Cần nhân lực đạt chất lượng quốc tế để khai thác dữ liệu phục vụ phát triển bền vững

Hiện có khoảng 500 tỷ USD đang nằm trong các giá trị dữ liệu mà chúng ta có thể khai thác. Để khai thác và phân tích được dữ liệu đó, vai trò của kế toán viên là vô cùng quan trọng.

Tại Diễn đàn ACCA Châu Á - Thái Bình Dương do Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh Quốc (ACCA) tổ chức trong 2 ngày 28-29/5, các nhà lãnh đạo và chuyên gia trong ngành đã cung cấp thêm các thông tin về bối cảnh kỹ thuật số và tăng trưởng bền vững, phục vụ cho mục tiêu định hình tương lai của ngành tài chính và doanh nghiệp tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Chia sẻ tại buổi họp báo cung cấp thông tin Diễn đàn ACCA châu Á - Thái Bình Dương 2024, ông Pulkit Abrol, Giám đốc ACCA khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho biết, sự phát triển của công nghệ đi kèm nhiều thách thức, trong số đó thách thức lớn nhất là dữ liệu và quản trị dữ liệu.

Ông Pulkit Abrol, Giám đốc ACCA khu vực châu Á - Thái Bình Dương (Ảnh: Chí Cường)

Ông Pulkit Abrol, Giám đốc ACCA khu vực châu Á - Thái Bình Dương (Ảnh: Chí Cường)

“Những gã khổng lồ ngành công nghệ như Google, Amazon, Microsoft… đều nói về tầm quan trọng của dữ liệu và cơ hội tuyệt vời mà các dữ liệu mang lại. Hiện có khoảng 500 tỷ USD đang nằm trong các giá trị dữ liệu mà chúng ta có thể khai thác. Để khai thác và phân tích được dữ liệu đó, vai trò của kế toán viên là vô cùng quan trọng.

Cụ thể hơn, kế toán có vai trò mấu chốt trong việc thu thập và báo cáo các dữ liệu, giải mã các tài liệu, báo cáo liên quan tới phát triển và bền vững. Báo cáo bền vững nghe có vẻ đơn giản nhưng thực chất rất phức tạp bởi liên quan đến mọi hoạt động và các tác động mang lại cho môi trường, xã hội, kinh tế. Chúng ta đều cần những dữ liệu này để đánh giá hiệu quả và những ảnh hưởng của hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Do đó, các tổ chức công và tư phải có trách nhiệm cải thiện và nâng tầm kỹ năng cho đội ngũ kế toán viên, đào tạo họ để bắt nhịp được với các công nghệ mới và có thể khai thác, hạch toán dữ liệu tốt hơn”, ông Pulkit Abrol cho biết.

Hiện tại, ACCA đang hỗ trợ Bộ Tài chính và các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị liên quan tại Việt Nam để có thể đón đầu những thay đổi của bối cảnh mới.

Các diễn giả tham gia buổi họp báo (Ảnh: Chí Cường)

Các diễn giả tham gia buổi họp báo (Ảnh: Chí Cường)

Cùng quan điểm, ông Tô Quốc Hưng, Giám đốc ACCA tại Việt Nam cho biết, Việt Nam hiện đang có 19 hiệp định thương mại song phương và đa phương, thuộc Top 20 quốc gia thu hút nguồn vốn nước ngoài lớn nhất trên thế giới.

“Chúng tôi đồng ý với việc tăng trưởng phải bền vững, các chuẩn mực quốc tế cần phải được tuân thủ. Do đó cần có nguồn nhân lực đạt chất lượng quốc tế để cụ thể hóa được lợi ích của các thương mại song phương và đa phương", ông Hưng nhấn mạnh.

Câu chuyện tài chính xanh tại Việt Nam đang được nhắc đến rất nhiều. Hiện trên thế giới có hơn 400 chuẩn liên quan phát triển bền vững. Ở Việt Nam, các cơ quan, tổ chức tài chính có cách nhìn riêng về báo cáo về phát triển bền vững và chưa thống nhất 1 tiêu chuẩn.

Trong bối cảnh đó, ACCA Việt Nam đã tham gia đóng góp vào phục tiêu tăng trưởng bền vững bằng cách tổ chức nhóm làm việc, hội thảo để các cơ quan đầu ngành, doanh nghiệp, tổ chức tài chính ngồi lại với nhau chia sẻ tầm nhìn, mong muốn, đi đến giải pháp hài hòa mục đích các bên.

“Với các doanh nghiệp niêm yết trên sàn, đây là năm thứ 12 chúng tôi chấm giải về báo cáo phát triển bền vững với tiêu chí chấm quốc tế, có sự điều chỉnh cho phù hợp hơn với thị trường/doanh nghiệp Việt Nam. Đây là động lực cho các doanh nghiệp hướng đến tài chính xanh, phát triển bền vững tốt hơn, là một trong những chủ đề chính mà chúng tôi đã triển khai trong thời gian qua. Thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai nhiều chương trình, bao gồm đồng hành cùng các ngân hàng trong phát triển tài chính xanh, những yêu cầu của ngân hàng khi huy động nguồn vốn tài chính xanh…”, ông Hưng chia sẻ.

Bà Helen Brand, Giám đốc điều hành ACCA cho biết, có nhiều thắc mắc về việc tại sao tài chính xanh của Việt Nam còn khiêm tốn. Thực tế, đây không chỉ là vấn đề của riêng Việt Nam. Mỗi quốc gia đều muốn thúc đẩy dòng vốn xanh, vì vậy, ACCA đang cố gắng tạo ra cộng đồng, hệ sinh thái rất lớn bao gồm từ các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà quản lý chính sách, các nhà đào tạo về kế toán, kiểm toán, các doanh nghiệp và các nhân viên kế toán. Tất cả tạo thành cộng đồng giúp phát triển cho nền kinh tế Việt Nam phát triển nói riêng và các nước châu Á – Thái Bình Dương nói chung.

Tư Thuần

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/can-nhan-luc-dat-chat-luong-quoc-te-de-khai-thac-du-lieu-phuc-vu-phat-trien-ben-vung-post346175.html