Cân nhắc lập quỹ chống hàng giả để chi tiền mua hàng làm căn cứ kiểm tra
Ngày 7-7, tại TP Đà Nẵng, Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) tổ chức Hội nghị 'Chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, gian lận thương mại trong tình hình mới'.

Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: XUÂN QUỲNH
Xử lý hơn 50.000 vụ vi phạm
Tại hội nghị, ông Đỗ Hồng Trung, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cho biết, hội nghị là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh thời gian qua tình hình sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và các gian lận thương mại khác đang có những diễn biến phức tạp trên cả nước.
Hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, gian lận thương mại gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế, làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của doanh nghiệp, tiềm ẩn nguy cơ đối với sức khỏe cộng đồng, an toàn xã hội.
Đây là vấn đề không chỉ của một ngành, một địa phương mà là nhiệm vụ chung của toàn xã hội, trong đó, doanh nghiệp và người tiêu dùng đóng vai trò vô cùng quan trọng.

Ông Đỗ Hồng Trung, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia. Ảnh: XUÂN QUỲNH
Theo Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, 6 tháng đầu năm 2025, các lực lượng chức năng cả nước đã kiểm tra, xử lý 50.419 vụ liên quan buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, giảm 21,45% so với cùng kỳ. Trong đó, 10.836 vụ buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu (tăng 79,34%); 36.313 vụ gian lận thương mại, gian lận về thuế (giảm 34,14%); 3.270 vụ hàng giả, vi phạm sử hữu trí tuệ (tăng 8,64%); thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 6.454,2 tỷ đồng (tăng 6,39%); khởi tố hình sự 1.899 vụ (tăng 192,15%), 3.271 đối tượng (tăng 70,99%).
Riêng trong tháng cao điểm từ 15-5 đến 15-6, lực lượng chức năng cả nước đã kiểm tra, xử lý 10.437 vụ. Trong đó, 1.936 vụ buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu; 6.870 vụ gian lận thương mại, gian lận về thuế; 1.631 vụ hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ; thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 1.278 tỷ đồng; khởi tố hình sự 204 vụ, 382 đối tượng bị khởi tố.
Tăng cường liên thông dữ liệu
Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TPHCM, đại diện Ban Chỉ đạo 389 TPHCM cho rằng, việc doanh nghiệp đặt trụ sở tại TPHCM nhưng sản xuất, lưu kho ở tỉnh khác rồi đưa hàng ngược về tiêu thụ khiến xử lý tận gốc gặp khó. Bên cạnh đó là bất cập trong phân cấp địa bàn, chồng chéo chức năng giữa các lực lượng. Phương tiện, kiến thức, cơ sở pháp lý còn thiếu trong khi thủ đoạn vi phạm ngày càng phức tạp, đặc biệt trên mạng xã hội, sàn thương mại điện tử.
Ông Đạt kiến nghị xây dựng cơ sở dữ liệu liên thông giữa các bộ, ngành, địa phương, cho phép chia sẻ, tra cứu thông tin đối tượng vi phạm, bao gồm hành vi tái phạm. Dữ liệu này cần cập nhật biên bản xử phạt của cả cơ quan chức năng lẫn chính quyền địa phương, làm căn cứ xử lý triệt để, tránh bỏ sót.
Tương tự, ông Phạm Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TP Đà Nẵng, đại diện Ban Chỉ đạo 389 TP Đà Nẵng nhìn nhận, tình trạng bày bán hàng giả tại các điểm du lịch đã cơ bản được xử lý, song vẫn còn nhiều khó khăn do thủ đoạn tinh vi, sử dụng công nghệ cao; một số cơ sở giấu hàng, bán theo tour để né kiểm tra. Thành phố đang ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) giúp phân biệt hàng thật – giả và kiến nghị kết nối với các hiệp hội ngành hàng để phối hợp phát triển ứng dụng.

Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra hàng hóa tại một cửa hàng trên địa bàn TP Đà Nẵng
Theo ông Hoàng Ninh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương), việc làm giả, làm nhái hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử thường xuyên xảy ra.
Ông Hoàng Ninh đề xuất có thể cân nhắc thành lập quỹ chống hàng giả. Nguồn quỹ này để các cơ quan chức năng làm nhiệm vụ chống hàng giả có thể chi tiền mua hàng để có căn cứ kiểm tra, xử lý nếu đó là hàng giả.
Đại diện Cục Sở hữu trí tuệ kiến nghị hoàn thiện khung pháp lý thanh tra chuyên ngành, làm rõ quy trình, thẩm quyền, cơ chế phối hợp.
Đồng thời, cần sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ, tăng hiệu quả biện pháp dân sự, hình sự, bổ sung quy định xử lý vi phạm trực tuyến, làm rõ trách nhiệm sàn thương mại điện tử, mạng xã hội.