Cân nhắc để tiếp cận các nguồn vốn phù hợp
Trả lời chất vấn của các ĐBQH về giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nêu rõ, doanh nghiệp và người dân cần cân nhắc để có thể tiếp cận các nguồn vốn phù hợp. Khi tiếp cận nguồn vốn của hệ thống ngân hàng thì các tổ chức và cá nhân phải đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn được vay và quan trọng nhất là khách hàng đó phải có khả năng trả nợ, có phương án kinh doanh khả thi.
Đánh giá, tổng kết để xác định đâu là trọng tâm, trọng điểm
Tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong nước hiện nay vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn. Năm 2024, số doanh nghiệp mới thành lập tăng 9,7% nhưng số doanh nghiệp rút khỏi thị trường tăng tới 21% dù Chính phủ đã thực hiện rất nhiều giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có các giải pháp về tín dụng.
Nêu thực tế này, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong thời gian tới Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ tiếp tục tham mưu cho Chính phủ những giải pháp thiết thực gì về tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là trong bối cảnh mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 đề ra là khá cao so với giai đoạn 2021-2024?
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng, đối với Việt Nam có đặc thù là nhu cầu đầu tư cho sản xuất kinh doanh phụ thuộc rất lớn vào nhu cầu vốn tín dụng của hệ thống ngân hàng. Chỉ số dư nợ tín dụng/GDP hiện đã hơn 120% GDP. Do đó, trong tổ chức điều hành về tín dụng, NHNN cũng hết sức cân nhắc.
Đối với vấn đề giải quyết về vốn, liên quan đến giải pháp về tín dụng, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN đã báo cáo quá trình thực hiện. Vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh có rất nhiều nguồn vốn: nguồn vốn tự có; nguồn vốn vay ngân hàng; nguồn vốn thu hút đầu tư trực tiếp, gián tiếp của nước ngoài. Hiện cũng đã có khuôn khổ pháp lý đối với những doanh nghiệp đi vay vốn nước ngoài, có khả năng tự vay - tự trả.
Do đó, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng, bản thân doanh nghiệp và người dân cần cân nhắc để có thể tiếp cận các nguồn vốn phù hợp. Còn khi tiếp cận nguồn vốn của hệ thống ngân hàng thì các tổ chức và cá nhân phải đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn được vay và quan trọng nhất là khách hàng đó phải có khả năng trả nợ. Để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân có khả năng trả nợ có nghĩa là doanh nghiệp và người dân phải có phương án kinh doanh khả thi; điều này đòi hỏi các giải pháp phối hợp hỗ trợ từ nhiều bộ, ngành liên quan.
Cho biết thực tế doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, khả năng tiếp cận vốn trong thời gian qua gặp nhiều khó khăn, ĐBQH Mai Văn Hải (Thanh Hóa) đề nghị Thống đốc NHNN cho biết những giải pháp căn cơ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã tiếp cận vốn tín dụng tốt hơn?
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN nhận thấy đối với việc điều hành chính sách tín dụng cũng gặp những trở ngại. Tổng số doanh nghiệp của cả nước là khoảng 930.000 nhưng có khoảng 97-98% là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Những doanh nghiệp này hạn chế về năng lực tài chính, khả năng cạnh tranh trên thị trường, thương hiệu cũng như uy tín... Trong khối doanh nghiệp này có nhiều doanh nghiệp tiếp cận được tín dụng nhưng cũng có những doanh nghiệp không có khả năng trả nợ, không có dự án sản xuất kinh doanh khả thi nên không tiếp cận được tín dụng.
Để triển khai Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Chính phủ đã có Quỹ hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa nhưng vốn điều lệ của Quỹ chỉ 2.000 tỷ đồng và là một con số rất nhỏ. Trong khi đó, tổng dư nợ của toàn hệ thống ngân hàng lên tới 15 triệu tỷ đồng, riêng khối doanh nghiệp là khoảng 7,8 triệu tỷ đồng. Trong thực tiễn, Quỹ này có thể cho vay trực tiếp hoặc gián tiếp nhưng về cơ cấu, tổ chức, cán bộ chưa có chuyên môn nghiệp vụ để cho vay trực tiếp nên đã ủy thác qua những tổ chức tín dụng để cho vay.
Ngoài ra còn có Quỹ bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn và đã có ở các địa phương. Theo quy định, vốn điều lệ của Quỹ là khoảng 100 tỷ đồng nhưng có nhiều địa phương chưa bố trí được và có 5 Quỹ đã giải thể.
NHNN đã có kiến nghị, đối với các doanh nghiệp Việt Nam thì cần có đánh giá, tổng kết và xác định đâu là trọng tâm, trọng điểm, đâu là doanh nghiệp đầu đàn để các doanh nghiệp nhỏ và vừa là vệ tinh. Đồng thời cũng cần đánh giá nguyên nhân các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, các Quỹ trong thời gian qua hoạt động không hiệu quả.
Cần giải pháp đồng bộ tháo gỡ vấn đề tiếp cận tín dụng của hợp tác xã
Cũng quan tâm đến nội dung hỗ trợ vay vốn và giảm lãi suất để phục hồi sản xuất kinh doanh, ĐBQH Tạ Minh Tâm (Tiền Giang) đề nghị, trong bối cảnh vừa phục hồi sản xuất kinh doanh, vừa đi vào thực thi Luật Hợp tác xã năm 2023, Thống đốc NHNN cho biết nhận định về kết quả tháo gỡ vướng mắc trong tiếp cận vốn của khu vực kinh tế tập thể, nhất là các đơn vị kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp? Trách nhiệm và giải pháp của NHNN trong thời gian tới như thế nào?
Trả lời đại biểu, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, phát triển kinh tế tập thể trong đó nòng cốt là hợp tác xã là vấn đề được Đảng, Nhà nước rất quan tâm, hỗ trợ.
Về phía NHNN cũng đã có các giải pháp về tín dụng và thường xuyên tổ chức các hội nghị, hội thảo; phối hợp với các bộ, ban, ngành và Liên minh Hợp tác xã Việt Nam để rà soát những khó khăn, tồn tại, từ đó tham mưu, đề xuất những biện pháp phù hợp.
Theo Luật Hợp tác xã, các hợp tác xã, liên minh hợp tác xã, tổ hợp tác sẽ được hưởng các chính sách tín dụng ưu đãi theo các quy định của pháp luật hiện hành. Hiện nay, đối với trách nhiệm của mình, NHNN đã phối hợp với các bộ, ngành tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định số 55 về tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Bên cạnh đó, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển nông nghiệp, nông thôn, Ngân hàng Nhà nước cũng đang chủ trì và phối hợp với các bộ, ngành có đánh giá, tổng kết và sửa đổi Nghị định 55. Theo Nghị định này, hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cũng được hưởng các ưu đãi về tín dụng.
Đối với các hợp tác xã thuộc đối tượng cho vay theo chương trình của Ngân hàng chính sách xã hội, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, Ngân hàng chính sách xã hội đang triển khai 27 chương trình tín dụng cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Nếu hợp tác xã thuộc đối tượng thụ hưởng của Ngân hàng Chính sách xã hội cũng sẽ được tiếp cận ưu đãi về tín dụng.
“Thời gian qua, chúng tôi đã rất tích cực thực hiện các giải pháp hỗ trợ và đối với Ngân hàng chính sách xã hội cũng là đầu mối phối hợp với các cơ quan bộ, ngành để tham mưu Chính phủ, Quốc hội bố trí nguồn vốn cho Ngân hàng chính sách xã hội thực hiện các chương trình này”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết.
Song, Thống đốc cũng chỉ rõ, hiện nay hợp tác xã cũng còn một số khó khăn, tồn tại như: nội tại của hợp tác xã còn yếu, hiệu quả hoạt động chưa cao, mô hình tổ chức còn lỏng lẻo, tình hình tài chính minh bạch còn hạn chế... do đó, cũng ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận tín dụng. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục rà soát, đồng thời, cần có những giải pháp từ các bộ, ngành, cơ quan liên quan để tháo gỡ vấn đề này.