FED cắt giảm lãi suất sẽ bắt đầu cho chu kỳ nới lỏng tiền tệ?
Việc FED cắt giảm lãi suất báo hiệu sự khởi đầu của một chu kỳ của chính sách nới lỏng tiền tệ, không chỉ của Mỹ mà còn một số quốc gia khác phải chịu 'áp lực' từ việc Mỹ duy trì lãi suất ở mức cao trong hơn 1 năm.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hôm nay 19/9 (theo giờ Việt Nam). đã quyết định cắt giảm lãi suất 0,5%, đánh dấu lần cắt giảm lãi suất đầu tiên trong hơn 4 năm. Quyết định này ngay lập tức tác động đến thị trường tài chính toàn cầu, các yếu tố kinh tế cơ bản khác, đồng thời xuất hiện ngay dự đoán của các nhà đầu tư về tăng trưởng kinh tế, lạm phát và triển vọng tài chính trong tương lai. Ngoài ra, sự cắt giảm lãi suất được cho là "mạnh tay" của FED báo hiệu Mỹ sẽ bắt đầu lộ trình nới lỏng chính sách tiền tệ.
Trong bối cảnh các số liệu công bố gần đây cho thấy, cả tình hình việc làm và lạm phát đều hạ nhiệt, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC), thuộc Cục Dự trữ liên bang Mỹ đã quyết định giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm, đưa lãi suất ở biên độ dao động từ 4,75% - 5%.
Trước báo giới, khi được hỏi về “mức cắt giảm lãi suất lớn hơn bình thường” này, Chủ tịch FED Jerome Powell thừa nhận, đây là “một động thái mạnh mẽ”, đồng thời lưu ý rằng đây là thời điểm thích hợp và là dấu hiệu cho thấy cam kết không tụt hậu của FED.
“Quyết định này phản ánh niềm tin ngày càng tăng của FED về những điều chỉnh phù hợp với lập trường chính sách, sức mạnh của thị trường lao động có thể được duy trì trong bối cảnh tăng trưởng vừa phải và lạm phát giảm bền vững xuống mức 2 %”, ông Jerome Powell nói.
Sau quyết định mạnh tay của FED, chứng khoán Mỹ đã có diễn biến giao dịch bất ổn, dao động giữa mức tăng và mức giảm trong suốt phiên giao dịch ngày 18/9. Tuy nhiên chốt phiên, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 0,25 %, chỉ số S&P 500 giảm 0,29 %, chỉ số Nasdaq Composite giảm 0,31 %.
Ngoài ra, chỉ số đồng USD, thước đo giá trị của đồng bạc xanh so với một giỏ các đồng tiền mạnh khác cũng đã giảm. Đồng Yen Nhật tăng 0,11% lên 142,24 yen đổi 1 USD. Đồng bảng Anh tăng 0,28% lên 1,3193 USD.
Giá vàng thế giới cũng tăng gần 30 USD, lên mức 2.596 USD/oz. Tuy nhiên sau đó hạ nhiệt và tới đầu giờ sáng 19/9 còn 2.559 USD/oz. Ngoài ra, dầu thô và các hàng hóa được định giá bằng USD dự kiến hưởng lợi khi FED hạ lãi suất. Chi phí vay USD thấp hơn đồng nghĩa với việc kích thích tăng trưởng kinh tế và tăng nhu cầu hàng hóa.
Ông Eric Diton, Chủ tịch kiêm giám đốc điều hành tại The Wealth Alliance cho rằng, động thái cắt giảm lãi suất của FED là đúng đắn. “Đây là bước đi đúng đắn của FED, thị trường cần thấy mức giảm 0,5% để đi lên, trong khi thực sự đã tụt hậu so với đường cong lãi suất”, ông Eric Diton bày tỏ.
Việc cắt giảm lãi suất báo hiệu sự khởi đầu của một chu kỳ của chính sách nới lỏng tiền tệ, không chỉ của Mỹ mà còn một số quốc gia khác phải chịu “áp lực” từ việc Mỹ duy trì lãi suất ở mức cao trong hơn 1 năm.
Tuy nhiên, theo dự báo của các chuyên gia, Ngân hàng Anh trong cuộc họp ngày 19/9 được cho là sẽ giữ nguyên lãi suất ở mức 5%, đặc biệt là sau khi số liệu lạm phát cho thấy lạm phát dịch vụ tăng vào tháng 8. Ngân hàng Nhật Bản sẽ đưa ra chính sách vào ngày 20/9 và dự kiến sẽ giữ nguyên nhưng sẽ tăng lãi suất trong tương lai, có thể sớm nhất là vào tháng 10.
Hiện giới phân tích kinh tế đang dồn sự chú ý vào việc FED sẽ làm gì tiếp theo, để thúc đẩy việc làm và ổn định giá cả. Thị trường dự báo khả năng FED cắt giảm ít nhất 0,25% tại cuộc họp tiếp theo của ngân hàng Trung ương vào tháng 11, với xác suất khoảng 40% cho lần cắt giảm tiếp theo là 0,5%.