Cần nhiều giải pháp đồng bộ

Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông luôn là vấn đề được cả xã hội quan tâm. Tại kỳ họp thứ 4 của HĐND tỉnh khóa X vừa qua, các vấn đề nổi cộm của ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) như tình trạng thiếu giáo viên, việc dạy và học theo chương trình giáo dục phổ thông mới, sách giáo khoa (SGK) mới được nhiều đại biểu quan tâm đặt câu hỏi chất vấn lãnh đạo Sở GD&ĐT.

Giám đốc Sở GD&ĐT Phạm Ngọc Hải trả lời chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh về các vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành

Giám đốc Sở GD&ĐT Phạm Ngọc Hải trả lời chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh về các vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành

KHẮC PHỤC TÌNH TRẠNG THIẾU GIÁO VIÊN

Theo thống kê của Sở GD&ĐT, tổng số nhu cầu giáo viên các cấp học là 11.683 người, hiện có 10.493 giáo viên, so với định mức quy định toàn tỉnh còn thiếu 1.190 giáo viên. Tỷ lệ thiếu giáo viên ở các cấp học là 10,2%, trong đó thiếu nhiều nhất là cấp học mầm non.

Tổng số giáo viên mầm non toàn tỉnh hiện có là 1.761 giáo viên. Nếu xác định nhu cầu giáo viên theo định mức (2 giáo viên/nhóm/lớp) thì số giáo viên còn thiếu so với định mức này là 299 giáo viên, tỷ lệ giáo viên hiện có đạt 85,48% so định chuẩn. Nếu tính nhu cầu giáo viên theo định mức quy định tại Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BGD ĐT-BNV (nhà trẻ 2,5 giáo viên/lớp, mẫu giáo 2,2 giáo viên/lớp) thì số giáo viên còn thiếu so với định mức này là 529 giáo viên, tỷ lệ giáo viên hiện có đạt 76,9% so với định chuẩn.

Chất vấn về thực trạng này đối với Giám đốc Sở GD&ĐT Phạm Ngọc Hải, đại biểu Thành Từ Dũ nêu: “Số giáo viên đang thiếu theo ông là ít hay nhiều, nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng? Thiếu giáo viên có ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục và đào tạo, quyền học tập của các cháu hay không? Lộ trình khắc phục tình trạng thiếu giáo viên như thế nào? Giải pháp trong việc tuyển dụng, “giữ chân” giáo viên vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới”.

Trả lời nội dung trên, Giám đốc Sở GD&ĐT Phạm Ngọc Hải cho biết, số giáo viên hiện nay còn thiếu thực ra có sự thiếu, thừa cục bộ ở từng bộ môn. Do đó, ngành cũng chỉ đạo các trường điều tiết phù hợp để đáp ứng cơ bản trong thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

Theo Giám đốc Sở GD&ĐT, có nhiều nguyên nhân của tình trạng thiếu giáo viên hiện nay. Thứ nhất là do ảnh hưởng từ những điều chỉnh của văn bản quy phạm pháp luật. Thực hiện Luật Giáo dục năm 2019, việc tuyển dụng viên chức mầm non, tiểu học, trung học cơ sở thời gian qua gặp nhiều khó khăn vì thiếu nguồn tuyển dụng, do tiêu chuẩn viên chức mầm non phải đạt trình độ cao đẳng trở lên, viên chức tiểu học và THCS phải đạt trình độ đại học trở lên.

Về chế độ chính sách và nguồn tuyển dụng giáo viên, chế độ tiền lương của giáo viên mầm non thấp (với hệ số tiền lương của giáo viên mầm non tốt nghiệp hệ cao đẳng sau khi tuyển dụng là 2,1; tiền lương thực lãnh khoảng trên 3 triệu đồng sau khi cộng thêm phụ cấp và đóng bảo hiểm xã hội). Bên cạnh đó, áp lực công việc của giáo viên mầm non rất lớn, thời gian ở trường trên 10 giờ/ngày. Trước đây, ngoài số giáo viên được đào tạo tại tỉnh còn có nguồn giáo viên từ các tỉnh bạn, nhưng trong 3 năm gần đây, hầu hết các tỉnh đều thiếu giáo viên nên rất ít nguồn tuyển.

Về phân cấp trong công tác tuyển dụng, theo quy định của Chính phủ, công tác tuyển dụng giáo viên mầm non, tiểu học, THCS được UBND tỉnh phân cấp về UBND cấp huyện thực hiện. Do đó, các huyện vùng sâu, biên giới gặp khó khăn trong công tác tuyển dụng, vì người tham gia tuyển dụng thường lựa chọn các trường ở vùng thuận lợi để đăng ký. Nếu không có chính sách đặc thù cho các địa phương này sẽ rất khó để bảo đảm đủ giáo viên. Ông Hải cũng thừa nhận việc thu hút và “giữ chân” giáo viên ở vùng biên giới như Tân Biên, Tân Châu, Châu Thành… hiện nay tương đối khó.

Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, ngành sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương, ngành chức năng và cơ sở đào tạo xây dựng kế hoạch đặt hàng đào tạo giáo viên giai đoạn 2020-2025 theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP. Sở GD&ĐT đang tham mưu UBND tỉnh xây dựng dự thảo nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ đối với cán bộ quản lý, giáo viên mầm non và phổ thông về công tác ở những địa bàn đặc thù của tỉnh, trình HĐND tỉnh xem xét cho ý kiến.

Dự thảo nghị quyết trình HĐND tỉnh về chính sách thu hút, hỗ trợ các bậc học, chuyên ngành thuộc các lĩnh vực trong danh mục cần thu hút, hỗ trợ đào tạo do UBND tỉnh quy định. Bậc học được hưởng chính sách thu hút là giáo viên mầm non thuộc các địa phương thiếu giáo viên; giáo viên phổ thông thuộc các môn đang thiếu giáo viên, gồm tin học, ngoại ngữ, môn tích hợp khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, giáo dục địa phương, công nghệ, nghệ thuật theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Sở cũng tiếp tục chỉ đạo việc tuyển dụng, bố trí, sắp xếp đội ngũ theo hướng ưu tiên biên chế để tuyển dụng giáo viên cho những môn học mới ở các cấp học, đáp ứng kịp thời nguồn tuyển dụng theo lộ trình đổi mới chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Phối hợp ngành Nội vụ và các địa phương xây dựng kế hoạch và kịp thời tổ chức tuyển dụng giáo viên; thông báo rộng rãi nhu cầu, chỉ tiêu tuyển dụng nhằm thu hút giáo viên trong và ngoài tỉnh.

Bên cạnh đó, hợp đồng thỉnh giảng đối với viên chức các ngành khác có ngành đào tạo gần với ngành sư phạm (tin học, tiếng Anh) có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm được tham gia giảng dạy tại các trường công lập trên địa bàn.

Một tiết học của cô và trò Trường tiểu học Thị trấn A Dương Minh Châu (ảnh chụp ngày 22.4.2022).

Một tiết học của cô và trò Trường tiểu học Thị trấn A Dương Minh Châu (ảnh chụp ngày 22.4.2022).

DẠY VÀ HỌC THEO CHƯƠNG TRÌNH, SÁCH GIÁO KHOA MỚI

Việc thực hiện lựa chọn dạy và học chương trình, SGK mới, đại biểu Kim Thị Hạnh đề nghị lãnh đạo Sở GD&ĐT cho biết có hay không tình trạng “lobby” trong việc lựa chọn bộ SGK của các trường, mỗi trường sử dụng một bộ sách khác nhau; nếu có tình trạng trên, cần quan tâm giải pháp gì?

Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết việc lựa chọn SGK được thực hiện theo đúng Thông tư 25/2020/TT-BGDĐT ngày 26.8.2020 của Bộ GD&ĐT quy định việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông và có quy trình rất chặt chẽ từ hội đồng cơ sở đến hội đồng tỉnh, trên cơ sở bỏ phiếu kín lựa chọn ít nhất một bộ SGK cho mỗi môn học.

Quy trình lựa chọn SGK bảo đảm công khai, minh bạch, đúng pháp luật. Căn cứ vào kết quả lựa chọn SGK của các hội đồng, UBND tỉnh ban hành các quyết định phê duyệt danh mục SGK sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh. Đối với sách tham khảo, các trường chỉ giới thiệu chứ không ép phụ huynh mua. Phụ huynh có thể đăng ký mua sách thông qua danh sách niêm yết của trường hoặc tự mua tại các đại lý sách.

Để triển khai dạy và học theo chương trình, SGK mới, Sở GD&ĐT phối hợp các nhà xuất bản có SGK được lựa chọn, sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh tổ chức các lớp tập huấn sử dụng SGK mới cho 100% cán bộ quản lý, giáo viên các cấp học trước khi khai giảng năm học mới.

Theo đánh giá của ngành, về cơ bản, giáo viên thực hiện tốt việc đổi mới phương pháp dạy và học nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, rèn luyện phương pháp tự học và vận dụng kiến thức, kỹ năng của học sinh.

Trong học kỳ I năm học 2021-2022, do tình hình dịch Covid-19, các trường xây dựng linh hoạt các nội dung, hình thức và thời lượng tổ chức dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình kết hợp chuyển giao nhiệm vụ học tập phù hợp với đối tượng học sinh. Giáo viên phối hợp với gia đình để tổ chức các hoạt động tự học tại nhà, giúp học sinh trải nghiệm các môn học để hình thành kỹ năng, năng lực theo yêu cầu cần đạt của từng môn học, hoạt động giáo dục theo quy định.

Về chất lượng giáo dục, năm học 2021-2022 là năm toàn ngành Giáo dục thực hiện nhiệm vụ kép với mục tiêu vừa bảo đảm an toàn phòng chống dịch Covid-19 vừa hoàn thành nhiệm vụ năm học; là năm thứ hai triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho tất cả học sinh khối lớp 1, lớp 2, lớp 6 trên địa bàn tỉnh. Nhìn tổng thể, khi học theo chương trình mới, học sinh được phát triển năng lực và phẩm chất hơn; tự chủ, tự tin hơn trong giao tiếp và tích cực tham gia các hoạt động giáo dục cùng thầy cô, bạn bè, biết vận dụng những nội dung bài học vào cuộc sống.

Có thể thấy những vấn đề đại biểu nêu tại phiên chất vấn lãnh đạo Sở GD&ĐT cũng chính là những nội dung được đông đảo cử tri quan tâm hiện nay. Các đại biểu và cử tri trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục theo dõi hành động, giải pháp của ngành để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên cũng như đáp ứng mục tiêu nâng cao chất lượng dạy và học theo chương trình giáo dục phổ thông mới.

Phương Thúy

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/can-nhieu-giai-phap-dong-bo-a147818.html