Cần nhìn nhận đúng, phát hiện nhanh bệnh Whitmore
Gần đây bệnh Whitmore có dấu hiệu quay trở lại với số người mắc cao, mức độ bệnh nặng, gây tử vong nhanh.
Không lây từ người sang người
Thời gian gần đây sự gia tăng trở lại số người mắc bệnh Whitmore khiến người dân lo lắng, hoang mang khi căn bệnh nguy hiểm gần như đã “ngủ quên” một thời gian bỗng quay trở lại. Trước đây vào thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, Việt Nam đã phát hiện và ghi nhận các ca bệnh Whitmore, tuy nhiên số lượng không nhiều.
Các chuyên gia cho rằng, tuy bệnh do vi khuân Whitmore khá nguy hiểm nhưng cảc nhân viên y tế và người dân cần có cái nhìn khoa học về căn bệnh này để tránh gây hoang mang dư luận.
Trao đổi tại Hội thảo Khoa học bệnh Whitmore toàn cầu lần thứ 9, TS. Trịnh Thành Trung, trưởng phòng nghiên cứu khoa học, Viện Vi Sinh vật và Công nghệ sinh học (Đại học Quốc gia Hà Nội), người đã dành hơn 10 năm nghiên cứu chuyên sâu về vi khuẩn Whitmore cho biết: “Việc gọi vi khuẩn Whitmore là vi khuẩn “ăn thịt người” là xuyên tạc, không đúng khái niệm của bệnh này. Vi khuẩn này chủ yếu tấn công vào phổi và cả nhiều cơ quan khác trên cơ thể gây nên tình trạng áp se, bụi mủ… chứ không phải “vi khuẩn ăn thịt người. Hiện cũng không có bằng chứng khoa học thuyết phục nào về sự lây bệnh Whitmore giữa người với người hoặc từ động vật sang người qua con đường không khí”.
Theo đó, vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây bệnh Whitmore là vi khuẩn sống trong đất, vì thế con đường lây nhiễm chính của bệnh là qua tiếp xúc các vết trầy xước trên da với đất hoặc nước có có vi khuẩn. Trường hợp lây nhiễm qua con đường hô hấp là khi người bệnh hít phải các hạt bụi đất có vi khuẩn; hoặc có thể nhiễm bệnh qua đường ăn uống do ăn phải thức có vi khuẩn này.
Cần nâng cao khả năng phát hiện
Theo các chuyên gia, Whitmore có bệnh cảnh lâm sàng rất đa dạng, tiến triển nhanh và có thể gây tử vong nhanh với tỷ lệ tử vong cao nếu bệnh nhân không được chẩn đoán đúng và điều trị kháng sinh phù hợp. Vì các dấu hiệu và triệu chứng đa dạng nên bệnh khó phát hiện, thường bị chuẩn đoán nhầm thành lao phổi, ung thư phổi, ung thư gan… Vì vậy việc xét nghiệm để chẩn đoán nhanh bệnh có vai trò rất quan trọng.
Bác sĩ Quế Anh Trâm, Trưởng khoa bệnh Nhiệt đới, bệnh viện đa khoa Nghệ An đánh giá: “Hiện nay bệnh viện tuyến dưới không đủ khả năng phát hiện ra vi khuẩn Whitmore. Vì vậy, những trường hợp chuyển lên tuyến tỉnh hay tuyến Trung ương hầu như các bệnh nhân đều ở giai đoạn nặng. Có những trường hợp bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốc nhiễm khuẩn rất khó điều trị, thậm chí nhiều trường hợp tử vong”.
Hiện nay, việc xét nghiệm vi sinh tại các bệnh viện bắt đầu phát triển, các bác sĩ cũng đã được cảnh báo về căn bệnh Whitmore nên số lượng bệnh nhân nhiễm bệnh được chẩn đoán đúng bệnh tăng lên trong thời gian vừa qua.
Các chuyên gia cũng cho rằng, cần phải xác định được các ổ nhiễm trùng nguyên phát trên cơ thể bệnh nhân, xem đường vào của vi khuẩn từ đâu để có đánh giá bệnh kịp thời và có phương pháp điều trị hiệu quả tối ưu nhất. Đồng thời, cần phát triển các xét nghiệm test nhanh để có thể chẩn đoán sớm bệnh Whitmore. Bởi hiện nay, việc chẩn đoán bệnh Whitmore vẫn phải chờ xét nghiệm nuôi cấy vi khuẩn từ 5-7 ngày, thậm chí nhiều khi vi khuẩn không mọc thì không thể chẩn đoán ra đúng bệnh, dẫn tới điều trị sai.
Cũng theo TS. Trịnh Thành Trung, khi có dấu hiệu nhiễm khuẩn Whitmore, người bệnh nên đến những cơ sở y tế uy tín, có xét nghiệm vi sinh để chẩn đoán sớm bệnh. Khi chẩn đoán mắc bệnh Whitmore,người bệnh sẽ được điều trị với phác đồ kháng sinh đăc hiệu; thời gian kéo dài ít nhất 6 tháng và bệnh nhân phải tuân thủ đúng phác đồ điều trị để tránh tái phát lại gây nguy hiểm hơn rất nhiều.
Whitmore hay còn gọi là bệnh melioidosis là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây nên, khó chẩn đoán, dễ tử vong. Để phòng tránh vi khuẩn Whitmore, người dân cần có bảo hộ lao động như ủng, gang tay khi tiếp xúc đất, nước; nhất là những chỗ bị trầy xước.