Cần những 'công bộc' đúng nghĩa

Sinh thời, Bác Hồ từng nói: Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh vác việc chung cho dân chứ không phải để đè đầu dân như dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật.

Đơn cử như trường hợp cán bộ ở bộ phận tiếp công dân của một thành phố trong tỉnh đã có thái độ “hành” dân. Theo quy trình, khi đã tiến hành xác định nhân thân của công dân; tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân…, cán bộ phải hướng dẫn người dân thưc hiện đầy đủ các thủ tục, hồ sơ, giấy tờ theo quy định để phục vụ cho buổi tiếp công dân của lãnh đạo địa phương.

Quy định là vậy nhưng trong thực tế, cán bộ của bộ phận tiếp công dân ở địa phương này không hề hướng dẫn bà con. Ngay cả khi họ đã chuẩn bị đơn kiến nghị, ghi rõ nội dung cần phản ánh và tập hợp đầy đủ hồ sơ liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không đúng với thực trạng..., cán bộ vẫn tìm cách “né” hồ sơ của công dân. Thậm chí, cán bộ này còn luôn viện lý do đi họp, có công việc… làm kéo dài thời gian hoàn thành các thủ tục cần thiết để lãnh đạo địa phương tiếp công dân.

Khi công dân đang “tuyệt vọng” vì “khó” gặp được lãnh đạo địa phương thì may mắn đã đến. Vào Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc (đầu tháng 11 vừa qua) của xóm, lãnh đạo địa phương về chung vui cùng bà con. Bên mâm cơm, vừa trò chuyện cởi mở thân tình, vị lãnh đạo vừa được nghe câu chuyện về những sai sót trong quản lý đất đai ở địa phương qua lời trình bày của công dân nọ.

Một tuần sau, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của vị lãnh đạo, buổi tiếp công dân đã diễn ra có kết quả. Bằng những kết luận thấu tình, đạt lý của vị lãnh đạo, vụ việc này ngay sau đó được giải quyết nhanh chóng. Việc chỉnh lý hồ sơ, cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… cho công dân được các đơn vị chức năng giải quyết “bon bon”…

Thực tế cho thấy, nhiều vụ việc kéo dài, không được giải quyết triệt để là do lãnh đạo địa phương chưa được trực tiếp lắng nghe ý kiến, kiến nghị, nguyện vọng chính đáng của người dân. Do hai bên chưa gặp nhau nên chưa tìm được tiếng nói chung và người tạo ra khoảng cách này đôi khi lại chính là cán bộ cấp dưới.

Do đó, để không xảy ra tình trạng ách tắc công việc, kiện tụng kéo dài… ở đâu cũng rất cần có những công bộc đúng nghĩa. Khi cán bộ hết lòng vì việc chung thì mọi tồn đọng, sai sót… mới được giải quyết nhanh chóng, triệt để và người dân được hưởng lợi. Trách nhiệm của cán bộ cấp dưới tăng lên đồng nghĩa với việc giảm áp lực cho lãnh đạo cấp trên cũng như không làm mất thời gian đi lại, chờ đợi của công dân…

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/xa-hoi/202312/can-nhung-cong-boc-dung-nghia-5871d94/