Cần những giải pháp quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa
Thảo luận tại Tổ 2 về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, sáng nay, 23.5, các đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh đề nghị cần có những giải pháp quyết liệt hơn để giải quyết dứt điểm những vấn đề tồn tại.
Theo báo cáo của Chính phủ, tốc độ tăng GDP đạt 5,05% (đã báo cáo đạt trên 5%), tuy thấp hơn mục tiêu đề ra nhưng là mức cao trên thế giới và khu vực. Đặc biệt, lần đầu tiên quy mô nền kinh tế của chúng ta đạt 430 tỷ USD, bước vào nhóm các nước trung bình cao.
Nhận định kết quả này là rất đáng trân trọng, ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân cũng lưu ý, thu ngân sách năm 2023 đạt thấp hơn so với năm 2022. Cụ thể, tổng thu ngân sách nhà nước năm 2023 đạt 1.752,5 nghìn tỷ đồng, thấp hơn 1,7% so với tổng thu ngân sách nhà nước năm 2022 đạt 1.784,8 nghìn tỷ đồng.
"Cần phân tích sâu hơn nguyên nhân của việc thu ngân sách bị giảm so với năm trước; đồng thời, đánh giá các yếu tố tác động tới việc thu ngân sách bị giảm như: việc áp dụng các chính sách miễn, giảm thuế, phí; việc triển khai các biện pháp khắc phục thất thu ngân sách, việc khai thác các khoản thu khác…", đại biểu Nguyễn Thiện Nhân đề nghị.
Báo cáo của Chính phủ cũng cho biết, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (86,4 nghìn doanh nghiệp) cao hơn số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường (81,3 nghìn doanh nghiệp).
Thị trường tài chính, tiền tệ còn tiềm ẩn rủi ro, thách thức, tỷ lệ nợ xấu có xu hướng gia tăng. Tăng trưởng tín dụng thấp trong bối cảnh mặt bằng lãi suất đã giảm cho thấy khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp còn hạn chế; tín dụng xanh cho phát triển bền vững còn gặp nhiều thách thức.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn chưa thể phục hồi hoàn toàn khi các nhà đầu tư chưa có đủ niềm tin, gia tăng áp lực trả nợ các trái phiếu đến hạn của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm bất động sản, càng gây khó khăn đến hoạt động kinh doanh...
Mặc dù Nhà nước đã có nhiều chính sách nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho phục hồi sản xuất kinh doanh nhưng ĐBQH Trần Anh Tuấn cho rằng, kết quả còn chưa thực sự khả quan.
Trong đó, theo đại biểu, dù thủ tục đầu tư đã được cắt giảm phần nào nhưng vẫn chưa đủ đơn giản hóa để tạo điều kiện thuận lợi cho triển khai thực hiện các dự án đầu tư. Ví dụ, cùng một dự án đầu tư nếu sử dụng nguồn vốn sự nghiệp thì dự án “chạy” nhanh hơn so với việc sử dụng vốn đầu tư công. "Điều đó cho thấy, cơ chế của chúng ta chưa đồng bộ, làm cho thủ tục đầu tư chậm, dẫn tới tình trạng làm chậm giải ngân vốn đầu tư công".
Cho rằng, đã là vốn từ ngân sách thì dù dùng nguồn nào thủ tục cũng phải như nhau, đại biểu Trần Anh Tuấn đề nghị, cần nghiên cứu nhằm tiếp tục đơn giản hóa thủ tục đầu tư cũng như cơ chế giao vốn trung hạn hàng năm nhằm bảo đảm hoạt động đầu tư hiệu quả.
Cùng với đó, cần tập trung vào các công trình trọng điểm quốc gia, đặc biệt với các dự án, công trình thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia, bởi hiện nay nhiều dự án y tế, giáo dục, giao thông thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia còn giải ngân chậm, làm ảnh hưởng tới hiệu quả và ý nghĩa của chương trình.
Quan tâm đến lĩnh vực y tế, ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan nêu thực tế, tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế mới cơ bản được khắc phục; chế độ đãi ngộ dành cho cán bộ, nhân viên y tế vẫn chưa có chuyển biến; ngành y tế vẫn gặp khó khăn trong hoạt động đấu thầu, mua sắm tập trung; tình trạng thiếu vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng… Qua đó, đại biểu đề nghị, cần nhìn lại, đánh giá các chính sách trong từng giai đoạn để xác định những chính sách nào cần ưu tiên thực hiện.