Cân nhắc quy định về can thiệp sớm đối với tổ chức tín dụng
Thảo luận tại phiên họp của Quốc hội chiều ngày 15/1 về dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), một số đại biểu Quốc hội bày tỏ băn khoăn về quy định ngân hàng thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm cũng như quy định về can thiệp sớm đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Băn khoăn quy định ngân hàng làm đại lý bảo hiểm
Thảo luận tại phiên họp, Đại biểu Phạm Văn Thịnh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang đánh giá cao quá trình tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), đồng thời bày tỏ nhất trí cao với nhiều nội dung dự thảo Luật.
Tuy nhiên, đại biểu bày tỏ băn khoăn về quy định ngân hàng thương mại được thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm. Đại biểu Phạm Văn Thịnh cho rằng, nếu dự thảo Luật chỉ quy định ngân hàng thương mại được thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, phù hợp với phạm vi hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, thì sẽ không có gì đảm bảo cho được tình trạng chèn ép khách hàng vay vốn mua bảo hiểm hoặc lợi dụng sự thiếu hiểu biết của khách hàng có tiền gửi tiết kiệm để mua sản phẩm bảo hiểm nhân thọ như thời gian gian vừa qua.
Do đó, đại biểu Phạm Văn Thịnh đề nghị dự thảo Luật bổ sung 1 điều giao Chính phủ ban hành văn bản quy định việc kinh doanh các sản phẩm bảo hiểm mà ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng làm đại lý để đảm bảo công khai, minh bạch, bảo vệ quyền của khách hàng vay vốn cũng như gửi tiết kiệm tại ngân hàng.
Đồng tình với ý kiến trên, đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp nhấn mạnh, hệ lụy của việc các ngân hàng liên doanh, liên kết bán bảo hiểm thời gian qua đã rất rõ ràng. Do vậy, đại biểu ủng hộ quan điểm là không cho phép các ngân hàng liên doanh, liên kết bán bảo hiểm.
Ở góc nhìn khác, đại biểu Phạm Đức Ấn - Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội cho rằng, nội dung này các nước trên thế giới đều triển khai, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa vào quy định là thực hiện theo quy định của pháp luật bảo hiểm và phù hợp với quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước là hoàn toàn phù hợp. Đại biểu nêu quan điểm không nên cấm hoạt động đại lý bảo hiểm của ngân hàng mà cần có cơ chế giám sát việc này để đảm bảo quyền lợi của các bên liên quan.
Cân nhắc quy định về can thiệp sớm
Quan tâm về quy định can thiệp sớm của tổ chức tín dụng và các ngân hàng của nước ngoài, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, việc quy định giao cho Ngân hàng Nhà nước xem xét, quyết định thực hiện can thiệp sớm khi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thuộc một hoặc các trường hợp quy định là phù hợp.
Đại biểu chia sẻ, đã có những trường hợp hoạt động không tốt hoặc hoạt động rất rủi ro, không có khả năng chi trả đối với khách hàng, ví dụ như số lũy kế của tổ chức tín dụng chi nhánh ngân hàng nước ngoài lớn hơn 15% giá trị của vốn điều lệ và vốn được cấp quỹ dự phòng, dự trữ ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất hoặc theo kết luận của thanh tra, kiểm toán... Do đó, đại biểu cho rằng, những nội dung này cần phải có sự can thiệp sớm của ngành Ngân hàng.
Cũng thảo luận về nội dung này, đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông cho biết, so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023), Điều 161 của dự thảo Luật bổ sung quy định về việc “Ngân hàng Nhà nước có văn bản chấm dứt áp dụng can thiệp sớm khi tổ chức tín dụng thuộc một trong các trường hợp sau đây…”. Quy định như trên là tương tự như quy định tại khoản 6 Điều 130a của Luật hiện hành.
Tuy nhiên, theo đại biểu, dự thảo Luật mới chỉ đặt ra quy định về việc Ngân hàng Nhà nước có văn bản chấm dứt áp dụng can thiệp sớm mà chưa quy định về việc Ngân hàng Nhà nước có văn bản đặt các tổ chức tín dụng vào tình trạng can thiệp sớm. Trong khi đó, nội dung này tại Luật hiện hành có quy định tại khoản 3 Điều 130a, cụ thể: “Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản áp dụng can thiệp sớm của Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải…”. Do đó, đại biểu đề nghị rà soát nội dung này để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi trong quá trình triển khai thực hiện.
Về vấn đề này, đại biểu Lã Thanh Tân - Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hải Phòng lại cho rằng, quy định Ngân hàng Nhà nước phải có văn bản quyết định chấm dứt can thiệp sớm đã làm thay đổi bản chất của can thiệp sớm.
Theo đại biểu, thay đổi này đã chuyển can thiệp sớm từ cơ chế can thiệp từ sớm, từ xa của cơ quan quản lý sang trạng thái xử lý cụ thể. Với cơ chế can thiệp từ sớm, khi phát hiện tổ chức tín dụng thuộc trường hợp can thiệp sớm, Ngân hàng Nhà nước có văn bản gửi tổ chức tín dụng thực hiện các yêu cầu, hạn chế để khắc phục các vấn đề trong hoạt động, để tổ chức tín dụng đó quay trở lại hoạt động bình thường. Đây không phải là văn bản quyết định đặt tổ chức tín dụng vào can thiệp sớm. Trong văn bản của Ngân hàng Nhà nước nêu rõ các yêu cầu hạn chế, cùng thời hạn thực hiện các yêu cầu, hạn chế đó. Các yêu cầu, hạn chế của Ngân hàng Nhà nước sẽ chấm dứt khi hết thời gian thực hiện, khi các tổ chức tín dụng đã khắc phục được các vấn đề của mình.
Với cách tiếp cận này, Ngân hàng Nhà nước sẽ áp dụng yêu cầu, hạn chế hoặc không còn áp dụng yêu cầu, hạn chế với tổ chức tín dụng được can thiệp sớm mà không có văn bản quyết định can thiệp sớm, nên cũng không cần có văn bản quyết định chấm dứt can thiệp sớm. Đại biểu cho rằng, việc quy định như dự thảo luật có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường, tạo nguy cơ rủi ro rút tiền hàng loạt. Vì vậy, đại biểu đề nghị cân nhắc kỹ lưỡng quy định này.
Cùng quan điểm trên, đại biểu Phạm Đức Ấn cho rằng, không nên nặng nề câu chuyện phải ra quyết định rồi rút quyết định đó. Theo đại biểu, nếu trong trường hợp can thiệp sớm mà doanh nghiệp, tổ chức tín dụng vẫn hoạt động rủi ro hơn thì sẽ chuyển sang hình thức quan trọng là kiểm soát đặc biệt, lúc đó sẽ là một quyết định chính thức.
Giải trình thêm các ý kiến đại biểu nêu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, về can thiệp sớm, dự thảo Luật đã chỉnh lý, tiếp thu so với Kỳ họp thứ 6. Theo đó, đã bổ sung cơ chế xem xét, quyết định; một số trường hợp giao quyền chủ động cho Ngân hàng Nhà nước. Về vấn đề có cần văn bản của Ngân hàng Nhà nước như đại biểu băn khoăn, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, tiếp thu ý kiến của đại biểu, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra chỉnh sửa để đảm bảo hài hòa các mối quan hệ giữa các chủ thể…