Cần nỗ lực gấp đôi để loại trừ các chất HCFC, bảo vệ tầng ozon
Ngày 16/9, ở Hà Nội diễn ra Lễ kỉ niệm ngày Quốc tế Bảo vệ tầng ozon, khởi động dự án kế hoạch quản lý loại trừ các chất HCFC của Việt Nam giai đoạn II.
Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozon (thuộc Công ước Vienna về bảo vệ tầng ozon) được ký kết năm 1987 tại Montreal, Canada, được đánh giá là một trong những hiệp ước quốc tế về môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu thành công nhất trong lịch sử.
Tháng 12 năm 1994, Phiên họp Đại hội đồng Liên Hợp quốc đã ra Nghị quyết số 49/114 lấy ngày 16 tháng 9 là Ngày quốc tế Bảo vệ tầng ozon. Hằng năm, tất cả các nước thành viên tham gia Nghị định thư Montreal đều tổ chức các hoạt động kỷ niệm trọng thể này.
Kể từ đó đến nay, Ngày quốc tế về Bảo vệ tầng ozon là dịp để các quốc gia trên thế giới tăng cường nhận thức và có những hành động thiết thực bảo vệ tầng ozon, giữ gìn môi trường sống của nhân loại vì sự phát triển bền vững.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết, mục tiêu của sự kiện này nhằm tăng cường sự hiểu biết về Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozon; nâng cao nhận thức và truyền tải các thông điệp về bảo vệ tầng ozon tới các ngành, các cấp, cộng đồng và toàn xã hội.
“Trong nhiều năm qua, cộng đồng quốc tế đã chung tay nỗ lực bảo vệ tầng ozon, kiểm soát và loại bỏ các chất làm suy giảm tầng ozon, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu. Sau 32 năm thực hiện Nghị định thư Montreal đã loại bỏ 99% các chất làm suy giảm tầng ozon có trong tủ lạnh, điều hòa và nhiều sản phẩm khác”, Thứ trưởng Lê Công Thành nói.
Theo báo cáo đánh giá gần đây (năm 2018), cứ mỗi thập kỷ trôi qua tính từ năm 2000, tỷ lệ phục hồi của tầng ozon là 1-3%. Với tỷ lệ phục hồi như vậy, tầng ozon ở Bắc Bán Cầu sẽ được phục hồi hoàn toàn vào năm 2030; đến năm 2050 tầng ozon tại Nam Bán cầu và đến năm 2060 tại những vùng cực Nam bán cầu sẽ được khôi phục hoàn toàn. Những nỗ lực bảo vệ tầng ozon đã đóng góp cho công cuộc ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua ngăn ngừa phát thải khoảng 135 tỷ tấn CO2 tương đương từ năm 1990 đến năm 2010.
Bà Caitlin Wiesen, Quyền Điều phối viên Thường trú Liên hợp quốc, Trưởng Đại diện UNDP Việt Nam cho biết, Việt Nam là một trong những nước sớm gia nhập Công ước Vienna về bảo vệ tầng ozon và Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozon kể từ tháng 1 năm 1994, cam kết tuân thủ các quy định của Công ước Vienna và Nghị định thư Montreal. Là thành viên tham gia Nghị định thư Montreal, Việt Nam có nghĩa vụ kiểm soát và loại trừ các chất làm suy giảm tầng ozon theo lộ trình thực hiện Nghị định thư Montreal. Các chất làm suy giảm tầng ozon bị kiểm soát, loại trừ theo quy định của Nghị định thư Montreal bao gồm: CFC, Halon, CTC, HCFC và Methyl Bromide; các chất này được sử dụng trong lĩnh vực sản xuất điều hòa không khí, thiết bị làm lạnh, sản xuất xốp, dập cháy và kiểm dịch cho hàng xuất khẩu.
“Chúng ta đang gặp phải những thách thức chính như HCFC đang tăng nhanh chóng, vì vậy cần hợp tác giữa các chính phủ, các bộ ban ngành, người dân, khối tư nhân,... nỗ lực gấp đôi để bảo vệ hành tinh của chúng ta”, bà Caitlin Wiesen nhấn mạnh.
Bà Stefanie Stallmeister, Giám đốc Điều hành hoạt động Dự án tại Việt Nam, Ngân hàng Thế giới cho biết, trong 25 năm qua, Việt Nam đã chủ động và tích cực tham gia thực hiện Công ước Vienna và Nghị định thư Montreal, bảo vệ tầng ozon và đạt được nhiều kết quả được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Thực hiện đúng lộ trình của Nghị định thư Montreal, Việt Nam đã loại trừ hoàn toàn tiêu thụ các chất CFC, Halon và CTC từ ngày 01 tháng 01 năm 2010; loại trừ hoàn toàn tiêu thụ HCFC-141b nguyên chất được sử dụng trong sản xuất xốp và cấm sử dụng Methyl Bromide cho các ứng dụng ngoài mục đích kiểm dịch hàng xuất khẩu từ ngày 01 tháng 01 năm 2015, qua đó đáp ứng nghĩa vụ loại trừ 10% mức tiêu thụ cơ sở các chất HCFC.
“Đây là những thành tựu và kết quả to lớn để chúng ta đáng tự hào. Tôi đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong việc thay đổi công nghệ và phương thức sản xuất để bảo vệ môi trường nói chung và bảo vệ tầng ozon nói riêng”, bà Stefanie Stallmeister.
Phát biểu tại buổi Lễ, ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu cho biết, hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang triển khai Dự án Kế hoạch quản lý loại trừ các chất HCFC giai đoạn II (2018-2023) nhằm loại trừ 35% mức tiêu thụ cơ sở các chất HCFC. Dự án được triển khai thực hiện dự kiến sẽ hỗ trợ hơn 80 doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ nhằm đạt mục tiêu loại trừ tiêu thụ 1.000 tấn HCFC-22 và loại trừ hoàn toàn HCFC-141b trộn sẵn trong polyol trong sản xuất xốp cách nhiệt; tăng cường năng lực cho các cơ quan quản lý nhà nước về quản lý, loại trừ các chất HCFC; nâng cao nhận thức của các ngành, người dân và các bên liên quan về loại trừ các chất HCFC ở Việt Nam. Hiệp định tài trợ giữa Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới được chính thức ký kết ngày 07 tháng 3 năm 2019.
“Bên cạnh những nỗ lực loại trừ thành công các chất làm suy giảm tầng ozon, chúng ta vẫn phải đối mặt với thách thức mới gắn liền với xu hướng gia tăng sử dụng các chất có tiềm năng làm nóng lên toàn cầu cao - các chất hydro-fluoro-carbon (HFC), là những chất được sử dụng để thay thế cho các chất làm suy giảm tầng ozon trong lĩnh vực sản xuất thiết bị lạnh, điều hòa không khí ô tô, dập cháy”, ông Cường cho hay.
Theo ông Cường, tại Khóa họp lần thứ 28 của các bên tham gia Nghị định thư Montreal vào tháng 10 năm 2016 diễn ra tại Kigali, Cộng hòa Rwanda, các nước đã thông qua Bản sửa đổi, bổ sung Kigali để kiểm soát và loại trừ các chất HFC có xu hướng làm gia tăng sự nóng lên của khí hậu lên đến 0,4oC của nhiệt độ Trái đất vào cuối thế kỷ. Bản sửa đổi, bổ sung Kigali chính thức có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2019. Theo lộ trình đã được thông qua, các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, sẽ ngưng tiêu thụ các chất HFC từ năm 2024 ở mức cơ sở và loại trừ dần các chất HFC, đến năm 2045 lượng tiêu thụ các chất HFC sẽ giảm 80% so với lượng tiêu thụ cơ sở.
“Trong điều kiện của một nước đang phát triển và chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu, Việt Nam đã và đang thể hiện nỗ lực cao của quốc gia trong các hoạt động bảo vệ tầng ozon và góp phần giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu nhằm thực hiện mục tiêu của Nghị định thư Montreal và Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu. Ngày 04 tháng 9 năm 2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 64/NQ-CP chính thức phê duyệt Bản sửa đổi, bổ sung Kigali thuộc Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozon. Việc phê duyệt Bản sửa đổi, bổ sung Kigali thể hiện trách nhiệm của Việt Nam là thành viên tham gia Nghị định thư Montreal, tích cực chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, sẵn sàng tăng cường hợp tác với các nước, cộng đồng quốc tế trong việc kiểm soát và loại trừ các chất HFC. Triển khai thực hiện Bản sửa đổi, bổ sung Kigali loại trừ các chất HFC ở Việt Nam sẽ giúp loại trừ hàng triệu tấn CO2 tương đương, góp phần cùng cộng đồng quốc tế bảo vệ hệ thống khí hậu Trái đất, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính”, ông Cường cho biết thêm.
Trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm Ngày quốc tế bảo vệ tầng ozon năm 2019, với chủ đề của Ban Thư ký Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn “32 năm nối tiếp hành trình bảo vệ tầng ozon”, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội thảo khởi động Dự án Kế hoạch quản lý loại trừ các chất HCFC của Việt Nam giai đoạn II (HPMP II).
Đây là dịp để các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức quốc tế, hội nghề nghiệp, các doanh nghiệp và các bên liên quan trao đổi, thảo luận, có những ý kiến đóng góp, đề xuất sáng kiến cho công tác bảo vệ tầng ozon ở Việt Nam nói chung và loại trừ các chất HCFC, HFC ở Việt Nam nói riêng theo đúng lộ trình thực hiện Công ước Vienna và Nghị định thư Montreal.
Hydrochlorofluorocarbons (HCFC), là một nhóm các hợp chất nhân tạo có chứa hydro, clo, flo và carbon. Chúng không được tìm thấy ở bất cứ đâu trong tự nhiên. Việc sản xuất HCFC bắt đầu sau khi các quốc gia đồng ý loại bỏ việc sử dụng CFC vào những năm 1980 vì được phát hiện là phá hủy tầng ozone. Giống như CFC, HCFC được sử dụng để làm lạnh, nhiên liệu khí dung, sản xuất bọt nhựa và điều hòa không khí. Tuy nhiên, không giống như các CFC, hầu hết các HCFC bị phá vỡ ở phần thấp nhất của khí quyển và gây ra rủi ro nhỏ hơn nhiều cho tầng ozone. Các hợp chất HCFC phản ứng khác với CFC vì HCFC chứa một nguyên tử hydro, khiến các hóa chất này bị phân hủy quang hóa ở tầng đối lưu trước khi chúng đến được tầng bình lưu. HFC không chứa clo và do đó không tấn công tầng ozone . HCFC và HFC tồn tại trong khí quyển từ 2 đến 40 năm, so với khoảng hơn 100 năm (thậm chí 150 năm) đối với CFC. Thật không may, HCFC cũng là những khí gây hiệu ứng nhà kính rất mạnh, cho dù nồng độ chúng trong khí quyển rất thấp, được đo bằng phần nghìn tỷ (triệu triệu). Về nghiên cứu tác động của HCFC đối với sức khỏe con người cho thấy cần phải phát triển các lựa chọn thay thế đối với HCFC. Trong các thử nghiệm trong phòng thí nghiệm, người ta cho chuột đực tiếp xúc với 5.000 phần triệu (ppm) HCFC trong khoảng thời gian hai năm (tương đương với những gì con người làm việc với hợp chất này có thể trải qua trong 30 – 40 năm) và đã phát hiện khối u ở tuyến tụy và tinh hoàn chúng. Các khối u là lành tính và không gây tử vong cho những con chuột được thử nghiệm. Tuy nhiên, nghiên cứu này đã dẫn đến mức độ phơi nhiễm nghề nghiệp. Trong tám giờ làm việc, lượng HCFC tiếp xúc với con người phải giảm từ mức hiện này là 100 ppm xuống 10 ppm.