Cân nhắc bổ sung thẩm quyền giữ người trong trường hợp khẩn cấp, tạm giữ, tạm giam
Tiếp tục Kỳ họp thứ 9, chiều 20/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự. Các đại biểu đề nghị bổ sung cụ thể chế độ hoãn thi hành án tử hình; cân nhắc bổ sung thẩm quyền giữ người trong trường hợp khẩn cấp, tạm giữ, tạm giam.
Đề nghị bổ sung cụ thể chế độ hoãn thi hành án tử hình

Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Lê Nhật Thành. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Thảo luận tại tổ, đại biểu Lê Nhật Thành (Hà Nội) tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự nhằm kịp thời thể chế hóa các nghị quyết, kết luận của Đảng và khắc phục bất cập, xử lý một số vấn đề cấp bách phát sinh trong thực tiễn giải quyết vụ án hình sự thời gian vừa qua.
Về các quy định liên quan đến tử hình, đại biểu Lê Nhật Thành đề nghị bổ sung cụ thể về chế độ hoãn thi hành án tử hình, bảo đảm thống nhất thời gian hoãn thi hành án tử hình với thời hạn xem xét đơn xin ân giảm của Chủ tịch nước.
Về thủ tục xét đơn xin ân giảm án tử hình của Chủ tịch nước, đại biểu Lê Nhật Thành đề nghị quy định theo hướng Chủ tịch nước quyết định ân giảm. Còn đối với trường hợp không đồng ý ân giảm, nên giao cho cơ quan có thẩm quyền như Văn phòng Chủ tịch nước, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao thông báo bằng văn bản và không nên quy định Chủ tịch nước ký ban hành quyết định bác đơn xin ân giảm.
Để thể chế hóa Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu sửa đổi các nội dung liên quan đến đổi mới và chuyển đổi số trong hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự như chữ ký số, cơ sở dữ liệu, số hóa hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng...
Đại biểu Lê Nhật Thành cũng đề nghị sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến dẫn độ, nhất là quy định bắt người trong trường hợp khẩn cấp để dẫn độ trong Bộ luật Tố tụng hình sự.
Theo đại biểu, bắt người trong trường hợp khẩn cấp để dẫn độ là một chính sách quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến quyền con người, quyền cơ bản của công dân. Do đó, việc quy định biện pháp này trong Bộ luật Tố tụng hình sự là phù hợp. Việc sửa đổi, bổ sung quy định về bắt người trong trường hợp khẩn cấp để dẫn độ trong Bộ luật Tố tụng hình sự sẽ khắc phục ngay những hạn chế, bất cập trong thực hiện giải quyết yêu cầu dẫn độ, tạo cơ sở pháp lý cho các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam có thể áp dụng biện pháp bắt tạm giam người bị yêu cầu dẫn độ ngay sau khi nhận được yêu cầu của phía nước ngoài, tránh tình trạng người nước ngoài bị yêu cầu dẫn độ bỏ trốn.
"Luật Dẫn độ dự kiến được thông qua tại Kỳ họp thứ 10. Nếu không sửa đổi, bổ sung quy định này trong Bộ luật Tố tụng hình sự, dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 9, sẽ dẫn đến vướng mắc, bất cập trong Luật Tương trợ tư pháp, nhất là phần về dẫn độ bắt người trong trường hợp khẩn cấp để dẫn độ", đại biểu Lê Nhật Thành nêu.
Góp ý về vấn đề thời hạn xem xét đơn xin ân giảm án tử hình, đại biểu Nguyễn Hải Trung (Hà Nội) chia sẻ, từ kinh nghiệm làm Giám đốc Công an ở Thanh Hóa và Hà Nội cho thấy, số lượng người chờ thi hành án tử hình để chờ quyết định của Chủ tịch nước là rất lớn, thậm chí có những trường hợp chờ đến hàng chục năm.
Đại biểu Nguyễn Hải Trung cho biết, nhiều đối tượng trong số này lại rất muốn được thi hành án tử hình. Trong khi đó, việc chờ đợi kéo dài này gây khó khăn cho việc xử lý. Những đối tượng này liên tục chống đối, phá phách, gây áp lực và nguy hiểm cho cán bộ quản lý.
"Cần phải có cơ chế hợp lý để xử lý những trường hợp các đối tượng như thế này, đại biểu Nguyễn Hải Trung nêu.
Khắc phục bất cập khoảng cách địa lý từ xã đến tỉnh
Thảo luận tại tổ, đại biểu Trần Quốc Tỏ (Bắc Ninh) cho biết, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một điều của Bộ luật Tố tụng hình sự được xây dựng theo trình tự, thủ tục rút gọn nhằm kịp thời thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, đáp ứng yêu cầu sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng.
Đồng thời, dự án Luật khắc phục bất cập, xử lý một số vấn đề cấp bách, phát sinh trong thực tiễn tiến hành tố tụng hình sự thời gian qua như thủ tục điều tra, truy tố trong trường hợp bị can bỏ trốn hoặc vắng mặt; quy định liên quan đến thi hành án tử hình, giám định tư pháp...
Dự thảo Luật quy định điều tra viên là trưởng hoặc phó công an cấp xã có thẩm quyền tiến hành khởi tố, điều tra vụ án hình sự về tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, có mức cao nhất của khung hình phạt đến 7 năm tù xảy ra trên địa bàn cấp xã. Tuy nhiên, đại biểu Trần Quốc Tỏ đề nghị cân nhắc bổ sung thẩm quyền giữ người trong trường hợp khẩn cấp, tạm giữ, tạm giam và các biện pháp ngăn chặn khác cho nhóm chủ thể này.
“Việc giao thêm thẩm quyền trên cho điều tra viên là trưởng hoặc phó công an cấp xã là phù hợp, đảm bảo tính kịp thời, khắc phục bất cập khoảng cách địa lý từ xã đến tỉnh”, đại biểu Trần Quốc Tỏ nói.
Bên cạnh đó, đại biểu Trần Quốc Tỏ đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, cân nhắc quy định rõ chủ thể điều tra viên là trưởng hoặc phó công an cấp xã, tránh trường hợp suy diễn thêm một cấp điều tra. “Công an cấp xã không phải là một cấp điều tra. Điều tra viên trong trường hợp này mang chức danh tư pháp để thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn của thủ trưởng cơ quan điều tra cấp tỉnh”, đại biểu nêu.
Quan tâm đến vấn đề số hóa hoạt động của cơ quan điều tra, đại biểu Trần Quốc Tỏ cho biết, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; trong đó, Bộ Chính trị yêu cầu các cơ quan trong hệ thống chính trị phải có kế hoạch và lộ trình đưa toàn bộ hoạt động lên môi trường số, bảo đảm liên thông, đồng bộ.
Thực hiện chủ trương trên, góp phần số hóa các hoạt động của các cơ quan điều tra, Bộ Công an đề nghị sửa đổi, bổ sung một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, trong đó, quy định số hóa hồ sơ vụ án; quy định người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể ký số trong các văn bản tố tụng và chữ ký số có giá trị pháp lý như chữ ký trực tiếp.
"Việc áp dụng số hóa sẽ khắc phục được khó khăn về địa lý trong việc ký văn bản của cơ quan điều tra", đại biểu Trần Quốc Tỏ nói.