Cân nhắc lợi hại của AI
Các nước châu Âu muốn thảo luận về khuôn khổ chính sách AI chứ không phải những quy tắc có thể làm chậm bước tiến của các công ty công nghệ
Các đại biểu đến từ gần 100 quốc gia - gồm các nhà lãnh đạo thế giới, giám đốc điều hành công nghệ, học giả và chuyên gia - đã tập trung tại thủ đô Paris - Pháp trong 2 ngày 10 và 11-2 để thảo luận về những bước tiến và các mục tiêu trong tương lai đối với trí tuệ nhân tạo (AI) - công nghệ đang phát triển nhanh chóng, gây ra nhiều biến động.
Tại Hội nghị thượng đỉnh Hành động về AI này, nước chủ nhà tập trung vào những lĩnh vực họ có lợi thế: các hệ thống mã nguồn mở miễn phí và năng lượng sạch để vận hành trung tâm dữ liệu. Ngoài ra, các nội dung thảo luận đáng chú ý khác là giảm tình trạng gián đoạn lao động và thúc đẩy chủ quyền trong thị trường AI toàn cầu.
Theo Reuters, các nước đang đàm phán về một thông cáo chung không ràng buộc về những nguyên tắc quản lý AI, có chữ ký của Mỹ, Trung Quốc và các quốc gia khác. Nếu được các bên nhất trí, văn kiện này sẽ là một kết quả đáng kể của hội nghị.
Những cam kết về an toàn khi sử dụng AI là tâm điểm của các hội nghị thượng đỉnh trước đó tại Anh và Hàn Quốc. Dù vậy, tại sự kiện lần này, các nước châu Âu muốn thảo luận về khuôn khổ chính sách AI chứ không phải những quy tắc có thể làm chậm bước tiến của các công ty công nghệ.
![Một mẫu robot thông minh được trưng bày tại Triển lãm Điện tử tiêu dùng (CES) ở TP Las Vegas - Mỹ hồi tháng 1-2025. Trí tuệ nhân tạo tiếp tục là chủ đề trọng tâm tại sự kiện này. Ảnh: TÂN HOA XÃ](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_10_15_51435834/963e40367b789226cb69.jpg)
Một mẫu robot thông minh được trưng bày tại Triển lãm Điện tử tiêu dùng (CES) ở TP Las Vegas - Mỹ hồi tháng 1-2025. Trí tuệ nhân tạo tiếp tục là chủ đề trọng tâm tại sự kiện này. Ảnh: TÂN HOA XÃ
Một vấn đề dự kiến được nói đến nhiều là cách phân phối lợi ích của AI cho các quốc gia đang phát triển, thông qua những mô hình rẻ hơn do các công ty khởi nghiệp như Mistral (Pháp) hoặc DeepSeek (Trung Quốc) tạo ra.
Theo trang Axios, ông Sam Altman, Giám đốc điều hành Công ty OpenAI (Mỹ), dự kiến khi phát biểu tại hội nghị sẽ thúc giục các nhà lãnh đạo thế giới không nên chỉ tập trung vào rủi ro của AI mà cần chú ý đến cả tăng trưởng và cơ hội.
Tại hội nghị, các tổ chức từ thiện và doanh nghiệp dự kiến cam kết khoản tiền 500 triệu USD để tài trợ cho các dự án AI phục vụ lợi ích công trên toàn cầu. Con số này có thể tăng lên 2,5 tỉ USD trong vòng 5 năm. Ngoài ra, các nước có thể đạt được giải pháp đối phó tình trạng thiếu năng lượng "khó tránh khỏi" do các mô hình AI tiêu thụ nhiều điện.
Ngay cả khi hội nghị trên chuyển hướng sự tập trung khỏi vấn đề an toàn của AI, nhiều chuyên gia vẫn kêu gọi tăng cường quy định để ngăn nguy cơ công nghệ này vượt khỏi tầm kiểm soát của con người.
Lời kêu gọi này càng gia tăng sau khi Báo cáo An toàn AI quốc tế được công bố ngay trước thềm hội nghị, nêu bật một loạt rủi ro như: tạo và lan truyền thông tin sai lệch, sự phát triển vũ khí do AI điều khiển, nguy cơ AI tạo ra loại virus máy tính không thể ngăn chặn…
Báo cáo này được 96 chuyên gia biên soạn và nhận được sự hậu thuẫn của 30 nước, Liên hợp quốc, Liên minh châu Âu (EU), Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD).
Một số chuyên gia nhận định những rủi ro trên là "ngắn hạn", khó có thể thu hút được sự hợp tác quốc tế mạnh mẽ trong dài hạn. Theo họ, kịch bản thật sự khiến mọi người cùng hợp tác là AI trở nên thông minh hơn con người và muốn giành quyền kiểm soát.
Ông Max Tegmark, nhà sáng lập Viện Tương lai của Cuộc sống (trụ sở ở Mỹ), cảnh báo thế giới đang tiến gần hơn việc tạo ra AI tổng quát (AGI) thay vì tìm ra cách kiểm soát nó. AGI đề cập loại AI có khả năng ngang bằng hoặc vượt trội con người trong mọi lĩnh vực và đã xuất hiện dự báo công nghệ này có thể xuất hiện trong vài năm tới.
Vì thế, ông Tegmark hy vọng hội nghị thượng đỉnh ở Paris sẽ thúc đẩy các tiêu chuẩn an toàn mang tính ràng buộc giống như trong mọi ngành công nghiệp quan trọng khác.
Đại gia công nghệ vẫn đầu tư lớn
Các đại gia công nghệ Mỹ là Meta, Amazon, Alphabet, Microsoft dự kiến chi tổng cộng đến 320 tỉ USD cho các công nghệ AI và xây dựng trung tâm dữ liệu vào năm 2025 với hy vọng có thể vượt lên trong cuộc đua AI. Theo đài CNBC hôm 9-2, con số này cao hơn so với mức 230 tỉ USD năm 2024.
Kể từ khi công cụ ChatGPT ra mắt năm 2022, các công ty công nghệ đã đổ hàng chục tỉ USD trong cuộc đua mở rộng trung tâm dữ liệu với số lượng lớn bộ xử lý đồ họa (GPU) của hãng NVIDIA và phát triển các mô hình AI. Sự trỗi dậy gần đây của DeepSeek đã gây chấn động ngành công nghệ khi các ước tính cho thấy công cụ mã nguồn mở này có chi phí phát triển chỉ bằng một phần nhỏ so với một số đối thủ tại Mỹ.
Diễn biến này buộc các lãnh đạo công nghệ Mỹ đối mặt câu hỏi liệu có cần tiếp tục đầu tư "khủng" vào AI hay không. Câu trả lời, ít nhất đến thời điểm hiện tại, là họ chưa có ý định giảm tốc.
Trong số 4 công ty trên, Amazon đưa ra kế hoạch tham vọng nhất với mức đầu tư dự kiến hơn 100 tỉ USD, so với mức 83 tỉ USD năm 2024.Trong khi đó, Microsoft tuyên bố sẽ dành 80 tỉ USD để xây dựng các trung tâm dữ liệu phục vụ khối lượng công việc AI. Hãng Alphabet đặt mục tiêu chi 75 tỉ USD, phần lớn để đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật. Với Meta, ngân sách đầu tư vào AI của công ty dự kiến 60-65 tỉ USD.
Ông Mark Zuckerberg, Giám đốc điều hành Meta, gọi 2025 là năm "mang tính bước ngoặt" đối với AI và khoản đầu tư này sẽ giúp củng cố vị thế dẫn đầu công nghệ của Mỹ.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/can-nhac-loi-hai-cua-ai-196250209205858471.htm