Cân nhắc kỹ tác động khi tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu và bia

Việc sử dụng công cụ thuế để giảm mạnh hơn nữa nhu cầu tiêu dùng rượu, bia cần được cân nhắc kỹ tác động ở nhiều mặt, nhất là đối với khả năng sụt giảm doanh thu của các doanh nghiệp trong ngành rượu, bia và chuỗi ngành hàng liên quan...

Sản lượng sản xuất, tiêu thụ bia hiện sụt giảm khoảng 20% so với trước đây.

Sản lượng sản xuất, tiêu thụ bia hiện sụt giảm khoảng 20% so với trước đây.

Thực tế hiện nay và dự báo trong thời gian tới, ngành rượu, bia tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn khiến sản lượng sản xuất, tiêu thụ bia sụt giảm khoảng 20% so với trước đây, tốc độ tăng trưởng âm, gây nhiều khó khăn và thách thức cho ngành. Thống kê cho thấy có khoảng 50% số doanh nghiệp giảm lợi nhuận trong giai đoạn 2020-2021, hơn 70% doanh nghiệp phải áp dụng biện pháp giảm chi phí, giảm lao động khiến thu nhập lao động giảm 10%.

CẢ CHUỖI NGÀNH HÀNG KHÓ ĐỨNG VỮNG

Lý do dẫn đến tình trạng trên là bởi thời gian qua, ngoài chính sách thuế, ngành rượu, bia đang phải chống chọi với nhiều khó khăn chồng chất do những hệ lụy của dịch bệnh Covid-19, các tác động bất lợi từ cuộc khủng hoảng trong mối quan hệ giữa các quốc gia trên thế giới (xung đột Nga-Ukraine) và một loạt chính sách khác tác động đến mặt hàng này như: Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia, Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt…

Nhìn lại đóng góp của ngành rượu, bia đối với kinh tế, xã hội, thì thấy rõ sản xuất rượu, bia là phân ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và đóng góp quan trọng vào sự phát triển của ngành công nghiệp Việt Nam nói riêng và nên kinh tế nói chung, với mức tăng trưởng về giá trị sản xuất bình quân trên 10%/năm.

Tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp của ngành chiếm khoảng 5,6-6% tổng giá trị ngành công nghiệp cả nước. Bên cạnh đó, thuế tiêu thụ đặc biệt đóng góp tới gần 2% vào GDP, trong đó, đóng góp ngành rượu, bia chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng thuế tiêu thụ đặc biệt, lên tới 30-40%.

Ngành cũng tạo việc làm cho hàng trăm ngàn lao động trực tiếp và hàng triệu lao động gián tiếp trong chuỗi cung ứng, từ bao bì, đóng gói, vận chuyển, bảo quản, bán buôn, bán lẻ cũng như các nhà cung ứng nguyên phụ liệu sản xuất đầu vào cho sản xuất, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường, phục vụ cho xuất khẩu, sản phẩm có sức cạnh tranh cao trong điều kiện hội nhập.

PGS.TS. Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế.

"Khi xây dựng chính sách thuế nói chung và thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm rượu, bia nói riêng, cần đảm bảo sự cân bằng giữa đối tượng nộp thuế và Nhà nước; không tận thu mà phải nuôi dưỡng nguồn thu. Nội dung của nguyên tắc này là đánh thuế phải đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước nhưng không được để đối tượng nộp thuế rơi vào tình trạng khó khăn, suy kiệt. Đây là điều kiện tiên quyết quan trọng để duy trì sự tồn tại, phát triển của đối tượng nộp thuế, để nuôi dưỡng nguồn thu".

Hiện Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về đề xuất tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm rượu, bia, theo đó các mặt hàng này sẽ phải chịu mức thuế suất cao, dự kiến sẽ tăng liên tục bắt đầu từ năm 2026 đến năm 2030, từ mức 65% lên đến 100%.

Bộ Tài chính cho rằng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các mặt hàng rượu, bia còn thấp, chưa đủ tác dụng để hạn chế tiêu dùng hoặc điều tiết thu nhập của người sử dụng có thu nhập cao trong xã hội.

Như vậy, giờ đây, các sản phẩm rượu, bia lại đang có nguy cơ phải đối mặt với đề xuất tăng thuế lớn nhất chưa từng có trong lịch sử về tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia, nếu theo phương án 2 của dự thảo Hồ sơ Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).

Chính sách thuế là vấn đề rất phức tạp, khi xem xét điều chỉnh phải cẩn trọng đánh giá tác động cụ thể và những hệ lụy không mong muốn đối với hoạt động sản xuất kinh doanh và sự ổn định kinh tế vĩ mô và vấn đề an sinh xã hội. Hiện chưa thể đánh giá hết được các tác động to lớn, lan tỏa của đề xuất này nếu được áp dụng.

Ngành rượu, bia rất lo ngại khi tăng thuế làm giá sản phẩm tăng cao, người tiêu dùng sẽ có xu hướng chuyển sang các mặt hàng khác rẻ tiền hơn, tiêu dùng các sản phẩm trôi nổi, chất lượng kém, hàng lậu, hàng giả… tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với sức khỏe người tiêu dùng, phát sinh chi phí cho các cơ quan quản lý thị trường, hải quan chống hàng lậu.

Với dự thảo tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia lần này theo phương án 2, nếu được thông qua sẽ là “cú sốc” trước những khó khăn chồng chất, sự tụt dốc của doanh nghiệp rượu, bia. Các doanh nghiệp rượu, bia sẽ rất khó để phục hồi, ổn định. Chính sách này sẽ tạo ra hệ lụy giảm nguồn thu ngân sách, thu nhập và việc làm của hàng vạn người lao động cũng bị giảm theo.

Khi thuế tiêu thụ đặc biệt tăng cao đột ngột, giá hàng hóa sẽ tăng theo, kéo theo việc giảm sản lượng tiêu thụ, đóng cửa các nhà máy sản xuất và gia tăng thất nghiệp trong ngành. Nguồn thu của ngân sách nhà nước từ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia chắc chắn sẽ giảm theo.

TRÁNH RỦI RO QUÁ MỨC KHI ĐIỀU CHỈNH CHÍNH SÁCH

Việc đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp là mục tiêu xuyên suốt của Đảng, Chính phủ, bộ, ngành, địa phương trong bối cảnh các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Do vậy, các chính sách thuế, việc duy trì chính sách hiện hữu trong vài ba năm tới là một trong những giải pháp bền vững, là một chủ trương đúng, được công luận đồng tình, các doanh nghiệp, các chuyên gia kinh tế ủng hộ vì giúp Chính phủ nuôi dưỡng nguồn thu trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

Trong bối cảnh đó, hơn lúc nào hết, đây là thời điểm ngành rượu, bia rất cần sự hỗ trợ và chung tay của Nhà nước để có thể duy trì, ổn định sản xuất, đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm thương hiệu Việt mà họ đã phải mất rất nhiều năm để có thể gây dựng tên tuổi trên thị trường trong nước, dần vươn ra thị trường thế giới.

Việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt rượu, bia cần xem xét ở nhiều khía cạnh. Trước hết là giá của sản phẩm sẽ tăng vọt như thế nào, đánh giá kỹ lưỡng hành vi người tiêu dùng, tác động đến số thu ngân sách, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và cần có bằng chứng rõ ràng, căn cứ cụ thể.

Tiếp theo là đánh giá những tác động đối với vị trí và những đóng góp đáng kể của ngành rượu, bia cho xã hội và nền kinh tế nói chung, đối tượng chịu tác động trực tiếp, tác động gián tiếp, môi trường đầu tư, lao động, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, bên cạnh mục tiêu bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra những khuyến cáo chung về tăng thuế tiêu thụ đặc biệt cho những nước có tốc độ phát triển khác nhau và không cụ thể cho Việt Nam. Các đề xuất dựa trên khuyến cáo này cần phải được căn cứ và đánh giá đúng với thực trạng, bối cảnh ở Việt Nam.

Nhìn về góc độ công bằng, nếu như dự định tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia lên mức 100%, công tác quản lý thuế đối với mặt hàng này sẽ như thế nào khi mà các doanh nghiệp rượu hợp pháp đang phải đối mặt với vấn nạn rượu trôi nổi, không rõ nguồn gốc, không được quản lý chiếm tới 63% lượng rượu tiêu thụ, gây thất thu cho ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng?

Hơn thế nữa, khi thuế tiêu thụ đặc biệt tăng cao, cũng đồng nghĩa với giá thành sản phẩm khi bán đến tay người tiêu dùng tăng cao, biến mặt hàng này thành loại hàng hóa siêu lợi nhuận, trở thành đích ngắm đến của buôn lậu, rượu trôi nổi. Chúng ta có đủ sức kiểm soát tình trạng này hay không? Nếu không kiểm soát được, khi ấy sẽ xảy ra tình trạng “hiệu ứng ngược”...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 32-2024 phát hành ngày 05/08/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

PGS.TS. Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/can-nhac-ky-tac-dong-khi-tang-thue-tieu-thu-dac-biet-voi-ruou-va-bia.htm