Cần những giải pháp mạnh để giảm nhiệt 'sức nóng' tỷ giá

Để kiểm soát tỷ giá, chuyên gia cho rằng cơ quan quản lý cần hút thanh khoản, bằng tín phiếu và các nghiệp vụ khác để nâng lãi suất liên ngân hàng, bán dự trữ ngoại hối...

Tỷ giá tăng mạnh những ngày qua. (Ảnh: Vietnam+)

Tỷ giá tăng mạnh những ngày qua. (Ảnh: Vietnam+)

Những tháng đầu năm 2024, tỷ giá USD/VND trong nước liên tục tăng nóng. Có thời điểm như giai đoạn giữa tháng 4/2024, giá USD tại các ngân hàng từng tăng hết biên độ được phép, bất chấp việc Ngân hàng Nhà nước liên tục nâng tỷ giá trung tâm (kéo trần tỷ giá tăng theo).

Tại sao tỷ giá tăng mạnh?

Ngày 7/5, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm là 24.243 VND/USD. Tỷ giá bán tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước ở mức 23.400-25.450 đồng/USD.

Giá mua USD tại các ngân hàng hiện nằm trong khoảng 25.110-25.175 đồng/USD, còn giá bán ra hiện chủ yếu chạm ngưỡng 25.455 đồng/USD. Tỷ giá tại các ngân hàng thương mại giao dịch từ 25.125-25.455 đồng (mua vào-bán ra). Với mức giá này, tỷ giá đã tăng khoảng 4,5% so với hồi đầu năm, đây cũng là mức cao và gần đến biên độ cho phép (5%).

Về lý do chính của tỷ giá tăng trong thời gian vừa qua, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, thứ nhất là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chưa đưa ra được thời điểm cụ thể nới lỏng chính sách tiền tệ hoặc hạ lãi suất. Chính vì thế giá trị đồng USD trong những ngày vừa qua tăng rất cao. Đồng USD tăng giá sẽ tác động đến giảm giá của các nước khác trên thế giới và trong khu vực. Chính vì thế có tác động đến đồng tiền của Việt Nam trong quan hệ tỷ giá với đồng USD.

Thứ hai là chính sách hạ lãi suất của Việt Nam có thể nói là rất mạnh trong thời gian vừa qua. Vì thế đã và đang tạo ra sự chênh lệch lãi suất giữa đồng Việt Nam và USD trên thị trường liên ngân hàng, tiếp tục duy trì âm nghĩa là lãi suất Việt Nam thấp hơn so với lãi suất đồng USD trên thị trường liên ngân hàng. Chính điều đó cũng là một trong áp lực làm đồng USD nóng lên.

Thứ ba, trong 4 tháng đầu năm cũng có tín hiệu tích cực đó là nhập khẩu tương đối tích cực, vì thế nhu cầu ngoại tệ cho việc nhập khẩu cũng nhiều hơn giai đoạn trước đây. Ngoài ra cũng có một số chính sách khác có thể tác động lên chính sách tỷ giá.

Tỷ giá tăng dẫn tới các doanh nghiệp nhập khẩu lo ngại, mức biến động tỷ giá cao có thể đẩy họ vào tình cảnh thua lỗ. Để duy trì được lợi nhuận, các doanh nghiệp lên kế hoạch tăng giá bán nhưng lại lo ngại đối mặt với đơn hàng sụt giảm.

Xung quanh diễn biến nóng của tỷ giá USD/VND, tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế chia sẻ góc nhìn về sự tương quan chặt chẽ giữa diễn biến giá vàng và tỷ giá. Theo đó, xung đột địa chính trị tại một số khu vực khiến vàng trở thành “nơi trú ẩn” của dòng tiền đầu tư, dẫn đến giá vàng thế giới liên tục lập đỉnh.

Tại Việt Nam, giá vàng chịu tác động bởi nhiều yếu tố như tỷ giá, lạm phát, kinh tế vĩ mô và cán cân cung-cầu. Dù biến động mạnh song giá vàng theo xu hướng đi lên. Ngay đầu tuần này giá vàng SJC liên tục thiết lập đỉnh mới 86,5 triệu đồng/lượng (6/5) và ngày 7/5 đã tăng lên 87,5 triệu đồng, cao nhất từ trước đến nay, cao hơn giá vàng thế giới khoảng 16 triệu đồng/lượng.

“Giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch lớn, việc này vô tình khuyến khích hoạt động buôn lậu vàng. Giới buôn lậu dùng một lượng ngoại tệ lớn để mua vàng ở nước ngoài và tuồn vào Việt Nam, làm tăng nhu cầu ngoại hối trên thị trường tự do và đẩy tỷ giá tăng. Đó là điều bất lợi cho nền kinh tế nói chung, thị trường ngoại hối và thị trường vàng nói riêng,” ông Hiếu phân tích.

 Tỷ giá tăng đã ảnh hưởng mạnh tới các doanh nghiêp. (Ảnh: Vietnam+)

Tỷ giá tăng đã ảnh hưởng mạnh tới các doanh nghiêp. (Ảnh: Vietnam+)

Tỷ giá tăng đã ảnh hưởng mạnh tới các doanh nghiêp nhập khẩu. Tại Đại hội đồng cổ đông của Tổng công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), các cổ đông băn khoăn về doanh thu và lợi nhuận năm 2024, ông Koh Poh Tiong, Chủ tịch Hội đồng quản trị Sabeco cho biết một trong những yếu tố ảnh hưởng đến biên lợi nhuận là do công ty đang sử dụng nguyên liệu đã mua từ trước với giá cao. Kết hợp với yếu tố này, một số nguyên liệu nhập khẩu phải thanh toán bằng USD, do đó yếu tố tỷ giá ngoại tệ cũng sẽ ảnh hưởng đến tỷ suất lợi nhuận.

Để hạn chế thiệt hại từ tỷ giá, một số doanh nghiệp đang cố gắng đẩy mạnh tìm kiếm nguồn nguyên liệu nội địa để thay thế nhập khẩu, tăng xuất khẩu đi các thị trường thanh toán bằng USD.

Tránh làm tăng lạm phát

Ông Nguyễn Đức Hùng Linh, chuyên gia kinh tế-tài chính của Think Future Consultancy cho rằng khác với năm 2022 và 2023, năm nay sóng tỷ giá "nóng" lên ngay từ đầu năm.

Vì vậy, từ ngày 11/3, Ngân hàng Nhà nước bắt đầu phát hành tín phiếu để hút thanh khoản nhằm ổn định đồng VND nhưng tỷ giá vẫn tăng tiếp 2,7%.

Vào ngày 19/4, sáu tuần sau khi phát hành tín phiếu, Ngân hàng Nhà nước tiến thêm một bước bằng cách thông báo bán dự trữ ngoại hối và thực tế đã bán trong tuần cuối tháng Tư. Nhờ có thêm bước này, đà tăng của tỷ giá đã được "ghìm cương" trước kỳ nghỉ lễ.

Các nghiên cứu thực tế tại Việt Nam đã chỉ ra ảnh hưởng tương đối lớn của tỷ giá USD/VND đến lạm phát. Một kết quả tương đối thận trọng chỉ ra rằng, cứ 1% mất giá đồng VND thì lạm phát sẽ tăng 0,34%. Như vậy, nếu theo nghiên cứu này thì với mức mất giá 4,5% kể từ đầu năm 2024, lạm phát sẽ tăng thêm 1,5%. Đây là chưa tính tới việc tăng giá tự nhiên như giá xăng trong nước tăng theo giá dầu thế giới.

 Các chuyên gia cho rằng, tỷ giá tăng cao thể thể làm tăng lạm phát. (Ảnh: Vietnam+)

Các chuyên gia cho rằng, tỷ giá tăng cao thể thể làm tăng lạm phát. (Ảnh: Vietnam+)

“Từ những phân tích ở trên, chúng ta có thể thấy rằng việc mất giá đồng VND có tác động không lớn đến xuất khẩu, trong khi lại có rủi ro làm tăng lạm phát. Vì vậy, kiểm soát mức độ mất giá đồng VND trong năm 2024 vẫn cần phải là một ưu tiên để ổn định vĩ mô,” ông Linh nhấn mạnh.

Công ty cổ phần WiGroup vừa đưa ra báo cáo vĩ mô tiền tệ cho biết Ngân hàng Nhà nước đã bán khoảng 500-700 triệu USD nhằm hạ nhiệt tỷ giá.

Chuyên gia của WiGroup cũng cho rằng dự kiến tỷ giá sẽ hạ nhiệt trong quý 2/2024. Nguyên nhân giúp giảm áp lực tỷ giá là do Fed chưa xác định thời điểm cắt lãi suất lần đầu tiên trong năm 2024 nhưng đã giảm nhịp độ thắt chặt định lượng (được xem là động thái nới lỏng nhẹ).

Cùng với đó, nguồn thu ngoại tệ từ FDI dự kiến sẽ tăng cao đồng thời Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến sửa đổi Thông tư 02/2021/TT-NHNN, hướng tới tỷ giá VND-USD trong giao dịch kỳ hạn…

Về lãi suất, trong tháng Tư và đầu tháng Năm, lãi suất huy động tại các ngân hàng có xu hướng tăng nhẹ 0,5% so với tháng trước đó (đối với lãi suất kỳ hạn 12 tháng) nhằm hút một phần tiền nhàn rỗi trong dân.

Để kiểm soát tỷ giá, ông Nguyễn Hùng Linh cho rằng cơ quan quản lý cần thực hiện hút thanh khoản, bằng tín phiếu và các nghiệp vụ khác để nâng lãi suất liên ngân hàng; bán dự trữ ngoại hối, có thể ít, có thể nhiều để thăm dò và ổn định thị trường (hiện tại đã và đang thực hiện); tăng lãi suất điều hành trong trường hợp 2 bước trên chưa đủ để hạ nhiệt tỷ giá.

Trên thực tế, tỷ giá đã hạ nhiệt hơn so với mức đỉnh ngày 23/4 nhưng vẫn ở mức cao, các chuyên gia dự báo tỷ giá USD/VND cập nhật sẽ là 25.600 đồng trong quý 2 và hạ nhiệt dần vào 24.800 đồng ở cuối năm nay./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/can-nhung-giai-phap-manh-de-giam-nhiet-suc-nong-ty-gia-post945066.vnp