Cân nhắc kỹ hơn nội dung, diễn đạt để đảm bảo sự chặt chẽ, khả thi

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có nhiều điểm mới, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn và cụ thể hơn so với Luật Thủ đô năm 2012. Tuy nhiên, còn số điểm cần được rà soát, cân nhắc kỹ hơn về nội dung hoặc cách diễn đạt để đảm bảo sự chặt chẽ, khả thi và không bị trùng lặp. TS. Lê Văn Hoạt, Nguyên Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội đã có một số góp ý cụ thể vào một số điều, khoản trong Dự thảo Luật:

Góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi):

Hình ảnh Hà Nội hiện đại và phát triển từ góc nhìn trên cao. Ảnh: Khánh Huy

Hình ảnh Hà Nội hiện đại và phát triển từ góc nhìn trên cao. Ảnh: Khánh Huy

Điều 22. Quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan và xây dựng đô thị

Theo TS. Lê Văn Hoạt, tại Khoản 1 Điều 22: Đề nghị bổ sung khu vực Hồ Tây vào yêu cầu thiết lập không gian cảnh quan. Cụ thể là: “1. Không gian, kiến trúc, cảnh quan và xây dựng đô thị của Thủ đô phải được quản lý theo đồ án quy hoạch, bảo đảm bảo tồn, tôn tạo, phát huy các hình thái kiến trúc có giá trị văn hóa, lịch sử, tạo lập không gian xanh, không gian ngầm của Thủ đô, không gian cảnh quan hai bên Sông Hồng và khu vực Hồ Tây”.

Cùng với sông Hồng, Hồ Tây là di sản thiên nhiên gắn với nhiều giá trị lịch sử, văn hóa lâu đời, có giá trị đặc biệt của Hà Nội.

Từ Quyết định số 132/CT năm 1992 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về việc điều chỉnh quy hoạch Tổng mặt bằng Thủ đô Hà Nội và các lần quy hoạch tiếp theo từ đó đến nay đều nhấn mạnh đến vị trí, vai trò của Hồ Tây và vùng phụ cận, xác định: khu vực Hồ Tây phải được quy hoạch xây dựng thành trung tâm dịch vụ, du lịch, trung tâm văn hóa thể thao và là vùng bảo vệ cảnh quan thiên nhiên phục vụ các hoạt động vui chơi giải trí Thủ đô.

Việc khẳng định vị trí, vai trò và định hướng phát triển của khu vực Hồ Tây trong Luật Thủ đô sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị của Hồ Tây trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.

Khoản 3 Điều 22: Bổ sung khu vực Hồ Tây vào các khu vực cần ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn, biện pháp quản lý không gian đô thị, không gian ngầm, kiến trúc, cảnh quan, vùng di sản.

Điều 24. Phát triển giáo dục và đào tạo

Tại Khoản 1 Điều 24: Đề nghị bổ sung cụm từ “và giáo dục, đào tạo” và sửa lại như sau: “1. Xây dựng Thủ đô Hà Nội thực sự là trung tâm lớn, tiêu biểu của cả nước về giáo dục, đào tạo và giáo dục, đào tạo chất lượng cao, thích ứng với quá trình chuyển đổi số quốc gia, đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế”.

Theo TS. Lê Văn Hoạt, nếu viết như dự thảo thì dễ hiểu là Hà Nội chỉ chú trọng đến GD&ĐT chất lượng cao. Với vai trò và vị thế của Thủ đô, Hà Nội phải là trung tâm lớn, tiêu biểu cho cả nước về GD&ĐT nói chung, trong đó có việc GD&ĐT chất lượng cao. Theo phương thức tự nguyện nên về thực chất các trường chất lượng cao cơ bản phục vụ cho đối tượng các gia đình có điều kiện, trong khi đó hệ thống trường học các cấp phổ thông của Hà Nội hiện nay vừa thiếu, vừa phân bố không đều nên đang gây áp lực rất lớn cho các gia đình có con trong độ tuổi đi học.

Khoản 2 Điều 24: Cần bổ sung quy định về trách nhiệm và thẩm quyền trong việc quy hoạch và thực hiện quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông các cấp trên địa bàn Hà Nội. Dự thảo mới đề cập đến thẩm quyền phê duyệt quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn.

Khoản 3 Điều 24: Sửa lại cách trình bày nội dung khoản này để gọn và rõ như sau: “Nhà đầu tư đầu tư vào các dự án thành lập mới các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông chất lượng cao, cơ sở giáo dục thông minh, cơ sở giáo dục tiên tiến, hiện đại có nhiều cấp học, cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông tại các vùng sâu, vùng khó khăn về kinh tế - xã hội trên địa bàn Thủ đô được hưởng ưu đãi quy định tại khoản 3 Điều 23 của Luật này”.

Khoản 4 Điều 24: Sửa lại cách trình bày nội dung khoản 4 để ngắn gọn, tránh trùng lặp câu, từ như sau: “4. Cơ sở giáo dục phổ thông công lập của Thủ đô được thực hiện liên kết giáo dục với các cơ sở giáo dục được thành lập và hoạt động hợp pháp ở nước ngoài, được cơ quan, tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài công nhận về chất lượng giáo dục. Chương trình giảng dạy, bằng cấp, chứng chỉ của chương trình liên kết phải đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Việc theo học các chương trình liên kết giáo dục tại các cơ sở giáo dục này theo nguyên tắc tự nguyện. Việc thực hiện liên kết được thực hiện theo quy định của Chính phủ về liên kết đào tạo đối với cơ sở giáo dục ngoài công lập”.

Khoản 5 mục c: Ở phần trên chưa thấy đề xuất thành lập Quỹ Học bổng – cần bổ sung nội dung này trước khi quy định HĐND quy định việc tổ chức và hoạt động của quỹ này.

Bạch Dương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/can-nhac-ky-hon-noi-dung-dien-dat-de-dam-bao-su-chat-che-kha-thi-352260.html