Cần nhanh chóng hoàn thành mạng lưới cấp nước sinh hoạt nông thôn
Trong nhiều cuộc tiếp xúc cử tri của các tổ đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố Hà Nội gần đây, cử tri các huyện đều kiến nghị về vấn đề cấp nước sạch nông thôn.
Ở khu vực nội thành Hà Nội, hệ thống nước sạch đã được cấp đến các hộ dân từ lâu, thì tại nhiều vùng nông thôn ngoại thành, người dân vẫn chưa được sử dụng nước sạch từ nguồn cấp nước tập trung, thí dụ như các xã phía nam huyện Thanh Oai, tám xã ven sông của huyện Đan Phượng hay bốn xã Liên Hà, Vân Hà, Bắc Hồng, Thụy Lâm của huyện Đông Anh.
Các hộ dân ở đây chủ yếu phải dùng nước giếng khoan, phải tự đầu tư thêm bể lọc, bể lắng, máy lọc nước… để có nước sinh hoạt. Tình trạng này kéo dài đã lâu, người dân rất mong ngóng sớm có nước sạch để sử dụng.
Nguyên nhân của tình trạng này là do nhiều dự án nước sạch ở các khu vực nêu trên bị chậm tiến độ triển khai so với lộ trình. Theo số liệu của Sở Xây dựng Hà Nội, thành phố còn 160 xã chưa được đầu tư hệ thống cấp nước sạch tập trung, trong đó có 132 xã đã có dự án giao cho nhà đầu tư, nhưng chưa thực hiện và 28 xã chưa có nhà đầu tư đề xuất thực hiện dự án.
Trong số các xã đã giao dự án cho nhà đầu tư, có 115 xã quá thời hạn hoàn thành dự án, nhưng nhà đầu tư chưa thực hiện và chưa đề xuất chủ trương đầu tư theo quy định. Hai dự án nước sạch trên địa bàn huyện Đan Phượng là Dự án nhà máy nước mặt sông Hồng và Dự án xây dựng mạng lưới cấp nước sạch cho tám xã của huyện Đan Phượng đều chậm triển khai.
Tại huyện Đông Anh, Dự án đầu tư phát triển mạng lưới phân phối nước sạch được UBND thành phố giao liên danh Công ty Aqua One-Sông Đuống thực hiện trong giai đoạn 2017-2020, nhưng đến nay đã quá hạn mà dự án vẫn chưa hoàn thành.
Thành phố Hà Nội đặt mục tiêu 100% hộ dân thành thị và nông thôn được cấp nước sạch vào năm 2025. Để đạt mục tiêu này, đáp ứng nhu cầu nước sạch của người dân, thành phố, các sở, ngành, đơn vị liên quan, chính quyền các địa phương cần tích cực vào cuộc, có giải pháp quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho các dự án nước sạch, đẩy nhanh tiến độ triển khai.
Đặc biệt, thành phố cần có giải pháp cứng rắn đối với các chủ đầu tư chậm tiến độ hoặc không triển khai dự án, tiến hành thanh tra, kiểm tra toàn diện các dự án và chủ trì tổ chức thực hiện điều chỉnh, thu hồi các dự án chậm hoặc không triển khai, thay thế bằng các chủ đầu tư có năng lực, bảo đảm được tiến độ, chất lượng; đồng thời, có cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư quan tâm tới lĩnh vực nước sạch nông thôn để thu hút đầu tư và đẩy nhanh tiến độ. Việc sớm nâng tỷ lệ cung ứng nước sạch cho người dân khu vực ngoại thành không chỉ đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân mà cũng góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước ngầm và sự ổn định của nền địa chất.