Cần nhận thức đúng, đầy đủ về cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị
Cuộc cách mạng về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đang nhận được sự quan tâm to lớn, sự đồng tình ủng hộ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Tuy nhiên, trên một số nền tảng mạng xã hội đã xuất hiện một số bài viết của các phần tử thù địch cho rằng cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy của chúng ta hiện nay chỉ là hô hào hình thức, không thể thực hiện được, thậm chí sẽ có sự chống đối quyết liệt…
Thực tế cho thấy, đây chỉ là những quan điểm sai trái, xuyên tạc, cố tình bóp méo sự thật, hướng lái dư luận nhằm phá hoại niềm tin của quần chúng nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.
Là sự tiếp nối, kế thừa, bổ sung, phát triển các quan điểm của Đảng, là đòi hỏi bức thiết của thực tiễn đất nước
Cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy lần này không phải là việc làm mang ý muốn chủ quan của người đứng đầu Đảng ta, mà là sự tiếp nối quan điểm của Đảng đã được đề cập từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986). Tại Đại hội VI, bên cạnh việc xác định phải tiến hành ngay đổi mới cơ chế kinh tế, đổi mới bộ máy quản lý nhà nước cũng được Đảng ta xác định là nhiệm vụ song hành. Từ đó đến nay, Đảng ta vẫn duy trì việc sắp xếp tổ chức bộ máy nhưng trọng tâm nhất là giai đoạn 7 năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Ở thời điểm hiện tại, chúng ta đã đạt được một số kết quả quan trọng, bước đầu tạo chuyển biến tích cực trong đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy. Tuy nhiên, kết quả đạt được vẫn còn khiêm tốn, còn tồn tại nhiều điểm nghẽn, bất cập cần khẩn trương tháo gỡ.
Tổng Bí thư Tô Lâm đã thẳng thắn thừa nhận: “tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh; hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn nhiều cơ quan, bộ phận còn trùng lắp, chồng chéo, tinh giản biên chế mới tập trung giảm số lượng, chưa gắn với nâng cao chất lượng, nhất là chi phí vận hành hệ thống tổ chức quá lớn, chiếm tới 70% tổng ngân sách chi tiêu thường xuyên của Nhà nước”. Những hạn chế, tồn tại đó là lực cản lớn kìm hãm quá trình phát triển của đất nước.
Vì thế, nếu chúng ta không quyết liệt, với quyết tâm chính trị cao nhất, nếu chúng ta cứ chấp nhận một bộ máy không “tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả”, chấp nhận dành 70% ngân sách cho chi thường xuyên thì Việt Nam sẽ gặp nhiều rào cản, khó khăn, chậm trễ trong hội nhập quốc tế, như Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định: “Hiện nay đã là thời điểm, thời cơ; là sự cấp thiết, là đòi hỏi tất yếu khách quan cho cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị để bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả hay chưa? Câu trả lời là: Không thể chậm trễ hơn được nữa”.
Tuy nhiên, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy không phải là sự cắt giảm cơ học, mà đó là sự cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng về đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương; thực hiện nguyên tắc một cơ quan thực hiện nhiều việc, một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì và chịu trách nhiệm chính; khắc phục triệt để tình trạng chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, tồn tại nhiều tổ chức trung gian cồng kềnh.
Cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị hiện nay là đòi hỏi tất yếu, cấp bách từ thực tiễn của đất nước, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, giảm chi phí nuôi bộ máy, ưu tiên nguồn lực cho phát triển đất nước, phục vụ nhân dân tốt hơn; tạo ra bước đệm, thế và lực để cả dân tộc chuyển mình, bứt phá mạnh mẽ, để sớm xây dựng thành công một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu chứ hoàn toàn không phải như luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch rằng chủ trương tinh gọn chỉ nhằm “tạo cơ hội cho chạy việc, chạy chức, gây tốn kém tiền của của nhân dân”.
Không phải sự hô hào suông
Cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy được thực hiện quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương và được bắt đầu từ sự tiên phong, gương mẫu của Trung ương. Ngay sau khi cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy được phát động, toàn bộ các cơ quan của hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương đã vào cuộc xây dựng đề án sắp xếp tinh gọn bộ máy theo đúng lộ trình đã đặt ra. Ngày 30-12-2024, Bộ Chính trị đã công bố quyết định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, mối quan hệ công tác của 13 cơ quan ban Đảng, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương đã hoàn thành tinh gọn bộ máy. Theo đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư là “vừa chạy vừa xếp hàng”; “Trung ương không chờ tỉnh - tỉnh không chờ huyện, huyện không chờ cơ sở”, cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương đã xây dựng xong phương án tinh gọn tổ chức bộ máy và đang khẩn trương triển khai tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, để thống nhất thực hiện trên cả nước và để bộ máy hoạt động thông suốt sau sắp xếp, ngày 12-1-2025, Ban Chỉ đạo về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Chính phủ đã phát hành công văn chỉ đạo các địa phương bổ sung, hoàn thiện phương án sắp xếp tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện. Kỳ họp bất thường của Quốc hội vào tháng 2-2025 tới đây sẽ xem xét sửa đổi, ban hành các luật, nghị quyết về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy… Đây là những hành động và kết quả thực chất của việc tinh gọn tổ chức bộ máy chứ hoàn toàn không phải chỉ là sự hô hào suông, “làm cho có” như các thế lực thù địch cố tình xuyên tạc.
Một chủ trương đúng, trúng, với chế độ, chính sách thấu tình, đạt lý, có được sự đồng thuận của đông đảo quần chúng nhân dân, được thực hiện bằng quyết tâm của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là quyết tâm của người đứng đầu Đảng ta - Tổng Bí thư Tô Lâm, cuộc cách mạng tuy nhiều gian khó nhưng chúng ta nhất định sẽ thành công và Việt Nam sẽ bứt phá thật ngoạn mục trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Quyết tâm thực hiện cho bằng được vì lợi ích của đất nước, của nhân dân
Các thế lực thù địch cho rằng, tiến hành tinh gọn tổ chức bộ máy sẽ cắt giảm, sáp nhập, giải thể các cơ quan, điều này sẽ đụng chạm đến lợi ích của nhiều cán bộ, công chức, viên chức nên không thể thành công do vấp phải sự phản đối quyết liệt từ những đối tượng trong diện bị ảnh hưởng.
Cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy sẽ không dễ dàng, bởi khi tinh gọn bộ máy chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức. Như Tổng Bí thư đã chỉ rõ: “Do công việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy là công việc rất khó khăn, nhạy cảm, phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến mỗi con người trong từng tổ chức”. Nhưng cuộc cách mạng nào mà không có khó khăn, cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy lần này cũng vậy, đòi hỏi phải có sự dũng cảm, thử thách và cả sự hy sinh của những người cộng sản chân chính. Song, chúng ta tin tưởng rằng, với quyết tâm và bản lĩnh chính trị của Đảng, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình ủng hộ của quần chúng nhân dân, đặc biệt là tinh thần sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân mình vì lợi ích chung của đất nước và nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, chắc chắn cuộc cách mạng này sẽ thành công. Thực tế cho thấy, đến nay, từ Trung ương đến các địa phương, đã có rất nhiều cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có cả những người đang giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý sẵn sàng tự nguyện xin nghỉ hưu trước tuổi để thuận lợi cho tổ chức khi tiến hành việc sắp xếp. Và cũng rất kịp thời, ngày 31-12-2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 178/2024/NĐ-CP “về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị”, chế độ, chính sách lần này rất hợp lý, ưu việt, thể hiện rõ tính nhân văn của Đảng, Nhà nước ta không chỉ coi việc cắt giảm biên chế như một mục tiêu, mà còn đặt ra những chính sách trong bảo vệ quyền lợi của người lao động.