Cần nhiều giải pháp phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ
Xác định vai trò quan trọng của doanh nghiệp (DN) nói chung và DN khoa học và công nghệ (KH&CN) nói riêng đối với phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều giải pháp xây dựng, phát triển hệ thống DN KH&CN, góp phần đẩy mạnh thương mại hóa sản phẩm KH&CN, nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, phát triển bền vững của các DN.
Các đại biểu dự Hội thảo khoa học giải pháp phát triển DN KH&CN năm 2023.
Thanh Hóa là một trong những địa phương có nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn các DN ươm tạo và đăng ký chứng nhận DN KH&CN. Đến nay, toàn tỉnh có 32 DN KH&CN (trong đó có 31 DN đã được thẩm định cấp giấy chứng nhận DN KH&CN và 1 chi nhánh của DN KH&CN ngoài tỉnh hoạt động trên địa bàn), đứng thứ 3 toàn quốc (sau Hà Nội và TP Hồ Chí Minh). Các DN KH&CN của tỉnh hoạt động đa lĩnh vực, tiên phong trong nghiên cứu, ứng dụng tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao.
Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, có thể kể đến Công ty CP Công nông nghiệp Tiến Nông với dòng sản phẩm dinh dưỡng chuyên dùng cho cây lúa. Tiến Nông được công nhận là DN KH&CN đầu tiên của tỉnh, là đơn vị sáng tạo dẫn đầu trong lĩnh vực dinh dưỡng cây trồng tại Việt Nam. Các sản phẩm của Tiến Nông đã giúp cho bà con nông dân giảm thiểu chi phí sản xuất và tăng năng suất cây trồng, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Cũng trong lĩnh vực nông nghiệp, trải qua hơn 40 năm xây dụng và phát triển, Công ty CP Mía đường Lam Sơn luôn tìm tòi, ứng dụng các công nghệ mới vào sản xuất, như: Ứng dụng công nghệ lắng nổi, công nghệ trao đổi ION trong làm sạch dịch đường, công nghệ khuếch tán trong trích ly đường để làm giảm việc phải sử dụng hóa chất...
Trong lĩnh vực vật tư y tế, nổi bật nhất là sản phẩm dung dịch thẩm phân máu đậm đặc do Công ty TNHH AEONMED Việt Nam nghiên cứu và ra mắt thị trường từ năm 2016. Sau 7 năm phát triển, sản phẩm đã có mặt ở 37 tỉnh, thành cả nước và chiếm 50% thị phần khu vực miền Bắc. Ở lĩnh vực công nghệ thông tin, phần mềm quản lý bệnh viện của Công ty TNHH Minh Lộ triển khai từ năm 2008, đến nay đã được sử dụng rộng rãi tại 85 cơ sở y tế và phòng khám tư nhân trong cả nước. Phần mềm này đã góp phần cải cách thủ tục hành chính, quản lý khám chữa bệnh, thanh toán viện phí và BHYT, nâng cao hiệu quả trong công tác chẩn đoán, điều trị, chăm sóc sức khỏe bệnh nhân.
Công ty CP Thiết bị Giáo dục Hồng Đức là đơn vị KH&CN sớm nhất trên địa bàn toàn tỉnh trong ngành nội thất. Hằng năm, công ty đều phát động phong trào thi đua phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong toàn thể người lao động; từ đó tạo ra nhiều sản phẩm nội thất đa dạng, phong phú, tiện nghi, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Bên cạnh đó, cũng phải kể đến một số DN KH&CN tiêu biểu khác, như: VNPT Thanh Hóa, Công ty CP Dụng cụ thể thao Delta, Công ty CP Đầu tư phát triển công nghệ Tân Thanh Phương, Công ty CP Dạ Lan... Các DN KH&CN đã và đang tạo việc làm cho hàng nghìn lao động, có doanh thu vượt trội, đóng góp không nhỏ vào nguồn ngân sách của tỉnh.
Hầu hết các DN KH&CN sau khi được công nhận đã tổ chức triển khai hiệu quả các dự án sản xuất, kinh doanh sản phẩm, hàng hóa từ kết quả nghiên cứu KH&CN; tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực KH&CN nâng cao năng lực KH&CN; tổ chức nghiên cứu, tiếp thu ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ tiên tiến; hoàn thiện, đổi mới công nghệ, thiết bị phát triển sản phẩm mới, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, khả năng cạnh tranh sản phẩm hàng hóa trên thị trường, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, phát triển DN.
Để khuyến khích, hỗ trợ DN KH&CN, Chính phủ đã có Nghị định số 13/2019/NĐ-CP ngày 1/2/2019 ban hành cơ chế miễn, giảm thuế thu nhập DN, miễn tiền sử dụng đất khi thực hiện dự án đầu tư sản xuất các sản phẩm KH&CN, miễn tiền thuê đất, lệ phí trước bạ khi đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà... Bên cạnh đó, ngày 31/5/2022, Bộ trưởng Bộ KH&CN đã ban hành Thông tư số 05/2022/TT-BKHCN để hướng dẫn sử dụng Quỹ phát triển KH&CN của DN. Bộ Tài chính cũng có Thông tư số 67/2022/TT-BTC về khơi thông, tạo điều kiện cho DN thúc đẩy nghiên cứu, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo (ĐMST).
Tại Thanh Hóa, nhằm khuyến khích phát triển DN KH&CN, hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST trên địa bàn tỉnh, Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch hành động số 27-KH/TU ngày 13/8/2021 về thực hiện khâu đột phá về nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao KH&CN; chủ động, tích cực tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững giai đoạn 2021-2025. Theo kế hoạch này, mục tiêu đến năm 2025 sẽ thành lập thêm 30 DN KH&CN mới. Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã phê duyệt “Chương trình hỗ trợ phát triển DN KH&CN và khởi nghiệp ĐMST tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2017-2020” và “Chương trình hỗ trợ phát triển DN KH&CN và hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025”... Đây không chỉ là sự quan tâm, mà còn thể hiện rõ quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh về hoạt động KH&CN. Qua đó, giúp DN đầu tư ứng dụng công nghệ tiên tiến, phát triển sản phẩm mới, góp phần phát triển bền vững các DN KH&CN.
Theo Trưởng Phòng Phát triển tiềm lực KHCN và ĐMST (Sở KH&CN) Nguyễn Văn Hùng, nguồn DN tiềm năng, DN KH&CN trên địa bàn tỉnh không nhỏ, đặc biệt là nhóm DN đã thực hiện các nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách Nhà nước và DN sản xuất phần mềm. Song, do bản chất của hoạt động đầu tư và sản xuất, kinh doanh sản phẩm, hàng hóa có từ kết quả KH&CN có tính rủi ro nhất định. Điều kiện để được công nhận DN KH&CN còn “ngặt nghèo”; cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước đối với DN KH&CN mặc dù được quan tâm hơn nhưng cũng chưa thực sự hấp dẫn, nên nhiều DN không mặn mà xây dựng hồ sơ chứng nhận DN KH&CN.
Để phát triển DN KH&CN, thời gian tới các ban, sở, ngành liên quan cần tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mô hình DN KH&CN; tạo diễn đàn để các DN trao đổi thông tin, kinh nghiệm trong quá trình sản xuất, kinh doanh, cùng nhau hợp tác phát triển. Đơn giản hóa thủ tục thành lập DN KH&CN. Mặt khác, các DN cũng cần quan tâm đầu tư, đổi mới công nghệ, thiết bị, chủ động hợp tác với các tổ chức KH&CN, các DN trong nước và ngoài nước để nâng cao năng lực. Đồng thời chú trọng đào tạo nguồn nhân lực KH&CN trong từng DN làm cơ sở để xây dựng và phát triển DN KH&CN bền vững.