Cân nhắc việc nâng mức xử phạt vi phạm không lập biên bản
Sửa Luật Xử lý vi phạm hành chính lần này, cơ quan soạn thảo đề xuất nâng mức phạt tiền tối đa không cần lập biên bản lên gấp 10 lần so với hiện hành. Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lo ngại điều này có thể phát sinh nguy cơ xâm phạm quyền lợi của người vi phạm và ảnh hưởng đến tính minh bạch trong xử lý vi phạm hành chính.
Đề xuất tăng 10 lần mức tiền phạt không cần lập biên bản
Bộ Tư pháp mới đây đã công bố tài liệu thẩm định Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Một trong những điểm đáng chú ý là đề xuất nâng mức tiền phạt được áp dụng hình thức xử phạt không cần lập biên bản.
Theo quy định hiện hành tại Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2022, hình thức xử phạt không lập biên bản được áp dụng trong trường hợp phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân và 500.000 đồng đối với tổ chức. Người có thẩm quyền xử phạt sẽ ra quyết định xử phạt tại chỗ. Riêng các vi phạm được phát hiện thông qua thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ thì bắt buộc phải lập biên bản.
Tại dự thảo Luật sửa đổi, cơ quan soạn thảo đề xuất nâng mức phạt tiền tối đa không cần lập biên bản lên 2,5 triệu đồng đối với cá nhân và 5 triệu đồng đối với tổ chức. Đối với các trường hợp phát hiện vi phạm bằng phương tiện kỹ thuật, dự thảo vẫn giữ nguyên quy định bắt buộc lập biên bản. Như vậy, mức phạt không lập biên bản được đề xuất tăng gấp 10 lần so với hiện hành.

Xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản hiện được áp dụng trong trường hợp xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng với cá nhân và 500.000 đồng với tổ chức.
Giải trình về đề xuất này, Bộ Tư pháp cho rằng hiện nay mức phạt tiền trong nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước đang có xu hướng tăng. Chính dự thảo cũng đề xuất nâng mức phạt tối đa ở một số lĩnh vực. Do đó, việc điều chỉnh mức phạt không lập biên bản sẽ góp phần đơn giản hóa thủ tục xử phạt, giảm số trường hợp phải lập biên bản, từ đó tiết kiệm thời gian và nguồn lực.
Tuy nhiên, VCCI đề nghị cân nhắc kỹ đề xuất này. Theo VCCI, biên bản xử phạt là tài liệu chính thức ghi nhận chi tiết hành vi vi phạm và các tình tiết liên quan, là cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền lợi của các bên. Việc không lập biên bản có thể làm giảm tính minh bạch, khó đảm bảo quyền khiếu nại nếu người vi phạm cho rằng quyết định xử phạt không khách quan. VCCI cho rằng chỉ nên áp dụng xử phạt không lập biên bản với các hành vi có mức phạt thấp, ít nghiêm trọng - như quy định hiện nay. Việc tăng mức xử phạt gấp 10 lần có thể dẫn đến nguy cơ xâm phạm quyền lợi chính đáng của người vi phạm và làm suy giảm niềm tin vào pháp luật. VCCI đề xuất giữ nguyên quy định hiện hành hoặc chỉ nâng nhẹ trong phạm vi mức phạt thấp nhất.
Cân nhắc quy định bán tang vật, phương tiện vi phạm
Bên cạnh đó, dự thảo Luật sửa đổi quy định về xử lý tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ. Cụ thể, tại khoản 29, Điều 1 dự thảo sửa đổi Điều 126 quy định theo hướng: trong thời gian xác minh người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc sử dụng hợp pháp của tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, người có thẩm quyền quyết định việc xử lý tổ chức bán ngay theo giá trị thị trường trong trường hợp “không có địa điểm và không đủ điều kiện về cơ sở vật chất để bảo quản”.
Theo cơ quan soạn thảo, quy định này góp phần rút ngắn thời gian, quy trình xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, khắc phục những bất cập kéo dài xuất phát từ tình trạng “tồn đọng”, “quá tải” trong bảo quản, quản lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ thời gian qua; đồng thời, giúp tránh thất thoát, lãng phí, tạo điều kiện để “khơi thông nguồn lực” cho công tác quản lý nhà nước và phát triển đất nước.
Phân tích đề xuất này, VCCI lo ngại việc bán tài sản quá nhanh có thể ảnh hưởng đến quyền sở hữu hợp pháp. Chủ sở hữu có thể không có đủ thời gian để khiếu nại hoặc yêu cầu hoàn trả, dễ dẫn đến tranh chấp hoặc mất tài sản mà chưa được xử lý thỏa đáng. Ngoài ra, nếu phương tiện bị tịch thu là công cụ lao động, sinh kế của người vi phạm, việc bán tài sản có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, công việc của họ. Giá bán thị trường chưa chắc phản ánh đúng giá trị thực tế của tài sản, gây thiệt hại kinh tế không nhỏ cho chủ sở hữu.
Theo VCCI, về nguyên tắc, Nhà nước phải chuẩn bị cơ sở vật chất để bảo quản các tang vật, phương tiện vi phạm trong thời hạn quy định. Nếu thực tế, các cơ sở vật chất này không đáp ứng yêu cầu, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo thay vì cho phép bán tài sản do thiếu điều kiện bảo quản, cần hạn chế tối đa biện pháp tạm giữ để bảo đảm quyền lợi của người dân, doanh nghiệp trong quá trình xử lý vi phạm hành chính.