Cân nhắc việc giải thể phòng y tế cấp huyện

UBND tỉnh Đắk Lắk cân nhắc việc thông qua Đề án giải thể phòng y tế cấp huyện, đặc biệt tại các địa bàn có số lượng lớn cơ sở hành nghề y, dược tư nhân; đồng thời, xem xét điều chỉnh tăng biên chế cho bộ phận quản lý hành nghề y, dược tư nhân, thanh tra Sở Y tế và các cấp huyện tại các địa bàn này. UBND các huyện, thị, thành phố quan tâm củng cố công tác tổ chức phòng y tế, bố trí đủ nhân sự và bảo đảm yêu cầu về chuyên môn cho các bộ phận phụ trách công tác quản lý nhà nước về y tế trên địa bàn…

Đó là kiến nghị đáng chú ý của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Đắk Lắk qua giám sát công tác quản lý nhà nước về hành nghề y dược tư nhân trên địa bàn, giai đoạn 2019 - 2021.

Tăng cường thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm

Những năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về xã hội hóa công tác y tế và chăm sóc sức khỏe Nhân dân, mạng lưới các cơ sở hành nghề y, dược tư nhân trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk ngày một phát triển cả về số lượng và chất lượng, hầu hết đều bảo đảm điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị theo quy định của Bộ Y tế.

Theo ghi nhận của Đoàn giám sát, công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm được quan tâm thực hiện. Giai đoạn 2019 - 2021, Thanh tra Sở Y tế đã kiểm tra 262 cơ sở, có 102 cơ sở vi phạm, xử lý theo hình thức nhắc nhở đối với 17 cơ sở, xử phạt vi phạm hành chính 75 cơ sở với tổng số tiền phạt là 1.360.787.500 đồng. Đình chỉ, thu hồi chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh đối với 23 trường hợp; đình chỉ, thu hồi giấy phép hoạt động khám, chữa bệnh đối với 69 cơ sở.

Bên cạnh đó, công tác giám sát sau cấp giấy phép hoạt động cũng được chú trọng, giai đoạn 2019 - 2021, đã giám sát, kiểm tra 101 cơ sở. Ngoài ra, trên cơ sở thẩm quyền, Phòng Y tế thuộc UBND các huyện, thị, thành phố hàng năm đã ban hành kế hoạch thanh, kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử phạt các cơ sở có hành vi vi phạm.

Cần tăng cường công tác quản lý nhà nước về hành nghề y dược tư nhân
Ảnh: M. Anh

Chưa đủ sát sao, quyết liệt

Qua giám sát, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Đắk Lắk kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 176/2013/NĐ-CP ngày 14.11.2013 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế, theo đó nên tăng mức xử phạt để đủ sức răn đe các hành vi vi phạm; bổ sung hình thức đình chỉ vĩnh viễn chứng chỉ hành nghề; bổ sung quy định về xử lý, xử phạt đối với cơ sở hành nghề không kết nối dữ liệu kinh doanh thuốc. Kiến nghị, đề xuất Chính phủ chỉ đạo triển khai nhất quán công tác tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về hành nghề y, dược tư nhân các cấp, đặc biệt là các cấp huyện, xã nhằm bảo đảm điều kiện về nhân lực, trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu quản lý.

Tuy nhiên, Đoàn giám sát cũng chỉ ra: tình trạng bán thuốc phải kê đơn nhưng không có đơn thuốc của bác sĩ còn phổ biến; một số cơ sở hoạt động hành nghề khi chưa được cấp Giấy phép hoạt động, hoạt động vượt phạm vi chuyên môn được phê duyệt. Công tác quản lý lĩnh vực hành nghề y, dược tư nhân chưa đủ sát sao, quyết liệt, còn mang tính nể nang, chủ yếu là nhắc nhở; chưa kiểm soát chặt việc quảng cáo khám, chữa bệnh; công tác thanh tra, kiểm tra hành nghề y, dược tư nhân tuy có thực hiện nhưng chưa thường xuyên, chặt chẽ; giám sát hậu thanh, kiểm tra còn hạn chế, tỷ lệ xử phạt vi phạm hành chính thấp, nhất là đối với cấp huyện, xã.

Công tác tổ chức bộ máy quản lý nhà nước tại cấp huyện hiện còn bất cập, thiếu về số lượng công chức phụ trách lĩnh vực y tế và đồng thời chưa đáp ứng yêu cầu chuyên môn. Một số huyện đã giải thể Phòng Y tế và chuyển nhiệm vụ theo dõi, quản lý về Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện đang gặp rất nhiều khó khăn về nhân lực, công tác quản lý nhà nước vì vậy chưa được thường xuyên, chặt chẽ…

Trong các nguyên nhân chủ quan được chỉ ra, đáng chú ý: đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác quản lý nhà nước về hành nghề y, dược tư nhân còn thiếu, chủ yếu là kiêm nhiệm nên kết quả tuyên truyền, giám sát, kiểm tra chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ thường xuyên. Mặt khác, mức xử phạt vi phạm hành chính đối với các cơ sở y, dược tư nhân, đặc biệt là cơ sở không có giấy phép hoạt động, không có chứng chỉ hành nghề vượt thẩm quyền xử phạt hành chính của cấp huyện, khiến việc xử lý vi phạm gặp khó khăn, bất cập.

Công khai các cơ sở y, dược tư nhân vi phạm

Trên cơ sở những kết quả đạt được và nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế, Đoàn giám sát kiến nghị UBND tỉnh Đắk Lắk cân nhắc việc thông qua Đề án giải thể phòng y tế cấp huyện, đặc biệt tại các địa bàn có có số lượng lớn cơ sở hành nghề y, dược tư nhân. Đồng thời, xem xét điều chỉnh tăng biên chế cho bộ phận quản lý hành nghề y, dược tư nhân, thanh tra Sở Y tế và các cấp huyện tại các địa bàn này.

Cùng với đó, tăng cường chỉ đạo UBND các huyện, thị, thành phố trong quản lý hành nghề y, dược tư nhân, nhất là công tác tuyên truyền, phổ biến. Chỉ đạo Sở Y tế phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện hiệu quả công tác thanh, kiểm tra và hậu giám sát thanh, kiểm tra; có biện pháp xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm và kiểm điểm các tổ chức, cá nhân để xảy ra tình trạng tái vi phạm, cơ sở không giấy phép hoạt động.

Kiến nghị Sở Y tế công khai các cơ sở y, dược tư nhân vi phạm pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng để Nhân dân biết, lựa chọn dịch vụ và cùng theo dõi, giám sát; tăng cường tuyên truyền, cung cấp thông tin để Nhân dân cảnh giác, không lựa chọn dịch vụ khám, chữa bệnh chưa bảo đảm điều kiện chuyên môn. Cùng với đó, UBND các huyện, thị, thành phố quan tâm củng cố công tác tổ chức phòng y tế, bố trí đủ nhân sự và bảo đảm yêu cầu về chuyên môn cho các bộ phận phụ trách công tác quản lý nhà nước về y tế trên địa bàn; duy trì giao ban định kỳ công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế với các xã, phường, ban, ngành liên quan…

BẢO QUYÊN

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-ky-hop/can-nhac-viec-giai-the-phong-y-te-cap-huyen-i315595/