính vì thế, trong giai đoạn từ năm 2005 – 2012, ngành khai khoáng đã đóng góp 18.600 tỷ đồng, xấp xỉ 4,37% GDP năm 2005, tăng lên hơn 77.500 tỷ đồng, xấp xỉ 5,14% GDP của Viêt Nam năm 2012. Giai đoạn từ 2012 – 2020, mức đóng góp có xu hướng giảm còn 73.100 tỷ đồng, tuy nhiên vẫn chiếm 2,49% GDP của cả năm 2020.
Tuy nhiên, nghiên cứu của VESS cho thấy, quá trình quản trị ngành công nghiệp khai thác tại Việt Nam hiện nay còn nhiều bất cập. Về thể chế, vẫn còn nhiều hoạt động khoáng sản chưa được quy định trong Luật khoáng sản; Luật khoáng sản vẫn chưa đồng bộ với các luật khác.
Thêm vào đó, việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi thành còn chậm, hệ thống chính sách, luật pháp chưa thật sự quan tâm đến phát triển các hoạt động khoáng sản phía hạ nguồn. Sự phối hợp hoạt động giữa các cơ quan liên quan chưa tốt, điều này một phần do tình trạng thiếu nhân lực, đặc biệt là nhân lực ở cấp cơ sở.
Liên quan đến công tác thu, quản lý và phân bổ nguồn thu, mặc dù đã được quy định trong Luật Khoáng sản năm 2010 nhưng vẫn tồn tại tranh cãi về các quy định, về bản chất của tiền cấp quyền khai thác và thuế tài nguyên.
Mặc dù các cơ quan quản lý đã tìm cách giám sát hoạt động khai thác của doanh nghiệp nhằm đảm bảo việc kê khai đúng và đủ, nhưng việc triển khai trên thực tế còn nhiều bất cập, gây phiền hà, tốn kém và khó khăn cho doanh nghiệp và trên thực tế doanh nghiệp không khó để có thể lách hay đưa ra các lý do để có thể không thực hiện các quy định này.
Ngoài ra, việc phân bổ và sử dụng nguồn thu từ hoạt động khai thác khoáng sản cũng chưa hợp lý; thiếu quy định trong phân bổ nguồn thu giữa các địa phương. Đặc biệt với các địa phương bị ảnh hưởng trực tiếp bởi hoạt động khai khoáng (nơi có mỏ khai thác), tại những nơi mà nhóm nghiên cứu tiến hành khảo sát cho biết, gần như không nhận được lợi ích trực tiếp nào được để lại từ hoạt động khai thác tài nguyên.
Thậm chí, hiện chưa có cơ chế phân bổ để các địa phương nơi có mỏ khoáng sản được hưởng lợi nhiều hơn và trực tiếp từ hoạt động khai thác khoáng sản.
Từ phía doanh nghiệp, ông Tống Minh Hiểu, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An đã cho hay: “Nhà nước không có lối hành lang cho doanh nghiệp, doanh nghiệp biết vi phạm pháp luật nhưng vẫn phải làm, vì biết lúc này mới có lãi".
Ông Hiểu cũng cho biết thêm, doanh nghiệp khai thác bị tính thuế không sòng phẳng, khi Bộ áp thuế doanh nghiệp 5% trong khi tỉnh tính thuế 15% - 25%.
Quản trị mỏ khoáng sản, cần người dân góp sức
PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, Viện trưởng Viện Chính sách kinh tế và môi trường phát biểu: “Chúng ta quá lãng phí tài nguyên, chỉ đến khi trái đất diệt vong và hình thành lại mới sinh ra lượng khoáng sản này. Vậy nên cần phải quản trị những mỏ khoáng sản này thật tốt”.
Theo PGS.TS Nguyễn Đức Thành, Giám đốc VESS, hệ thống quản trị cần được thiết kế vững vàng hơn, và nhà quản lý, người khai thác cần hiểu rõ về bản chất của tài nguyên khoáng sản thay vì chú trọng lợi ích kinh tế, để đảm bảo cho chi phí mà xã hội phải chịu ở mức thấp nhất, nhưng vẫn đảm bảo được nhu cầu tiêu dùng, khai thác.
Bởi mỏ là tài nguyên thiên nhiên của Nhà nước, nhưng người dân xung quanh mới là người chịu ảnh hưởng lớn nhất, chưa kể đến nhà ở và xã hội trong quá trình khai thác, và sau quá trình khai thác.
Ông Thành cũng khuyến nghị cần có sự thiết chế, quản lý các mỏ tốt hơn, đồng thời cần công khai minh bạch báo cáo của các dự án, để người dân, nhà nghiên cứu, nhà tổ chức xã hội đều được biết, nhằm mục đích cùng tham gia giám sát với Nhà nước, đồng thời giảm tải gánh nặng cho địa phương, tạo mội trường xã hội xung quanh mỏ được tốt hơn.
Ngoài ra, ông Phạm Văn Long, đại diện nhóm nghiên cứu cũng đưa ra giải pháp, cần điều chỉnh các quy định liên quan đến cấp giấy phép khai thác nhằm giảm thiểu khai thác trái phép và cho phép sự linh hoạt hơn trong việc tăng giá trị sản phẩm khai thác.