Cần phân cấp nhiều hơn cho Thanh tra cấp huyện

Sáng 7-9, tiếp tục chương trình hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận một số dự án luật, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, hội nghị tiến hành thảo luận về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) và dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo.

Lưu ý đặc điểm của từng địa phương khi thành lập Thanh tra sở

Báo cáo một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), tiếp thu ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đề nghị giữ Thanh tra cấp huyện trong hệ thống tổ chức cơ quan thanh tra theo cấp hành chính như hiện hành; đề nghị cho giữ quy định về việc thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ trong dự thảo Luật như Chính phủ đã trình và ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội; chỉnh lý, bổ sung các quy định nhằm bảo đảm thống nhất với quy định của Luật Kiểm toán nhà nước, khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, giữa hoạt động thanh tra với kiểm tra, kiểm toán…

Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự thảo luật cũng chỉnh lý theo hướng “Thanh tra sở được thành lập tại một số sở có phạm vi quản lý rộng và yêu cầu quản lý chuyên ngành phức tạp theo quy định của Chính phủ hoặc của luật. Việc thành lập thanh tra tại các sở khác do UBND cấp tỉnh quyết định căn cứ vào yêu cầu quản lý và biên chế được giao tại địa phương”.

Thảo luận về Thanh tra cấp huyện, đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Đoàn Hưng Yên) nhận định, Thanh tra cấp huyện có quá trình hình thành và phát triển lâu dài, đồng thời bảo đảm đúng nguyên tắc “ở đâu có quản lý, ở đó có thanh tra”. Trong thực tiễn việc xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo có tính chất phức tạp ngay từ cơ sở là cần thiết, Thanh tra cấp huyện bảo đảm việc giải quyết đơn thư kịp thời, tránh gây áp lực cho Thanh tra cấp tỉnh.

Quang cảnh phiên thảo luận sáng 7-9.

Quang cảnh phiên thảo luận sáng 7-9.

Bên cạnh đó, đại biểu Trần Đình Gia (Đoàn Hà Tĩnh) cho rằng, cần phân cấp nhiều hơn cho cơ quan Thanh tra cấp huyện; sau khi luật có hiệu lực cần sớm hướng dẫn để tổ chức bộ máy và điều kiện bảo đảm để thanh tra cấp huyện thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình.

Đối với quy định về Thanh tra sở, đại biểu Trần Nhật Minh (Đoàn Nghệ An) nêu quan điểm, dự thảo luật cần quy định rõ nguyên tắc UBND cấp tỉnh quyết định thành lập Thanh tra sở, trong đó việc thành lập Thanh tra sở tại một số sở có phạm vi rộng, yêu cầu quản lý chuyên ngành phức tạp cũng do UBND tỉnh quyết định thành lập nhằm bảo đảm tính thống nhất, bình đẳng giữa các tổ chức này.

“Để đảm bảo tính khả thi, đề nghị dự án Luật cần quy định nguyên tắc các sở được tổ chức thanh tra cần tính đến đặc điểm của từng địa phương để bảo đảm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, không nên đánh đồng các địa phương với nhau khi có sự khác biệt về quy mô dân số, diện tích”, đại biểu Trần Nhật Minh nhấn mạnh.

Để bảo đảm hoạt động thanh tra được chính xác, khách quan, chống tham nhũng, tiêu cực, có hiệu quả, đại biểu Lê Hữu Trí (Đoàn Khánh Hòa) đề nghị luật cần quy định rõ các biện pháp tránh sự can thiệp của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước, của người đứng đầu cơ quan thanh tra đối với hoạt động của đoàn thanh tra.

Đại biểu Mai Văn Hải (Đoàn Thanh Hóa) phát biểu.

Đại biểu Mai Văn Hải (Đoàn Thanh Hóa) phát biểu.

Đại biểu Mai Văn Hải (Đoàn Thanh Hóa) đề nghị, cần bổ sung một nhiệm vụ là cơ quan thanh tra có trách nhiệm thanh tra trách nhiệm trong việc tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân đối với cơ quan nhà nước và UBND cấp dưới.

Cân nhắc quy định thực hiện dân chủ cơ sở tại từng khu vực doanh nghiệp

Báo cáo một số vấn đề lớn giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Pháp luật và cơ quan chủ trì soạn thảo đã rà soát, cập nhật đầy đủ hơn trong dự thảo luật các quy định của pháp luật hiện hành về thực hiện dân chủ ở tổ chức có sử dụng lao động, bổ sung nhiều quy định để bảo đảm cho việc thực hiện dân chủ của người lao động đi vào thực chất, có tính khả thi hơn, không chỉ giới hạn trong việc bảo đảm thực hiện quan hệ lao động mà còn mở rộng hơn với tư cách là công dân tham gia quản lý xã hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định kết luận phiên thảo luận.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định kết luận phiên thảo luận.

Thường trực Ủy ban Pháp luật và cơ quan chủ trì soạn thảo đã rà soát, đối chiếu với các quy định của pháp luật chuyên ngành và thống nhất tiếp thu, chỉnh lý các quy định để cụ thể hóa phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” trong dự thảo Luật. Dự thảo Luật được chỉnh lý để làm rõ hơn cơ chế bảo đảm việc thực hiện dân chủ ở cơ sở, thể chế hóa vai trò của Mặt Trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội làm “nòng cốt để nhân dân làm chủ”.

Phát biểu thảo luận, bày tỏ quan tâm đến việc thực hiện dân chủ ở tổ chức có sử dụng lao động, đại biểu Nguyễn Hải Dũng (Đoàn Nam Định) nhận định, với các quy định trong dự thảo luật liên quan đến vấn đề này, pháp luật đang can thiệp sâu vào hoạt động của các tổ chức có sử dụng lao động, khiến các tổ chức này mất đi sự chủ động, gây tốn kém thời gian, nguồn lực, không còn tập trung cho việc sản xuất, kinh doanh, bị kìm hãm trong phát triển. Đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần cân nhắc để quy định của pháp luật phù hợp với thực tiễn, bảo đảm khả thi trong tổ chức thực hiện.

Về quy định kiểm tra, giám sát ở doanh nghiệp ngoài nhà nước, đại biểu Hoàng Đức Thắng (Đoàn Quảng Trị) cho rằng, nếu đưa tất cả các nội dung của doanh nghiệp nhà nước áp dụng với doanh nghiệp ngoài nhà nước là không phù hợp và không khả thi.

“Cần phân định các quy định theo nhóm chủ thể là doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp ngoài nhà nước. Trên cơ sở đó thiết kế các quy định ở mức độ phù hợp với từng đối tượng”, đại biểu nói.

Đối với quy định về Thanh tra nhân dân, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) cho rằng, cần có Ban Thanh tra nhân dân ở cấp xã, phường, thị trấn nhưng phải có hình thức tổ chức, cơ chế hoạt động thực chất, hiệu quả. Ngoài ra, cần có cơ chế để Ban Thanh tra nhân dân không hoạt động một cách bè phái hoặc đưa quá nhiều người thân, họ hàng vào làm việc. Còn đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông) đề nghị cơ quan soạn thảo cần quy định rõ thủ tục, thẩm quyền công nhận Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước về cơ cấu, tổ chức.

Mai Hữu

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/chinh-tri/1041392/can-phan-cap-nhieu-hon-cho-thanh-tra-cap-huyen