Cần nhân rộng hiệu quả mô hình nhà tránh bão lụt khu vực miền Trung

Trận lũ dữ tại các tỉnh miền Trung cuối tháng 10 vừa qua gây thiệt hại rất lớn về người, nhà cửa và tài sản của người dân vùng lũ. Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ người dân đã được bảo đảm an toàn trên các công trình nhà phòng tránh bão lũ.

Điều này cho thấy Chương trình hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung theo Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg ngày 28/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ đã phát huy tác dụng, hiệu quả.

Những con số biết nói

Chương trình này được triển khai áp dụng trên địa bàn 14 tỉnh, thành phố: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận (riêng Bình Thuận không tham gia chương trình do không có đối tượng).

Mức hỗ trợ của Chương trình là 14 triệu đồng/hộ đối với những hộ đang cư trú tại các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn; 16 triệu đồng/hộ đối với những hộ đang cư trú tại các thôn đặc biệt khó khăn; và hỗ trợ 12 triệu đồng/hộ đối với những hộ đối tượng còn lại.

Chương trình cũng cho vay ưu đãi tối đa 15 triệu đồng/hộ với lãi suất vay là 3%/năm; thời hạn vay là 10 năm, trong đó thời gian ân hạn là 5 năm. Thời gian trả nợ tối đa là 5 năm bắt đầu từ năm thứ 6, mức trả nợ mỗi năm tối thiểu là 20% tổng số vốn đã vay.

Số liệu báo cáo từ Bộ Xây dựng, tính đến tháng 9/2020, các địa phương này đã thực hiện hỗ trợ được khoảng 19.244/21.600 hộ nghèo xây dựng, sửa chữa nhà ở phòng tránh bão, lụt, đạt 89,1% tổng số đối tượng cần được hỗ trợ, với tổng số vốn đã giải ngân là 661,6 tỷ đồng. Trong đó vốn từ ngân sách nhà nước là 249,6 tỷ đồng, vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội là 192 tỷ đồng và các nguồn vốn khác ước tính khoảng 220 tỷ đồng.

Đến nay, 6/13 địa phương đã hoàn thành việc hỗ trợ theo Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg, gồm Hà Tĩnh, Nghệ An, Khánh Hòa, Phú Yên, Ninh Thuận và thành phố Đà Nẵng.

Các địa phương còn lại là Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định đều có tỉ lệ hoàn thành đạt trên 70%.

Bộ Xây dựng cho biết cùng với hiệu quả của Chương trình hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở theo QĐ 22/2013/QĐ-TTg và Chương trình hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo QĐ33/2015/QĐ-TTg, Chương trình hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão lụt khu vực miền Trung theo Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg đã giúp cho hàng trăm nghìn người dân có nơi tránh trú khi mùa mưa bão đến, bảo đảm an toàn về tính mạng và tài sản, giảm thiểu được thiệt hại do thiên tai gây ra.

Theo thống kê chưa đầy đủ hiện tổng số ngôi nhà bị thiệt hai, hư hỏng tuy cao hơn những năm vừa qua nhưng thấp hơn nhiều so với giai đoạn trước khi có các Chương trình hỗ trợ nhà ở được triển khai thực hiện.

Báo cáo chưa đầy đủ của các địa phương cũng cho thấy, chưa có căn nhà nào thuộc Chương trình hỗ trợ nhà ở phòng, tránh bão, lụt theo Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg bị sập đổ, hư hỏng nặng trong đợt mưa lũ vừa qua tại miền Trung.

Chia sẻ về hiệu quả của chương trình nhà chống lũ, ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục quản lý Nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết: “Qua kiểm tra ở địa phương, chúng tôi thấy rằng nhà chống lũ đã phát huy hiệu quả tốt, đảm bảo sinh mạng và tài sản cho người dân không chỉ trong mùa bão lụt năm nay mà cả 10 năm vừa qua”.

Sẽ nghiên cứu mở rộng hỗ trợ nhà chống lũ

Mới đây, tại cuộc làm việc của Thủ tướng Chính phủ với các tỉnh miền Trung về công tác khắc phục hậu quả bão số 9 và tìm kiếm cứu nạn chiều ngày 1/11, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà tán thành với đề xuất của Bộ Tài chính về hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà sập, hư hỏng nặng. Bộ trưởng Phạm Hồng Hà đề xuất tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình hỗ trợ nhà ở phòng tránh bão, lụt khu vực miền Trung với mức hỗ trợ đang áp dụng 12 triệu đồng/hộ.

Mô hình nhà chống bão, lụt hiệu quả tại Quảng Bình. Ảnh minh họa

Mô hình nhà chống bão, lụt hiệu quả tại Quảng Bình. Ảnh minh họa

Từ thực tế với sự hỗ trợ hiệu quả của Chương trình hỗ trợ nhà ở phòng tránh bão lụt tại khu vực miền Trung, cùng với việc huy động nguồn lực từ gia đình, dòng họ, nhiều hộ gia đình vùng lũ đã xây cất được nhà chống lũ có sàn bê tông cốt thép, đảm bảo 3 cứng, diện tích tối thiểu 10m2 và sàn cao hơn mức lụt thường xuyên ở địa phương là 1,5m. Những căn nhà này đã phát huy tác dụng, hiệu quả trong cơn lũ dữ vừa qua.

Đề cập tới việc nhân rộng mô hình nhà chống bão lũ theo hướng mở rộng đối tượng thụ hưởng ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục quản lý Nhà và thị trường bất động sản Bộ Xây dựng cho biết “Thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với các địa phương đánh giá hiệu quả mô hình nhà chống lũ, bão lụt theo QĐ 48/2014/QĐ-TTg. Từ đó, đề xuất nhân rộng mô hình theo hướng mở rộng đối tượng thụ hưởng, tăng mức hỗ trợ Nhà nước để xây những ngôi nhà đảm bảo an toàn, trình cơ quan có thẩm quyền quyết định”.

Toàn Thắng

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/doi-song/can-nhan-rong-hieu-qua-mo-hinh-nha-tranh-bao-lut-khu-vuc-mien-trung/412880.vgp