Cần phải 'học thật, thi thật, nhân tài thật'
Thủ tướng nhấn mạnh, ngành Giáo dục phải lấy học sinh làm trung tâm, chú trọng phát triển nhân cách, đạo đức, tính sáng tạo của học sinh. Phải lấy nhà trường làm nền tảng, lấy thầy, cô giáo làm động lực để thành công. Trong quá trình đó, cần phải 'học thật, thi thật, nhân tài thật'.
Hôm qua (14/11), hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và với tình cảm cá nhân của một người đã từng là phụ huynh học sinh, từng là học trò, người đứng trên bục giảng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gửi lời cảm ơn chân thành, sâu sắc nhất tới các thế hệ thầy cô giáo trên cả nước. Đặc biệt, cảm ơn về những chia sẻ, tâm tư chân thành và sâu sắc tự đáy lòng của các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tại buổi gặp mặt.
Nhắc lại khát vọng, tầm nhìn sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Đảng và Nhà nước ta luôn coi giáo dục là quốc sách hàng đầu.
Nhà nước đã dành nhiều nguồn lực ưu tiên đầu tư cho phát triển sự nghiệp giáo dục. Các chính sách tập trung đổi mới toàn diện giáo dục, trong đó chú trọng quan tâm, chăm lo phát triển đội ngũ nhà giáo, nhất là các thầy cô giáo ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
“Mặc dù còn đối mặt với nhiều khó khăn nhưng ngành GD&ĐT đã đóng góp to lớn trong việc bồi dưỡng nhân cách, đạo đức cho thế hệ trẻ, giúp phát triển con người, nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, đóng góp chung vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Thành tựu đó có sự đóng góp rất lớn của đội ngũ các thầy cô giáo”, Thủ tướng ghi nhận.
Chia sẻ với những vất vả của đội ngũ nhà giáo trên cả nước, Thủ tướng cũng biểu dương các thầy cô đã khắc phục khó khăn, thách thức để việc học tập của học sinh không bị gián đoạn - ngay cả khi dịch bệnh ở thời điểm căng thẳng nhất. Các thầy cô giáo và ngành Giáo dục đã biến nguy cơ, thách thức thành cơ hội và động lực để đổi mới giáo dục.
Hiện nay, nước ta đang triển khai quyết liệt các giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. Vì vậy, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, ngành Giáo dục phải lấy học sinh làm trung tâm, chú trọng phát triển nhân cách, đạo đức, tính sáng tạo của học sinh. Phải lấy nhà trường làm nền tảng, lấy thầy cô giáo làm động lực để thành công. Trong quá trình đó, cần phải “học thật, thi thật, nhân tài thật”…
Thủ tướng kêu gọi các cấp, các ngành, mọi người, mọi nhà, mọi bậc cha mẹ cùng chung tay sát cánh với ngành GD&ĐT, với các thầy cô giáo trong sự nghiệp “trồng người”. Việc giáo dục con người không phải là việc riêng của ngành GD&ĐT, của các thầy cô giáo. Mỗi người trong chúng ta hãy luôn là một người học trò để học tập không ngừng và cũng luôn là một nhà giáo để nhiệt tình tham gia vào công việc vẻ vang, cao quý này.
Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/can-phai-hoc-that-thi-that-nhan-tai-that-post421793.html