Cần nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc

Hoạt động của các mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc vùng đồng bào dân tộc thiểu số khu vực Tây Nguyên đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, tạo điều kiện để người dân tham gia trực tiếp, hiệu quả hơn trong công tác bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở; tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Các đại biểu giao lưu với các điển hình tiên tiến trong Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc vùng đồng bào dân tộc thiểu số khu vực Tây Nguyên giai đoạn 2018-2024.

Các đại biểu giao lưu với các điển hình tiên tiến trong Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc vùng đồng bào dân tộc thiểu số khu vực Tây Nguyên giai đoạn 2018-2024.

Sáng 8/8, tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Bộ Công an tổ chức hội nghị biểu dương, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc vùng đồng bào dân tộc thiểu số khu vực Tây Nguyên giai đoạn 2018-2024.

Đến nay, khu vực Tây Nguyên có gần 6 triệu người, gồm 49 dân tộc sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số có gần 2,2 triệu người, chiếm hơn 37% dân số toàn vùng.

Các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Trung tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc Trung ương và Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung chủ trì hội nghị. Cùng dự hội nghị có Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc Trung ương, đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Công an, Công an các tỉnh Tây Nguyên cùng 86 mô hình, điển hình tiên tiến trong Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc vùng đồng bào dân tộc thiểu số khu vực Tây Nguyên giai đoạn 2018-2024.

Các đại biểu dự hội nghị.

Các đại biểu dự hội nghị.

Khu vực Tây Nguyên gồm 5 tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum và Lâm Đồng, có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại và môi trường sinh thái của đất nước. Đến nay, khu vực Tây Nguyên có gần 6 triệu người, gồm 49 dân tộc sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số có gần 2,2 triệu người, chiếm hơn 37% dân số toàn vùng.

Theo đánh giá của Bộ Công an, trong giai đoạn 2018-2024, Công an các tỉnh Tây Nguyên đều tham mưu Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh ban hành chương trình, kế hoạch công tác trọng tâm xây dựng Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc hằng năm của tỉnh; tham mưu cấp ủy, chính quyền, Ban Chỉ đạo các cấp ban hành và trực tiếp ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện xây dựng, nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Trung tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc Trung ương phát biểu tại hội nghị.

Trung tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc Trung ương phát biểu tại hội nghị.

Theo thống kê của Công an các địa phương, tính đến tháng 12/2023, các tỉnh Tây Nguyên đã xây dựng, duy trì hoạt động 478 mô hình, 50 điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Các mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tại các tỉnh Tây Nguyên khá đa dạng; được xây dựng tại các địa bàn ngoài xã hội, trong cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục và trên nhiều lĩnh vực có liên quan đến công tác bảo đảm an ninh, trật tự như dân tộc, tôn giáo, phòng, chống tội phạm, quản lý đối tượng, phòng cháy chữa cháy, bảo đảm trật tự an toàn giao thông…

Phạm vi hoạt động, mức độ ảnh hưởng, lan tỏa cũng rất đa dạng: Từ mô hình chỉ được xây dựng trong một địa bàn đến có sự liên kết, phối hợp của nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức; từ mô hình được xây dựng ở cấp cơ sở, trong khu dân cư đến mô hình được nhân rộng trên phạm vi cấp huyện, cấp tỉnh. Một số mô hình, điển hình được thông báo, nhân rộng trên phạm vi toàn quốc.

Các điển hình tiên tiến trong Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc vùng đồng bào dân tộc thiểu số khu vực Tây Nguyên giai đoạn 2018-2024 dự hội nghị.

Các điển hình tiên tiến trong Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc vùng đồng bào dân tộc thiểu số khu vực Tây Nguyên giai đoạn 2018-2024 dự hội nghị.

Bên cạnh những mô hình, điển hình tiên tiến do cấp ủy, chính quyền chỉ đạo xây dựng, còn xuất hiện nhiều mô hình do các đoàn thể, tổ chức chính trị-xã hội chủ trì, phối hợp lực lượng Công an xây dựng, vận động hội viên, đoàn viên và nhân dân tham gia. Điều kiện bảo đảm, kinh phí hoạt động của mô hình được hỗ trợ từ nhiều nguồn khác nhau.

Hoạt động của các mô hình, điển hình tiên tiến trong Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc vùng đồng bào dân tộc thiểu số khu vực Tây Nguyên đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, tạo điều kiện để người dân tham gia trực tiếp, hiệu quả hơn trong công tác bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở; tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Đồng thời, tham gia đấu tranh làm thất bại âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, phản động lợi dụng các vấn đề về dân tộc, tôn giáo, lịch sử vùng đất, dân chủ, nhân quyền để tuyên truyền xuyên tạc, kích động tư tưởng ly khai chống đối, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, nhất là trong nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giáo dục đối tượng Fulro tại cộng đồng; công tác tuyên truyền, vận động đối tượng Fulro “có đạo” quay về sinh hoạt tại các tổ chức tôn giáo được công nhận.

Các điển hình tiên tiến trao đổi kinh nghiệm trong Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc vùng đồng bào dân tộc thiểu số khu vực Tây Nguyên.

Các điển hình tiên tiến trao đổi kinh nghiệm trong Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc vùng đồng bào dân tộc thiểu số khu vực Tây Nguyên.

Trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, giai đoạn 2018-2024 thông qua Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và hoạt động của các mô hình, quần chúng khu vực Tây Nguyên đã cung cấp cho lực lượng Công an hơn 44.800 nguồn tin có liên quan đến an ninh trật tự với nhiều tin có giá trị, giúp lực lượng chức năng phát hiện, điều tra, giải quyết 12.652 vụ việc, bắt giữ, xử lý, răn đe hơn 9.000 đối tượng; triệt phá nhiều băng, ổ, nhóm tội phạm, tệ nạn xã hội trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên.

Bên cạnh đó, quần chúng nhân dân đã hỗ trợ lực lượng Công an và tham gia vận động đầu thú và truy bắt 1.881 đối tượng truy nã, trốn thi hành án, tội phạm lẩn trốn; tham gia quản lý, cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ gần 29.900 đối tượng tù tha về, phạt tù cho hưởng án treo, người lầm lỗi, chậm tiến tại cộng đồng dân cư; tham gia hòa giải 2.250 vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp trong nhân dân; vận động giao nộp 8.172 đơn vị vũ khí và 18.938 đơn vị vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ các loại…

Bộ Công an khẳng định: Công tác xây dựng, nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến góp phần củng cố lòng tin, xây dựng mối quan hệ gần gũi, gắn bó giữa nhân dân với cấp ủy, chính quyền, lực lượng Công an; tăng cường các mối quan hệ phối hợp giữa lực lượng Công an với Mặt trận Tổ quốc, các ban, ngành, đoàn thể các cấp; nâng cao hiệu quả thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể. Đồng thời, phát huy năng lực sáng tạo, khơi dậy sức mạnh và tiềm năng to lớn, tạo khí thế sôi nổi của các tầng lớp nhân dân trong tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở. Tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội và các vi phạm pháp luật khác ở các địa bàn có mô hình, điển hình tiên tiến được xây dựng có nhiều chuyển biến tích cực…

Tại hội nghị, các đại biểu được giao lưu với các điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc các tỉnh Tây Nguyên. Qua câu chuyện, mỗi điển hình tiên tiến có một hoàn cảnh, điều kiện khác nhau nhưng tất cả đều chung nhận thức, mong muốn, nhiệt huyết và luôn cống hiến hết sức mình cùng với lực lượng Công an bảo vệ, giữ gìn cuộc sống bình yên cho nhân dân, buôn làng mình.

Phát biểu tại hội nghị, Trung tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc Trung ương ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương những thành tích, kết quả của các đơn vị, địa phương, các tập thể, cá nhân đã đạt được trong công tác xây dựng, nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến trong Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc vùng đồng bào dân tộc thiểu số khu vực Tây Nguyên giai đoạn 2018-2024.

Công tác xây dựng, nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến đã góp phần tạo sự đồng thuận xã hội, xây dựng môi trường an ninh, an toàn; gắn kết và thiết thực phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của các địa phương khu vực Tây Nguyên với 35.361 lượt khu dân cư, 3.038 lượt xã, 407 lượt phường, 270 lượt thị trấn, 11.598 lượt cơ quan, 5.091 lượt doanh nghiệp, 10.648 lượt cơ sở giáo dục được công nhận đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh, trật tự”…

Một nữ đại biểu người dân tộc Ê Đê điển hình tiên tiến trong Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc vùng đồng bào dân tộc thiểu số khu vực Tây Nguyên giai đoạn 2018-2024 được nhận Bằng khen của Bộ Công an.

Một nữ đại biểu người dân tộc Ê Đê điển hình tiên tiến trong Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc vùng đồng bào dân tộc thiểu số khu vực Tây Nguyên giai đoạn 2018-2024 được nhận Bằng khen của Bộ Công an.

Tuy nhiên, Trung tướng Lê Quốc Hùng cho rằng, khu vực Tây Nguyên có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại và môi trường sinh thái của đất nước. Mặc dù đã được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chăm lo đầu tư xây dựng phát triển kinh tế, xã hội nhưng so với mặt bằng chung của cả nước thì đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, đây cũng là địa bàn trọng điểm mà các thế lực thù địch, phản động tập trung chống phá quyết liệt, lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo, lịch sử vùng đất để tuyên truyền xuyên tạc, kích động tư tưởng ly khai, chống đối, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc.

Tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội, các yếu tố về an ninh phi truyền thống diễn biến phức tạp và tiềm ẩn những yếu tố tác động, ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn…

Các tập thể mô hình điển hình, tiên tiến trong Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc vùng đồng bào dân tộc thiểu số khu vực Tây Nguyên giai đoạn 2018-2024 được nhận Bằng khen của Bộ Công an.

Các tập thể mô hình điển hình, tiên tiến trong Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc vùng đồng bào dân tộc thiểu số khu vực Tây Nguyên giai đoạn 2018-2024 được nhận Bằng khen của Bộ Công an.

Trung tướng Lê Quốc Hùng mong muốn sau hội nghị này, các đại biểu đại diện cho các mô hình, điển hình tiên tiến trong Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc vùng đồng bào dân tộc thiểu số khu vực Tây Nguyên sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, nâng cao vai trò, vị trí, hiệu quả hoạt động của mình, đóng góp nhiều hơn nữa công sức, trí tuệ, kinh nghiệm cho Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh tại các địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên, góp phần xây dựng Tây Nguyên phát triển nhanh, bền vững, giàu đẹp.

Nhận dịp này, Bộ Công an tặng Bằng khen cho 86 tập thể, cá nhân là các mô hình, điển hình tiên tiến tiêu biểu, xuất sắc trong Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở các tỉnh Tây Nguyên giai đoạn 2018-2024.

BÀI VÀ ẢNH: CÔNG LÝ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/can-nhan-rong-cac-mo-hinh-dien-hinh-tien-tien-trong-phong-trao-toan-dan-bao-ve-an-ninh-to-quoc-post823312.html