Cần phát huy công năng khu dịch vụ hậu cần nghề cá ở Kỳ Hà
Cơ sở hạ tầng dịch vụ hậu cần nghề cá tại Khu neo đậu tránh trú bão Cửa Khẩu - Kỳ Hà (TX Kỳ Anh, Hà Tĩnh) được bàn giao đi vào sử dụng nhưng vẫn còn nhiều vấn đề khiến người dân băn khoăn.
Dự án Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng dịch vụ hậu cần nghề cá tại Khu neo đậu tránh trú bão Cửa Khẩu - Kỳ Hà được UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tại Quyết định số 1109/QĐ-UBND ngày 22/5/2022.Dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT tỉnh Hà Tĩnh làm chủ đầu tư với tổng diện tích gần 5,5 ha; trong đó khu hậu cần nghề cá 3,26 ha, số diện tích còn lại dành cho khu điều hành phụ trợ, khu xử lý nước thải, rác thải, đất xây dựng trạm biến áp, đất dự trữ phát triển và giao thông nội bộ.Dự án triển khai nhằm đảm bảo hạ tầng cho ngư dân trong việc neo đậu tránh trú bão. Hình thành khu dịch vụ hậu cần nghề cá đáp ứng nhu cầu hoạt động khai thác trên địa bàn trong giai đoạn hiện tại của địa phương và khu vực.
Tháng 3/2023, ngư dân xã Kỳ Hà nói riêng, ngư dân thị xã Kỳ Anh nói chung đã có một khu hạ tầng dịch vụ hậu cần nghề cá tại Khu neo đậu tránh trú bão Cửa Khẩu - Kỳ Hà (gọi tắt gọi là khu dịch vụ) khang trang, bề thế. Tuy nhiên, khu dịch vụ này đi vào hoạt động đã có nhiều vấn đề đặt ra nhằm khai thác hết công năng sử dụng.Xã Kỳ Hà hiện có 306 tàu cá, trong đó có 12 chiếc công suất từ 90CV-250CV, 20 chiếc từ 250CV-400CV và 30 chiếc từ 400CV - dưới 800CV. Theo thiết kế, tại Khu neo đậu tránh trú bão Cửa Khẩu - Kỳ Hà, chỉ có các tàu nhỏ dài dưới 15m được phép ra, vào cửa lạch, còn đối với tàu cá dài từ 15m trở lên (xã Kỳ Hà hiện có 62 chiếc) phải làm thủ tục xuất nhập cửa lạch tại cảng cá loại 1 là Cảng cá Cửa Sót (huyện Lộc Hà).Việc phải đi đến Cảng cá Cửa Sót làm thủ tục gây tốn kém thời gian và kinh phí nên nhiều ngư dân mong muốn cơ quan chức năng, chính quyền địa phương có sự hỗ trợ để bà con thuận tiện hơn mỗi lần vươn khơi, bám biển."Gia đình tôi có tàu công suất 420 CV, dài trên 15m, đánh bắt ở các vùng biển: Hải Phòng, Đà Nẵng, Trường Sa… nhưng mỗi lần xuất nhập cửa lạch để ra khơi đều phải di chuyển tới Cảng cá Cửa Sót, gây bất tiện và đội chí phí di chuyển của ngư dân (mất hơn 2 triệu triệu đồng chi phí đi lại/lần). Mong các cấp, ngành hỗ trợ, tạo điều kiện để ngư dân được làm thủ tục xuất nhập cửa lạch tại khu dịch vụ Kỳ Hà”, ông Trần Văn Hường (thôn Hải Hà, xã Kỳ Hà) đề nghị.
Bên cạnh đó, khu dịch vụ hiện được quy hoạch khang trang, bàn giao sử dụng nhưng đến nay vẫn đang trong trạng thái “nằm im” vì chưa có hoạt động nào. Mong mỏi của hàng trăm ngư dân tại đây là tỉnh sớm có hướng dẫn để người dân được tham gia vào khu dịch vụ, đưa khu dịch vụ sớm vào hoạt động.Ông Nguyễn Hồng Chung - Chủ tịch UBND xã Kỳ Hà cho biết: “Hiện đã có hơn 100 hộ ngư dân tại xã đăng ký các nhu cầu ngành nghề để kinh doanh hậu cần nghề cá tại khu dịch vụ nhưng chúng tôi đang chờ hướng dẫn của tỉnh.Rất mong cấp trên quan tâm hướng dẫn thủ tục và có cơ chế ưu tiên xem xét hỗ trợ cho các cơ sở, hộ dân xã Kỳ Hà sớm được thuê đất trên khu dịch vụ để đầu tư sản xuất, kinh doanh các ngành nghề như: chế biến thủy sản, sửa chữa tàu thuyền và dịch vụ khác...”.
Ông Nguyễn Văn Chung - Phó Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh cho biết: “Qua nắm bắt nguyện vọng của bà con ngư dân, UBND thị xã đã đã có văn bản kiến nghị UBND tỉnh, các sở, ngành liên quan xem xét, hỗ trợ người dân với các nội dung như: hỗ trợ, tạo điều kiện để ngư dân được làm thủ tục xuất nhập cửa lạch tại khu dịch vụ Kỳ Hà; quan tâm hướng dẫn thủ tục và có cơ chế ưu tiên xem xét hỗ trợ cho các cơ sở, hộ dân xã Kỳ Hà sớm được thuê đất trên khu dịch vụ; tạo điều kiện cho lao động địa bàn xã Kỳ Hà làm việc phục vụ tại khu dịch vụ, góp phần giải quyết việc làm, tăng thêm thu nhập cho người dân...Bên cạnh đó, hiện thị xã có 1.386 tàu thuyền của ngư dân, trong đó hơn 500 tàu thuyền của ngư dân Kỳ Ninh, Kỳ Hà nên rất mong UBND tỉnh chỉ đạo chủ đầu tư sớm đẩy nhanh thi công giai đoạn 2 khu âu tránh trú bão xã Kỳ Hà để dự án giúp người dân có vị trí tránh trú tàu cá, yên tâm đầu tư khai thác hải sản...”.