Cần nhiều chính sách đào tạo nghề cho ngư dân
Thêm nhiều trang thiết bị hiện đại và những hợp tác xã, tổ đội lớn mạnh hỗ trợ nhau trên biển là những mong mỏi thiết thực từ ngư dân.
Sáng sớm một ngày giữa tháng 3, ông Phạm Sai, thuyền trưởng hai tàu giã cào ở huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi), cập cảng cá Thọ Quang (Đà Nẵng) để bán cá và tránh gió mùa đông bắc. Chuyến biển này đi mất 12 ngày, mang lại cho đôi tàu của ông Sai tổng nguồn thu 1 tỉ đồng. Trừ đi mọi chi phí, còn khoảng 500 triệu đồng để ông Sai ăn chia với gần 20 bạn tàu.
Mong muốn máy móc hiện đại hơn
Dù thu nhập khá nhưng theo ông Sai, đây là chuyến biển hiếm hoi trong hai năm qua gặp may mắn về luồng cá như vậy. Do thiếu các trang thiết bị chuyên dụng nên những ngư dân như ông Sai chỉ đánh bắt theo kinh nghiệm, mang đầy tính may rủi.
“Có khi bằng trực quan mình phát hiện luồng cá lớn nhưng nhìn máy định vị GPS thì thấy nếu chạy theo luồng cá này nhiều khả năng xâm phạm vùng biển nước khác nên mình không dám, đành phải bỏ.
Ngư dân bây giờ thật sự thèm khát những máy móc hiện đại nhưng vì giá cả quá đắt đỏ nên không dám vay ngân hàng (NH) để mua, có mua thì lại sợ không biết cách sử dụng. Ví như máy dò cá, máy dò rạn san hô… có giá hơn 1 tỉ đồng/máy” - ông Sai cho hay.
Theo ngư dân Lê Văn Tám (ngụ TP Quảng Ngãi), sở dĩ hiện nay các chủ tàu không dám vay tiền đầu tư máy móc vì các con tàu cũng đều đang cắm trong NH với lãi suất cao, chưa biết khi nào trả dứt. Khi vay vốn, các NH đều lấy lý do tàu thuyền khó bán nên không duyệt nhận thế chấp tàu cá. Khi đó, chủ tàu đành thế chấp nhà đất để vay với nỗi lo nơm nớp rằng đi biển lỗ vốn là mất luôn sổ hồng.
“Vay NH Nhà nước lãi suất thấp hơn nhưng khó giải ngân. NH tư nhân dễ giải ngân hơn nhưng lãi suất lại cao, kèm theo nhiều điều kiện khác. Các chủ tàu ký hợp đồng vay vốn với NH như đang đánh cược cả gia tài vào biển cả. Do vậy, nhiều chủ tàu chấp nhận đánh bắt theo kiểu truyền thống, được chăng hay chớ, không dám vay vốn mua sắm máy móc tiền tỉ để đánh bắt khơi xa” - ông Tám nói.
Chủ tịch Hội Nghề cá TP Đà Nẵng Trần Văn Lĩnh cho hay những thiết bị ngư dân đang có đều không đồng bộ.
Ông Lĩnh phân tích: “Muốn đánh bắt cá phải giải quyết được bài toán đánh bắt bằng công nghệ nào, ở đâu, đánh chuyên dụng hay đa dụng. Nhà nước phải nắm rõ tài nguyên biển Việt Nam, trữ lượng, diễn biến theo mùa ra sao, loài nào đặc hữu, phân bổ thế nào. Từ đó mới xác định và định hướng cho ngư dân nên khai thác bao nhiêu để bảo tồn được hệ sinh thái ấy một cách bền vững và có trách nhiệm. Mùa không đánh bắt được thì Nhà nước trợ cấp thế nào để ngư dân sống được”.
Cần những tổ đội lớn mạnh, đồng lòng
Nhìn nhận câu chuyện hình thành tổ đội đánh bắt cá trên biển, ngư dân Lê Văn Tám cho rằng tổ đội lớn mạnh còn giúp các chủ tàu giữ được bạn tàu. Bởi thu nhập vào những tháng không đi biển được do mất mùa hay bão tố là điều kiện tiên quyết để giữ bạn tàu.
“Điều quan trọng là khi gom lại thành tổ đội thì các chủ tàu phải có trách nhiệm đóng tiền quỹ hằng tháng, giao cho tổ đội trưởng quản lý. Vào những tháng không đi biển được thì tổ đội trích tiền quỹ hỗ trợ bạn tàu, coi là trả lương tháng để giữ bạn tàu. Cùng với đó là cam kết khi tàu ra khơi trở lại thì bạn tàu quay về làm việc ngay, không phải vất vả đi tìm kiếm từng người như bây giờ” - ông Tám cho hay.
Tuy vậy, ông Trần Văn Lĩnh lại nghĩ khác, bởi ở Đà Nẵng đã và đang có nhiều tổ đội như vậy nhưng chỉ thuần túy là hợp tác giúp đỡ nhau trên biển khi có nguy hiểm. Còn động đến câu chuyện chi phí thì phát sinh nhiều vấn đề.
“Ngày thường đánh cá còn khó khăn để bù chi phí thì lấy đâu ra tiền mà nộp quỹ rồi hỗ trợ. Ở các quốc gia phát triển thì Nhà nước hỗ trợ hết cho ngư dân vào mùa không thể đi biển. Vì bảo tồn tài nguyên và phát triển kinh tế biển cho đất nước thì Nhà nước phải đứng ra hỗ trợ cho ngư dân, bạn tàu” - ông Lĩnh nói.
Nói thêm về vai trò hỗ trợ của Nhà nước, ông Nguyễn Minh Hải, Chủ tịch UBND xã Phú Hải, huyện Phú Vang (Thừa Thiên-Huế), cho rằng cần có thêm nhiều chính sách đào tạo nghề cho người dân ven biển để các thế hệ thanh niên, cũng là lực lượng lao động chính trong nghề khai thác thủy sản xa bờ có thể sống tốt, sống khỏe với nghề biển.
“Đó là vấn đề lâu dài, còn trước mắt, để những chuyến vươn khơi không bị đứt quãng, chính quyền các địa phương ven biển đã tuyên truyền, vận động ngư dân thực hiện nhiều giải pháp để kéo dài thời gian đi biển. Như việc bán hải sản đánh bắt được ngay trên biển cho các tàu hậu cần dịch vụ di động để đổi lấy nhiên liệu, lương thực nhằm giảm chi phí cho mỗi chuyến vươn khơi” - ông Hải cho hay.
Cần hỗ trợ kỹ thuật hiện đại cho ngư dân
Để nâng chất lượng sản phẩm thủy sản đánh bắt được, giúp ngư dân tăng thu nhập thì cần phải áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện đại trong quá trình đánh bắt. Khi làm việc này, ngư dân cần có sự đầu tư và Nhà nước cho cơ chế hỗ trợ.
Ông VÕ VĂN LONG, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Nam
Nguồn PLO: https://plo.vn/can-nhieu-chinh-sach-dao-tao-nghe-cho-ngu-dan-post727422.html