Cần những cán bộ sân bay 'biết mỉm cười' đón khách du lịch
Vì sao du khách quốc tế vẫn chưa trở lại Việt Nam nhiều, trong khi các quốc gia lân cận đang chứng kiến sự phục hồi ngoạn mục, thậm chí vượt qua cả ngưỡng trước đại dịch và đang đặt ra những tham vọng cao hơn?
Năm 2023, ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón và phục vụ 8 triệu lượt khách quốc tế. Đây là con số khiêm tốn so với mức đã đạt được năm 2019 là 19 triệu lượt khách, nhưng lại là mục tiêu đầy thách thức do thị trường du lịch quốc tế có nhiều biến động sau đại dịch. Một số thị trường truyền thống như Liên bang Nga, Trung Quốc chưa thể mang lại lượng khách du lịch như từng có trước đại dịch, sự cạnh tranh của các điểm đến trong khu vực với nhiều cách làm sáng tạo cũng là một khó khăn để Việt Nam phải trở thành một lựa chọn tốt hơn hơn cho du khách quốc tế.
Làm cách nào để thu hút khách quốc tế, cũng như làm thế nào để khách quay trở lại là nội dung được các chuyên gia, cơ quan quản lý đưa ra tại Tọa đàm "Hiến kế hút khách quốc tế" do Báo Đầu tư tổ chức sáng 22/3.
Ông Lê Trọng Minh, Tổng biên tập Báo Đầu tư cho biết, tại nhiều quốc gia, du lịch đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chẳng hạn tại Thái Lan trước đại dịch, ngành du lịch đóng góp 3.000 tỷ bath cho nền kinh tế Thái Lan năm 2019, chiếm 18% GDP cả nước, riêng khách quốc tế đóng góp 2.000 tỷ bath tương đương với 12% GDP. Năm 2022, nước này đã công bố chiến lược mới về du lịch có tên gọi là SMILE (nụ cười) với mục tiêu đưa đóng góp của du lịch lên tới 30% GDP của Thái Lan vào năm 2030.
Ngay cả những quốc gia phát triển như Nhật Bản, du lịch luôn là lĩnh vực kinh tế được coi trọng với mức đóng góp trung bình 6-7% GDP. Quốc gia này cũng đặt những kế hoạch mới thu hút khách quốc tế sau đại dịch với mục tiêu phục hồi lượng khách quốc tế vượt mức kỷ lục 32 triệu lượt khách vào năm 2025, đồng thời triển khai chính sách thu hút khách du lịch tầng lớp thượng lưu, là khách có giá trị chuyến du lịch trên 1 triệu yên.
Mục tiêu thấp so với tiềm năng du lịch của Việt Nam
Với Việt Nam, thống kê cho thấy cũng trong năm 2019, du lịch tạo hơn 4,5 triệu việc làm trực tiếp và gián tiếp, đóng góp 9,2% GDP cả nước (tương đương với 32,8 tỷ USD). Đây là con số đầy ý nghĩa nhưng so với mặt bằng chung toàn cầu thì vẫn còn thấp, đặc biệt rất thấp so với tiềm năng du lịch của Việt Nam.
Việt Nam có một trong 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới mới (Vịnh Hạ Long); 3 di sản thiên nhiên thế giới (Vịnh Hạ Long, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, quần thể danh thắng Tràng An); 15 di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại; hơn 41.000 di tích, thắng cảnh, trong đó có hơn 4.000 di tích được xếp hạng cấp quốc gia; 33 vườn quốc gia; 117 bảo tàng; gần 8.000 lễ hội. Âm nhạc dân gian có truyền thống lâu đời và vô cùng đặc sắc. Ẩm thực đa dạng, độc đáo, hương vị phong phú tại tất cả các địa phương. Mặt bằng giá cả thấp hơn so với nhiều nước…
Nhưng vì sao du khách quốc tế vẫn chưa trở lại Việt Nam nhiều, trong khi các quốc gia lân cận đang chứng kiến sự phục hồi ngoạn mục, thậm chí vượt qua cả ngưỡng trước đại dịch và đang đặt ra những tham vọng cao hơn?
Khách nước ngoài chi tiêu gấp 11 lần khách trong nước
Thông tin tại buổi Tọa đàm, Tiến sĩ Nuno F. Ribeiro, Phó chủ nhiệm cấp cao bộ môn Quản trị du lịch và khách sạn, Đại học RMIT Việt Nam đánh giá, du lịch Việt Nam đã đạt được nhiều thành công khi bắt đầu đổi mới từ năm 1986 đến nay. Việt Nam thu hút khách du lịch quốc tế từ nhiều thị trường khác nhau. Mặc dù đi sau Thái Lan 30 năm về du lịch nhưng Việt Nam chỉ còn khoảng 2 triệu lượt khách quốc tế nữa có thể đuổi kịp Thái Lan, đây là con số đáng nể.
Đáng nói, trong 10 điểm đến hàng đầu của thế giới, Việt Nam thường xuyên có 5-6 điểm, khách du lịch từ các thị trường khác rất ưa chuộng Việt Nam.
Việt Nam cũng là một nước không phụ thuộc vào một thị trường du lịch nào, khách hoàn toàn có thể chỉ đến Việt Nam và không cần kết hợp đến các nước khác.
"Khách du lịch nước ngoài đang chi tiêu gấp 11 lần khách trong nước. Khách ở lại càng lâu chi tiêu càng nhiều. Khách du lịch ở Việt Nam một tuần thì tiêu gấp đôi những người lưu trú dưới 7 ngày nên kéo dài thời gian lưu trú đem lại hiệu quả cao, cải cách thủ tục hành chính, càng nhiều quốc gia được áp dụng visa điện tử càng tốt. Chúng ta muốn khách nước ngoài trở thành các đại sứ, truyền cảm hứng để du khách khác đến Việt Nam", Tiến sĩ Nuno F. Ribeiro nói.
Vì sao 'Việt Nam chỉ là điểm đến một lần trong đời'?
Tuy nhiên, theo thống kê từ Tiến sĩ Nuno, tỉ lệ khách quốc tế quay trở lại Việt Nam chỉ 8-10%, một con số rất nhỏ so với tiềm năng du lịch của Việt Nam. Do đó, cần có giải pháp để thu hút họ quay trở lại, thay đổi ý nghĩ Việt Nam chỉ là điểm đến một lần trong đời.
"Ngoài các chính sách về visa, cũng cần tới yếu tố truyền thông, đặc biệt cần truyền thông Việt Nam là điểm đến tươi đẹp, điểm đến có giá trị. Từng người Việt Nam, các youtuber, Tiktoker nên đóng góp vào vấn đề này, không nên truyền thông các điểm đến giá rẻ, giảm giá trị điểm đến", Tiến sĩ Nuno F. Ribeiro nêu đề xuất.
Ông Martin Koerner, Trưởng tiểu ban Du lịch, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) cũng cho rằng, trải nghiệm xuất nhập cảnh ngay ở các sân bay Việt Nam cũng là một trong những lý do khiến khách du lịch nước ngoài từ chối quay lại.
Theo ông Martin, có rất nhiều phản hồi của khách du lịch không chỉ về các hãng lữ hành mà còn về các hàng không, thời gian chờ đợi ở sân bay quá lâu. Có những người bay từ châu Âu, từ Mỹ mất cả chục tiếng đồng hồ, họ mệt lắm rồi mà khi tới cảng hàng không, họ phải trải qua quá trình nhập cảnh kéo dài 2-3 tiếng đồng hồ.
Dĩ nhiên điều này sẽ ảnh hưởng tới tỉ lệ khách du lịch quay trở lại. Nếu khách du lịch tới Việt Nam một lần và ngay tại điểm nhập cảnh đã mất nhiều thời gian như vậy thì trải nghiệm của họ ngay ở đó đã không được vui, không được đón chào. Về sau, khi chọn điểm đến du lịch, họ sẽ chọn nơi khác, có thể là Bali, Thái Lan, Philippines nhưng sẽ không quay lại Việt Nam nữa.
Cần những cán bộ sân bay 'biết mỉm cười'
Một điều nữa mà ông Martin nêu đó là: "Cần bồi dưỡng cho các cán bộ tại sân bay biết mỉm cười. Điều này có nghĩa rằng họ gửi tín hiệu hoan nghênh khách du lịch nước ngoài tới. Ngay từ điểm đầu và điểm cuối của trải nghiệm khách du lịch đến sẽ để lại ấn tượng rất mạnh, cho họ thấy rằng "Chúng tôi sẵn sàng chào đón quý vị".
Cũng liên quan đến câu chuyện mỉm cười, vị chuyên gia cho rằng việc nhân viên đeo khẩu trang không phải điều khách du lịch muốn thấy tại khách sạn. Bởi nhiều khi tín hiệu gửi cho khách du lịch được thể hiện qua nét mặt, khẩu trang cản trở điều này. Theo ông Martin, đã đến lúc bỏ lại khẩu trang - một phần của lịch sử ở đằng sau.
Trên thực tế, nụ cười cũng đã từng là chủ đề chính trong chiến dịch quảng bá du lịch của tỉnh Quảng Ninh từ năm 2014. Chương trình "Nụ cười Hạ Long" kêu gọi mỗi người dân Quảng Ninh nở nụ cười một cách chân thành nhất, nụ cười cởi mở, nụ cười thân thiện, nụ cười mến khách, nụ cười lịch thiệp, nụ cười rạng rỡ, nhằm xây dựng thương hiệu vững mạnh cho tỉnh Quảng Ninh về một mảnh đất mến khách, thân thiện và lịch thiệp.
Đến năm 2015, Quảng Ninh còn ban hành Bộ Quy tắc ứng xử Nụ cười Hạ Long. Với quyết định này, đây là địa phương thứ 2 trong cả nước (sau TP. Đà Nẵng) ban hành được một bộ quy tắc ứng xử, nhằm điều chỉnh các hành vi trong cán bộ, công chức, cộng đồng dân cư, du khách.
Hay nước láng giếng Thái Lan, nhờ sự thân thiện, nhiệt tình với du khách mà cũng được mệnh danh là "đất nước của những nụ cười".
Trước đó, tại Hội nghị Toàn quốc về du lịch, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng khẳng định việc phát triển du lịch của Việt Nam vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, cơ hội về thiên nhiên, con người, truyền thống văn hóa – lịch sử. Đồng thời, Thủ tướng cũng chỉ đạo nhiều giải pháp phát triển du lịch theo hướng an toàn, xanh, sạch, văn minh, hiện đại, hấp dẫn, đề cao văn hóa du lịch Việt Nam.
Ngoài các giải pháp có tính căn bản, dài hạn thì Thủ tướng đã yêu cầu thực hiện nhiều nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới như tiếp tục tăng cường đầu tư và huy động các nguồn lực cho phát triển du lịch; tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, các hộ kinh doanh du lịch tiếp cận các nguồn vốn, gói kích cầu; đẩy mạnh chuyển đổi số; hình thành và phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh ở Việt Nam; sửa đổi, hoàn thiện chính sách về thủ tục xuất nhập cảnh cho khách quốc tế theo hướng tăng số lượng nước được miễn thị thực và kéo dài thời hạn lưu trú phù hợp với lệ phí hợp lý, mở rộng visa điện tử; tăng cường hợp tác quốc tế, nhất là với các tập đoàn, tổng công ty du lịch lớn, đa quốc gia trong thúc đẩy kết nối, thu hút các thị trường khách lớn, tiềm năng theo nguyên tắc "Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ",…
Đây là các định hướng rất quan trọng và để triển khai hiệu quả cần được cụ thể hóa thành các chương trình hành động thực tế của các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp, từ đó mang lại tác động sớm.