Cân nhắc việc áp thuế giá trị gia tăng 5% với phân bón
Về đề nghị không chuyển phân bón và các máy móc thiết bị nông nghiệp từ diện không chịu thuế sang diện áp dụng thuế suất 5%, trong Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách có 2 luồng quan điểm.
Người nông dân sẽ chịu tác động lớn
Tiếp tục Chương trình Phiên họp chuyên đề pháp luật, ngày 14/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về một số vấn đề lớn trong giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) (sửa đổi).
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo cho biết, trên cơ sở tổng hợp ý kiến thảo luận của các đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách đã phối hợp với cơ quan soạn thảo là Bộ Tài chính để tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật.
Nhiều nội dung đã được Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách và cơ quan soạn thảo thống nhất giải trình, tiếp thu và thể hiện cụ thể trong báo cáo đầy đủ; đồng thời, báo cáo một số nội dung các cơ quan còn có ý kiến khác nhau.
Về đối tượng không chịu thuế, có ý kiến đề nghị bỏ quy định đối với trường hợp không phải nộp thuế GTGT đầu ra nhưng được khấu trừ thuế GTGT đầu vào. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị bỏ quy định này.
Cơ quan soạn thảo đề nghị giữ như quy định hiện hành vì cho rằng, quy định này đã phát huy tác dụng trong khắc phục tình trạng gian lận hoàn thuế giai đoạn vừa qua và hiện tại với hệ thống hóa đơn điện tử, cơ quan thuế vẫn khó có thể xác minh việc nộp thuế GTGT qua các khâu thương mại.
Về thuế suất 0%, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách tiếp thu ý kiến đại biểu, luật hóa một số trường hợp đang được quy định tại các Nghị định và đã được áp dụng ổn định, không có vướng mắc và bổ sung quy định là hàng hóa phải được xuất khẩu để bảo đảm sự chặt chẽ trong thực hiện.
Đồng thời loại bỏ trường hợp hàng hóa mua bán giữa doanh nghiệp Việt Nam với tổ chức, cá nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam và được thương nhân nước ngoài chỉ định giao, nhận hàng hóa với doanh nghiệp khác tại Việt Nam, không cho áp dụng thuế suất 0%.
Về ý kiến đề nghị không chuyển phân bón và các máy móc thiết bị nông nghiệp từ diện không chịu thuế sang diện áp dụng thuế suất 5%, trong Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách có 2 luồng quan điểm.
Quan điểm thứ nhất đề nghị giữ như quy định hiện hành vì thuế GTGT là thuế gián thu, người chịu thuế GTGT là người tiêu dùng cuối cùng. Việc chuyển phân bón sang chịu thuế suất 5% thì người nông dân sẽ chịu tác động lớn do giá phân bón sẽ tăng khi có thuế GTGT, dẫn đến tăng giá thành sản phẩm nông nghiệp, trái tinh thần khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn theo Nghị quyết số 19-NQ/TW.
Quan điểm thứ hai thống nhất với nội dung dự thảo Luật và Cơ quan soạn thảo, vì Luật số 71/2014/QH13 đưa phân bón đang từ diện chịu thuế 5% sang diện không chịu thuế GTGT đã tạo ra sự bất cập lớn về chính sách, ảnh hưởng bất lợi cho ngành sản xuất phân bón trong nước trong suốt 10 năm qua.
Các doanh nghiệp đã không được hoàn thuế GTGT đầu vào (bao gồm cả chi phí đầu tư mua sắm tài sản), phải hạch toán vào chi phí, làm tăng chi phí và giá thành sản xuất, giá bán không thể cạnh tranh với phân bón nhập khẩu đang từ chịu thuế chuyển sang được miễn thuế.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách nghiêng về quan điểm thứ nhất. Cơ quan soạn thảo đề nghị giữ như dự thảo Luật đã trình tại Kỳ họp thứ 7. Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách sẽ chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật.
Tiếp tục cân nhắc thấu đáo
Về khấu trừ thuế GTGT đầu vào, có ý kiến đề nghị không cho phép bổ sung hồ sơ thuế đối với doanh nghiệp kê khai sai, sót khi đã có quyết định thanh tra, kiểm tra thuế.
Theo Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách, việc khai sai, sót thuế GTGT đầu vào có thể do bỏ sót hóa đơn hoặc khi làm tờ khai thuế GTGT người nộp thuế đã khai sai thừa hoặc thiếu thuế GTGT đầu vào.
Do đó, để bao quát các trường hợp, dự thảo Luật đã được chỉnh lý để không quy định đối với hóa đơn, chứng từ sai, sót mà quy định chung cho trường hợp số thuế GTGT đầu vào khi kê khai bị sai, sót.
Đồng thời, hoàn thiện dự thảo Luật để quy định rõ trường hợp nào phải thực hiện kê khai vào kỳ tính thuế phát sinh thuế GTGT đầu vào bị sai, sót và trường hợp nào thì phải thực hiện kê khai vào kỳ tính thuế phát hiện hiện sai, sót để giải quyết các vướng mắc trong thực tế...
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, đối với quy định các trường hợp không nộp thuế GTGT đầu ra nhưng được khấu trừ thuế GTGT đầu vào, cần đảm bảo nguyên tắc chỉ được khấu trừ thuế GTGT đầu vào trong trường hợp đầu ra là sản phẩm chịu thuế GTGT.
Đối với quy định về mức doanh thu chịu thuế GTGT, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tán thành quy định ngưỡng doanh thu trong dự thảo Luật và giao thẩm quyền Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh phù hợp với từng thời kỳ.
Về trường hợp chịu thuế suất 0%, 5%, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị các cơ quan tiếp tục cân nhắc thấu đáo, đánh giá tác động, phân tích ưu điểm, nhược điểm của từng phương án, từ đó lựa chọn phương án tối ưu, vừa đảm bảo lợi ích cho người sản xuất kinh doanh, đồng thời đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước...
Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với nhiều nội dung trong dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.
Đồng thời, đề nghị Ủy ban Tài chính, Ngân sách phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì soạn thảo, các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát, thống nhất các nội dung trong dự thảo Luật, đảm bảo ý kiến của đại biểu Quốc hội, ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội và ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp được tiếp tục tiếp thu, giải trình đầy đủ, thuyết phục; rà soát để đảm chất lượng dự án Luật khi trình Quốc hội...