Cần phấn đấu quyết liệt để giảm lạm phát

Theo Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2011 tăng 2,21% so với tháng 4/2011. Tuy nhiên, CPI có giảm song nhiệm vụ kiềm chế lạm phát, thúc đẩy sản xuất lại được đặt ra quyết liệt.

Đây là tháng đầu tiên tính từ đầu năm 2011 có tốc độ tăng CPI tháng sau thấp hơn tháng trước (tháng 1 tăng 1,74%, tháng 2 tăng 2,09%, tháng 3 tăng 2,17%, tháng 4 tăng 3,32%).

Việc “giảm tốc” của CPI trong tháng 5 do nhiều nguyên nhân. Có nguyên nhân từ các yếu tố ở trong nước. Yếu tố quan trọng nhất bắt nguồn từ việc thực hiện các giải pháp được đề ra trong Nghị quyết 11 của Chính phủ.

Trong các giải pháp này, giải pháp đạt được kết quả rõ nhất là sự ổn định trở lại của thị trường vàng, với việc giá vàng ở trong nước liên tục thấp hơn giá vàng thế giới, dẫn đến kết quả là, một mặt, do giá vàng trong nước không còn cao hơn giá vàng thế giới, Ngân hàng Nhà nước không phải cho nhập khẩu như trước đây để ổn định giá, trái lại còn có thể tăng xuất khẩu để góp phần kiềm chế nhập siêu (kim ngạch xuất khẩu đá quý, kim loại quý và sản phẩm trong 4 tháng đầu năm 2011 đạt trên 148 triệu USD, tăng 35,9% so với cùng kỳ năm trước).

Mặt khác, đã góp phần ổn định tâm lý, góp phần giảm sức ép đối với lạm phát. Một yếu tố quan trọng khác là thị trường ngoại tệ tương đối ổn định. Thị trường ngoại tệ tự do bị thu hẹp, tỷ giá VND/USD không những không còn chênh lệch lớn giữa thị trường tự do với thị trường chính thức, mà có lúc còn thấp hơn. Việc khống chế trần lãi suất huy động (3%/năm) đã góp phần thu hút một lượng ngoại tệ đáng kể của doanh nghiệp và người dân đã được bán cho ngân hàng thương mại và ngân hàng thương mại bán cho Ngân hàng Nhà nước, góp phần làm tăng dự trữ ngoại tệ quốc gia.

Yếu tố trên cũng góp phần quan trọng vào việc ổn định tâm lý- một sức ép lớn đối với lạm phát hiện nay. Việc đẩy mạnh bán hàng bình ổn (cả về số lượng hàng, cả về số điểm bán hàng) ở các thành phố lớn cũng như một số tỉnh, thành phố khác cũng góp phần giảm sức ép đối với giá cả.

Trong điều kiện giáp hạt và tác động của thiên tai, Chính phủ, các cấp, các ngành đã đưa ra một lượng lương thực, hàng hóa khá lớn để hỗ trợ một số địa phương.

Bên cạnh các yếu tố trong nước, một số yếu tố ngoài nước gần đây cũng có xu hướng giảm nhẹ. Giá dầu thô đã giảm từ trên 110 USD/thùng xuống còn dưới 100 USD/thùng. Giá thép, giá đường, giá lương thực, giá sợi, vàng,… cũng có xu hướng giảm, giảm sức ép làm tăng chi phí đẩy ở trong nước.

Khi tốc độ tăng CPI chậm lại, cũng là lúc các ngân hàng thương mại tính đến việc giảm lãi suất cho vay, đặc biệt đối với cho vay nông nghiệp, nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Việc tính đến giảm lãi suất cho vay đối với các đối tượng trên xuất phát từ dự đoán khả năng xu hướng "giảm tốc” CPI trong thời gian tới, mà còn xuất phát từ việc ngăn chặn nguy cơ suy giảm sâu của tốc độ tăng trưởng kinh tế, ngăn chặn tình trạng mất và thiếu việc làm- những hiệu ứng phụ của việc kiềm chế lạm phát, một điều đã xảy ra vào cuối 2008, đầu năm 2009, phải mất nhiều thời gian, kinh phí mới khắc phục được.

Mặc dù tốc độ tăng CPI trong các tháng tới tiếp tục có xu hướng thấp xuống, nhưng tính chung cả năm nay, nếu không có sự phấn đấu quyết liệt, thì có thể vượt quá tốc độ tăng 12,63% của năm 2007, năm trước bị lạm phát cao trở lại và bị tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu.

Trước diễn biến lạm phát trong các tháng đầu năm, hiện có một số ý kiến trái chiều về việc điều hành lãi suất ở cả đầu vào và ở cả đầu ra.

Ở đầu vào, lãi suất huy động đang được Ngân hàng Nhà nước khống chế ở mức trần 14%/năm. Nhiều ý kiến cho rằng nên bỏ mức trần này, bởi hai lẽ. Lẽ thứ nhất là lãi suất đang thấp hơn tốc độ tăng CPI, làm cho lãi suất gửi tiết kiệm bị “thực âm”. Thứ hai là nhiều ngân hàng thương mại đã huy động với mức lãi suất vượt trần đối với số tiền gửi lớn (hàng trăm triệu trở lên) và với khách hàng quen biết.

Ở đầu ra, lãi suất cho vay đang ở mức rất cao so với khả năng sinh lời của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến việc tiếp cận vốn để duy trì sản xuất và giải quyết công ăn việc làm cho người lao động. Tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng đến sản xuất, đến người lao động.

Minh Ngọc

Nguồn Chính Phủ: http://baodientu.chinhphu.vn/home/can-phan-dau-quyet-liet-de-giam-lam-phat/20115/83589.vgp