Cân nhắc độ tuổi điều khiển xe gắn máy, cần phải xem xét nhiều khía cạnh
Tham gia góp ý Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông, một số chuyên gia và đơn vị kiến nghị nên hạ độ tuổi người được điều khiển xe gắn máy.
Đủ điều kiện về thể chất
Đồng tình với đề xuất này, anh Nguyễn Huy Kiện (quận Hà Đông, Hà Nội) cho rằng, trên đường phố, trước cổng các trường trung học phổ thông không khó bắt gặp hình ảnh học sinh phi bạt mạng trên đường. Trong khi đó, nhóm học sinh đi xe đạp điện hầu như không đội mũ bảo hiểm.
“Nguyên nhân của tình trạng này, theo tôi, các em chưa hiểu hết các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông, chưa ý thức được sự nguy hiểm do hành vi mình gây ra nên cần được học bài bản về luật giao thông, đồng thời trải qua các bài thi sát hạch trước khi được cầm lái là điều cần thiết”, anh Hùng kiến nghị.
Chị Hà Minh Phương (quận Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ, trẻ em ở độ tuổi này đã phát triển hơn hẳn thế hệ trước cả về thể chất lẫn nhận thức. Kèm theo đó, trẻ em độ tuổi này cũng bắt đầu có những lớp học thêm, học nhóm cùng bạn bè mà không thể lúc nào cũng phụ thuộc cha mẹ đưa đón.
“Theo tôi, đây là một đề xuất hợp lý và cũng là trào lưu trên thế giới khi xét về mặt thể chất, nhận thức, độ tuổi này đã phát triển. Bởi, một số nước trên thế giới đã hạ độ tuổi của người được cấp giấy phép lái xe hai bánh cũng như bốn bánh.
Vì vậy, tôi nghĩ chúng ta nên nghiên cứu theo các nước đang áp dụng có những khó khăn, thuận lợi gì và các nước có cần điều kiện kèm theo hay không. Vấn đề này tôi nghĩ là phát triển tiên tiến và phù hợp với tình hình phát triển chung của các nước trên thế giới”, chị Phương cho biết.
Em P.G.H. học sinh lớp 9, Trường THCS Khương Thượng (Hà Nội) cho rằng, thực tế hiện nay, đối với học sinh lớp 9, 10 việc đi xe gắn máy đã không còn mấy xa lạ bởi việc này cũng phục vụ nhu cầu học tập.
“Ở độ tuổi chúng em, nếu như các bạn tập trung vào việc học mà có một chiếc xe gắn máy để di chuyển trợ giúp việc này là điều rất đáng mừng. Song, không phải bạn nào cũng có ý thức tốt để tham gia giao thông.
Em nghĩ nếu như được thi sát hạch lái xe để có bằng sẽ góp phần đảm bảo an toàn giao thông và phần nào cũng giúp cha, mẹ chúng em không mất thêm thời gian để đưa đón”, em H. chia sẻ.
Rủi ro trực chờ
Chia sẻ quan điểm về đề xuất người từ 15 tuổi được điều khiển xe gắn máy và cấp giấy phép lái xe, anh Quách Minh Trí (huyện Thanh Trì, Hà Nội) cho rằng, hiện nay tai nạn giao thông có chiều hướng giảm số vụ nhưng số thương vong mỗi vụ lại tăng. Điều quan trọng là làm sao giáo dục thật tốt về ý thức tham gia giao thông, nâng cao nhận thức cho mỗi người...
“Theo tôi được biết, từ 15 tuổi tâm lý các cháu còn nhỏ, chưa đủ chững chạc nên dễ xảy ra va chạm, gây thương tích cho chính các cháu và nguy hiểm cho người đi đường.
Sự ủng hộ của các phụ huynh hiện nay chỉ nghĩ đến nhu cầu nhưng xét về khía cạnh pháp luật ở độ tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự sẽ như thế nào. Khi đề xuất này được đồng ý, nếu có xảy ra tai nạn chết người thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm?”, anh Trí nhấn mạnh.
Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Mai Anh, từ góc độ tâm lý, người dưới 18 tuổi chưa nên được cấp bằng lái xe trên 50cc. Ở độ tuổi này, tâm lý và hành vi của thanh thiếu niên chủ yếu bị chi phối bởi bạn bè và các nhóm hội.
Nếu pháp luật cho phép cấp giấy phép lái xe cho họ, điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi để họ tụ tập dễ dàng hơn, có thể dẫn đến những hành vi thiếu kiểm soát và nguy cơ cao về tai nạn giao thông.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Mai Anh cho biết: “Tuổi mới lớn thường có nhu cầu khẳng định và chứng tỏ bản thân, rất hay thành lập băng nhóm và tham gia đua xe. Điều này không chỉ tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn, mà còn khiến cha mẹ khó kiểm soát được việc các em đi đâu và làm gì khi sử dụng xe”.
Bà Mai Anh cũng phân tích thêm, tại Việt Nam hạ tầng giao thông chưa đủ rộng rãi, khi các em chưa làm chủ được bản thân, chưa kiểm soát được hành vi tốt thì việc chưa tuân thủ luật lệ giao thông cũng bị hạn chế.
“Trẻ em phương Tây, 16 tuổi có thể được thi bằng lái xe nhưng chúng ta phải thấy ở họ đường sá như thế nào, điều kiện, mức sống của họ ra sao. Tôi cảm giác là Việt Nam chưa phù hợp, nếu cân nhắc được giống như nước ngoài thì mới có thể áp dụng”, vị chuyên gia nhấn mạnh.
TS Đồng Trung Chính - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế Công nghiệp Hà Nội trải lòng, hầu như ngày nào cũng tận mắt thấy nhiều em học sinh đi xe gắn máy dàn hàng 3, 4 rất mất an toàn giao thông.
“Nguyên nhân của tình trạng này, theo tôi, các em chưa hiểu hết các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông, chưa ý thức được sự nguy hiểm do hành vi mình gây ra nên cần được học bài bản về luật giao thông”, vị này nói.
TS Đồng Trung Chính cho rằng, không nên cấp giấy phép lái xe và cho phép sử dụng phương tiện xe gắn máy đối với người dưới 16 tuổi, vì ở độ tuổi này các em vẫn còn có nhiều cái tôi của bản thân và vẫn chưa thể làm chủ được phương tiện.
“Tôi vẫn khuyến khích lứa tuổi này tham gia các phương tiện giao thông công cộng hoặc xe đạp. Nếu độ tuổi 15 sử dụng xe gắn máy sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn giao thông”, TS Đồng Trung Chính nhấn mạnh.