Từ vụ bạo hành trẻ ở Mái ấm Hoa Hồng: Để từ thiện không phải là một 'nghề' bất chính

Vụ việc ở Mái ấm Hoa Hồng không chỉ là vấn đề bạo hành trẻ em, lợi dụng lòng thương mà còn gióng lên hồi chuông cảnh báo về 'nghề' từ thiện.

“Nghề” từ thiện - khi lòng tốt bị lợi dụng

Trước khi Nghị định 93/2019/NĐ-CP về Tổ chức hoạt động của Quỹ xã hội, Quỹ từ thiện ra đời, hoạt động từ thiện ở nước ta gần như bị thả nổi vì không có khung quản lý rõ ràng. Tuy nhiên, sự ra đời của Nghị định 93 đã tạo tiền đề cho hoạt động từ thiện minh bạch được phát huy.

Theo đó, Nghị định 93 quy định, mỗi cá nhân, tổ chức khi kêu gọi đóng góp chỉ được dùng duy nhất một số tài khoản cho một hoạt động từ thiện và phải đảm bảo minh bạch thu chi. Sau khi kết thúc đợt quyên góp, phải gửi báo cáo thu chi đến UBND phường (đối với cá nhân) và cơ quan chủ quản (đối với các cơ sở bảo trợ xã hội được cấp phép).

Mái ấm Hoa Hồng - nơi xảy ra việc bạo hành, ngược đãi trẻ em. Ảnh: CTV

Mái ấm Hoa Hồng - nơi xảy ra việc bạo hành, ngược đãi trẻ em. Ảnh: CTV

Dù vậy, rất nhiều hội nhóm, cá nhân làm từ thiện không tuân thủ nguyên tắc hoạt động đã đề ra. Lý do là gì nếu không phải là trục lợi, hay mưu cầu cho cá nhân?

Câu chuyện Mái ấm Hoa Hồng chỉ là một trong nhiều câu chuyện trục lợi từ thiện. Một thị trường "ngách" được tạo ra dựa trên lòng trắc ẩn của người cho (nhà hảo tâm) và bi kịch thân phận (người khó khăn, yếu thế), biến bi kịch của những thân phận thành cơ hội kiếm chác của các cá nhân, tổ chức có lòng tham.

Cuối cùng, lợi ích gần như không đến được đối tượng thụ hưởng mà vào túi của một số kẻ cơ hội, thậm chí đôi khi còn tạo thêm bi kịch cho những phận người vốn đã bi thương.

Khi sự việc đau lòng ở Mái ấm Hoa Hồng (đường Tô Ký, phường Trung Mỹ Tây, quận 12, TP. Hồ Chí Minh) bị phanh phui, nhiều người đặt câu hỏi: Ai đã từng đọc bảng thu chi công khai của một số hội nhóm thiện nguyện tương tự như thế này? Điển hình là trước khi sự vụ ở Mái ấm Hoa Hồng bị phanh phui, có dân thường nào cập nhật được báo cáo thu chi của mái ấm này không?

Như vậy, công cụ quản lý lòng tham trước hết phải là tuân thủ quy định về minh bạch thu chi của quỹ từ thiện, từ cá nhân đến tổ chức. Bằng cách để xã hội chung tay giám sát thu chi của quỹ, chúng ta có thể giảm bớt những tiêu cực xảy ra trong hoạt động từ thiện. Người nhận đóng góp đóng vai trò quản lý, chi tiêu cho người được thụ hưởng. Nếu dòng tiền đóng góp đứng yên, người đóng góp có thể đặt câu hỏi về hoạt động thực tế của bên làm từ thiện. Tiền từ thiện phải được chi tiêu cho người cần được thụ hưởng, chứ không phải chảy vào túi của cá nhân hay tổ chức nào.

Công nhận công tác xã hội là một “nghề”

Mới đây, ngày 30/8/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 110/2024/NĐ-CP về công tác xã hội, trong đó công nhận công tác xã hội là một ngành dịch vụ. Định nghĩa về công tác xã hội được mở rộng và đưa ra phương hướng hoạt động chuyên nghiệp hơn. Như vậy, những cá nhân hay hội nhóm hoạt động từ thiện thường xuyên sẽ được đào tạo chuyên nghiệp, đem tới chất lượng phục vụ tốt hơn cho đối tượng thụ hưởng. Người hoạt động công tác xã hội được đào tạo, cấp thẻ hành nghề và được trả lương. Điều đó đương nhiên kèm theo trách nhiệm và đảm bảo tính toàn vẹn cho đối tượng thụ hưởng.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi thông tin về vụ việc Mái ấm Hoa Hồng. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi thông tin về vụ việc Mái ấm Hoa Hồng. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Buông lỏng quản lý, chờ tới khi xảy ra hậu quả mới chạy theo giải quyết hay lên án "đối tượng", kiểm tra đồng loạt khi có sự vụ cụ thể xảy ra chỉ là hành động không hiệu quả, cắt ngọn nhưng để gốc tiếp tục đâm chồi. Hành động này khiến cho một việc làm có xuất phát điểm cao đẹp lại đem về kết quả là hệ lụy xấu cho xã hội. Hoạt động thiện nguyện bị thả nổi, khi xảy ra hậu quả sẽ dẫn tới sự lung lay niềm tin của dư luận xã hội về đạo đức con người, về công tác quản lý của Nhà nước.

Liên quan đến sự việc diễn ra tại Mái ấm Hoa Hồng, chiều ngày 7/9/2024, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi cho biết, vụ việc ở Mái ấm Hoa Hồng bước đầu được xác định là vụ bạo lực, bạo hành trẻ em, tiếp theo là liên quan đến yếu tố lợi dụng việc từ thiện nhân đạo. Đồng thời, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi cũng nhấn mạnh đến sự buông lỏng quản lý của các cơ quan có liên quan.

Điều này cũng phù hợp với thực tế khi bà Võ Thị Chính - Phó Chủ tịch UBND quận 12 cho rằng, Mái ấm Hoa Hồng đã đối phó tinh vi để qua mặt cơ quan chức năng. Trong khi đó, trên các diễn đàn, bà Giáp Thị Sông Hương (chủ cơ sở Mái ấm Hoa Hồng) khẳng định cơ sở đang nuôi dưỡng, chăm sóc gần 100 trẻ bị bỏ rơi, mồ côi từ sơ sinh đến 13-14 tuổi. Tức là bà Hương không hề che giấu trước truyền thông về số lượng gần 100 đứa trẻ, thì cần gì phải che giấu trước đoàn kiểm tra?

Khi công tác quản lý bị buông lỏng, không khó để kẻ có dã tâm lợi dụng trẻ em trục lợi từ thiện. Ở đây, rõ ràng chủ cơ sở có dấu hiệu gom trẻ về lấy số lượng hòng đánh vào lòng thương cảm của nhà hảo tâm nhằm trục lợi từ thiện. Và cái chúng ta thấy là những đứa trẻ bị đánh đập tàn nhẫn, sữa của nhà hảo tâm bị mang đi bán, có dấu hiệu cấu kết lừa đảo nhà hảo tâm mua lại sữa từ nguồn sữa mà nhà hảo tâm trước đó đã cho.

Đồng thời, phải nhìn nhận một phần trách nhiệm gián tiếp của người làm từ thiện (nhà hảo tâm). Hoạt động từ thiện tự phát, không định hướng đối tượng, không tìm hiểu thông tin xác thực… đã dẫn đến những hệ lụy, tạo nên “nghề” kiếm sống bằng từ thiện.

Câu chuyện ở Mái ấm Hoa Hồng thực sự là một hồi chuông thúc giục Dự Luật Công tác xã hội sớm được đưa ra lấy ý kiến và thông qua để áp dụng vào cuộc sống, đáp ứng nhu cầu chia sẻ và nhận được chia sẻ trước những hoàn cảnh khó khăn. Đó cũng là hành động góp phần bảo tồn truyền thống "lá lành đùm lá rách" của dân tộc ta.

Ngân Nga - Gia Văn

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tu-vu-bao-hanh-tre-o-mai-am-hoa-hong-de-tu-thien-khong-phai-la-mot-nghe-bat-chinh-344652.html