Cần những giải pháp chống ngập tức thời

Cơn mưa lớn kéo dài gần hai giờ vào chiều tối 15/8 vừa qua đã khiến hàng loạt khu vực, tuyến đường ở Thành phố Hồ Chí Minh chìm sâu trong nước, giao thông hỗn loạn, người dân chật vật đi lại và đã làm bộc lộ rõ hơn sự bất cập trong thoát nước mặt, chống ngập ở thành phố hiện nay.

Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thành phố nhận định, đây là trận mưa lớn trên diện rộng và kéo dài với lượng mưa vượt thiết kế thoát nước của thành phố làm cho 47 tuyến đường bị ngập và đây cũng là số tuyến đường ngập nhiều nhất trong vài năm trở lại đây.

Hằng năm, các cơ quan quản lý của thành phố đều đánh giá hiệu quả chống ngập, đưa ra nguyên nhân và giải pháp nhằm xóa điểm ngập nặng; thi công nhiều công trình chống ngập, xây dựng kịch bản ứng phó biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Thực tế cho thấy, có điểm ngập được xóa nhưng cũng phát sinh điểm ngập mới; có nơi, người dân vẫn phải sống chung với ngập khi mưa lớn, triều cường.

Một số điểm ngập thường xuyên như tuyến đường Tô Ngọc Vân, đoạn gần chợ Thủ Ðức; khu vực đường Thảo Ðiền, phường Thảo Ðiền, thành phố Thủ Ðức; tuyến đường Ung Văn Khiêm, quận Bình Thạnh; tuyến đường Trần Xuân Soạn, quận 7. Trong số những điểm ngập này, có điểm có thể xóa bằng biện pháp công trình, phụ thuộc vào những dự án chống ngập mang tính lưu vực đang thi công nhưng phải chờ công trình hoàn thành, đưa vào vận hành. Có những điểm ngập có thể thực hiện thay thế, nâng cấp đồng bộ hệ thống thoát nước cũng như hạ tầng giao thông để giải quyết chống ngập.

Ngoài các dự án chống ngập quy mô lớn đang triển khai, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị thành phố cho biết, năm 2022, thành phố sẽ tập trung thực hiện và dự kiến hoàn thành 19 dự án chống ngập. Trong số này có 12 dự án chuẩn bị đầu tư với tổng số vốn hơn 70 tỷ đồng. Theo Sở Xây dựng thành phố, một số giải pháp phi công trình cũng sẽ được thực hiện thường xuyên như duy tu, sửa chữa các vị trí cống xuống cấp, nạo vét lòng cống, miệng thu, kênh rạch, cửa xả để tăng khả năng thoát nước.

Theo các chuyên gia đô thị, trong khi chờ các dự án chống ngập quy mô lớn đưa vào hoạt động, thành phố cần bắt tay làm ngay các hồ điều tiết thu nước mưa vì đây là giải pháp công trình không quá tốn kém kinh phí, chỉ cần tận dụng các công viên, khu vực quy hoạch công trình công cộng là có thể có những hồ thu lượng nước mưa lên đến hàng triệu mét khối. Với những bãi giữ xe, nếu không cần thiết thì không nên bê-tông hóa để có nơi thoát nước, thẩm thấu nước mưa nhanh hơn.

Các đơn vị quản lý chống ngập cần tổ chức kiểm tra, rà soát vận hành các van ngăn triều, vận hành tất cả trạm bơm cố định để thoát nước; phối hợp các đơn vị liên quan triển khai đấu nối cống, mở hướng thoát nước mới, lắp đặt van ngăn triều, vận hành các trạm bơm hỗ trợ thoát nước. Ðồng thời, lực lượng chức năng tổ chức trực mưa, vớt rác miệng thu thời điểm trước, trong và sau cơn mưa…

Cũng theo ý kiến của các chuyên gia, để giải quyết tình trạng ngập nặng ở khu vực thành phố Thủ Ðức, đơn vị quản lý chống ngập cần chia nhỏ hạng mục thi công, cải tạo hệ thống thoát nước theo lưu vực, không chờ nguồn kinh phí có đủ mới thực hiện toàn diện. Có như vậy mới có thể xóa các điểm ngập nặng, khoanh vùng khu vực chống ngập.

Ðặc biệt, thành phố cần dồn sức tháo gỡ vướng mắc về thủ tục pháp lý, đẩy nhanh tiến độ thi công để một số dự án chống ngập gián đoạn nhiều năm liền, trong đó có dự án chống ngập do triều cường trị giá 10 nghìn tỷ đồng, sớm về đích, góp phần nâng cao khả năng chống ngập úng cho lưu vực và cũng là giải pháp hữu hiệu mà thành phố hoàn toàn có thể thực hiện được…

QUÝ HIỀN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/can-nhung-giai-phap-chong-ngap-tuc-thoi-post711659.html