Cần phát triển cây quế theo hướng bền vững

Những năm gần đây, cây quế mang lại thu nhập khá, được người dân huyện Na Rì tập trung mở rộng diện tích, huyện cũng đã đưa vào nhóm cây trồng chủ lực. Tuy nhiên để phát triển bền vững cần thiết phải quy hoạch vùng trồng, xây dựng cơ sở chế biến sâu nhằm nâng cao giá trị kinh tế của cây quế.

Quế là cây trồng chủ lực

Với hơn 200ha quế, xã Kim Lư được coi là “thủ phủ” quế của huyện Na Rì, trong đó trồng nhiều quanh hồ Khuổi Khe thuộc địa phận thôn Khuổi Ít. Một số hộ dân nơi đây trồng quế từ những năm 2009 theo Dự án 147, còn đa phần trồng từ năm 2014, 2015 theo Dự án cải tạo rừng nghèo kiệt trồng 500ha quế của UBND huyện Na Rì. Vài năm trở lại đây, nhờ tỉa cành, khai thác vỏ quế nhiều hộ dân đã có thu nhập khá từ những diện tích này.

 Nhiều hộ dân thôn Khuổi Ít, xã Kim Lư tỉa cành, khai thác tỉa cây quế cho thu nhập khá.

Nhiều hộ dân thôn Khuổi Ít, xã Kim Lư tỉa cành, khai thác tỉa cây quế cho thu nhập khá.

Vượt hồ Khuổi Khe đến với bãi trồng quế của các hộ dân thôn Khuổi Ít, trên con đường đất đi qua những cánh rừng do người dân tự mở, chúng tôi thấy hàng nghìn cây quế mọc thẳng tắp nối dài theo hai bên đường. Thời gian này không khó để bắt gặp hình ảnh bà con phát dọn, tỉa cành quế tại các vườn rừng. Dừng chân tại rừng quế của gia đình bà Hoàng Thúy Tước là lúc gia đình đang huy động nhân lực tỉa cành, tỉa thưa cây bán cho tư thương, vì họ đưa máy móc đến tận vườn lấy vỏ.

Bà Tước cho biết: Gia đình bà trồng 2ha quế từ năm 2015 thay thế cây keo. Trồng quế cũng như cây lâm nghiệp khác, vất vả chăm sóc 2-3 năm đầu, sau đó cây khép tán là không mất công phát cỏ, nhưng quế từ năm thứ 4 trở đi có thể tỉa cành, tỉa thưa cây bán dần. Đến nay, gia đình bà đã tỉa bán được 3 đợt, với giá 20.000 đồng/kg vỏ tươi, mỗi đợt khai thác thu về gần 30 triệu đồng, tính ra gần bằng số tiền gia đình đã đầu tư vào vườn quế này. Nếu để quế phát triển, một chu kỳ chừng 15 năm thì mỗi héc-ta thu được khoảng 600 triệu đồng. Trước đây, trồng keo tuy mới 7-8 năm được khai thác, nhưng không tận thu được như cây quế.

Anh Triệu Văn Toàn làm Bí thư Chi bộ thôn Khuổi Ít đến nay đã tròn 10 năm, anh được đi tham quan thực tế tại các vườn quế ở tỉnh Yên Bái nên hiểu rõ về giá trị kinh tế của cây quế, do đó khi huyện triển khai trồng quế trên địa bàn thôn anh nhiệt tình hưởng ứng và tiên phong trồng cũng như vận động Nhân dân cùng thực hiện.

Đồng chí Phạm Ngọc Du - Chủ tịch UBND xã Kim Lư cho biết, xã hiện có khoảng 70% hộ trồng quế, hộ ít thì có 1 đến 2 héc-ta, hộ nhiều có hàng chục héc-ta. Trong định hướng duy trì xã nông thôn mới nâng cao, tiến tới xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu, Kim Lư xác định quế là một trong những cây trồng chủ lực giúp người dân nâng cao thu nhập.

Cần nâng cao giá trị cây quế để phát triển bền vững

Trong 2 nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ huyện Na Rì vừa qua, quế được xác định là một trong những cây trồng chủ lực.

Theo thống kê của Hạt Kiểm lâm huyện Na Rì, giai đoạn 2016 - 2021 toàn huyện trồng được hơn 352ha quế, nâng tổng diện tích quế lên khoảng hơn 600ha. Năm 2022 người dân đăng ký trồng mới 140ha, chưa kể diện tích tự phát. Người dân chú trọng phát triển cây quế, vì nhận thấy hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với các cây trồng khác. Trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid-19 và thị trường biến động, một số cây trồng chủ lực khác gặp khó khăn trong tiêu thụ, thì người trồng quế vẫn “sống khỏe”, giá bán ổn định.

 Đầu ra của cây quế trên địa bàn huyện Na Rì chủ yếu phụ thuộc tư thương.

Đầu ra của cây quế trên địa bàn huyện Na Rì chủ yếu phụ thuộc tư thương.

Tuy giá cả vài năm gần đây khá ổn định, nhưng việc tiêu thụ quế ở Na Rì chủ yếu vẫn phụ thuộc vào các tư thương. Việc đầu ra phụ thuộc thương lái thì qua tiêu thụ nhiều mặt hàng nông - lâm sản của huyện, tỉnh đã thấy rõ. Khi thương lái không thu mua hoặc mua giá thấp thì hàng hóa ùn ứ, người dân không có lãi.

Tại các tỉnh Yên Bái, Lào Cai đã xây dựng các cơ sở sản xuất, chế biến tinh dầu quế, tận dụng tất cả lá, cành, thân để chưng cất tinh dầu; vỏ quế còn chế biến ra nhiều sản phẩm phong phú như bột quế, đồ thủ công mỹ nghệ... Trong khi tại huyện Na Rì, sản phẩm từ quế chủ yếu bán thô, bán vỏ. Thân gỗ bán, nhưng lá, cành thì bỏ lại trên rừng hoặc chỉ tận dụng làm củi đun, rất lãng phí.

Năm 2020 xã Kim Lư đã xây dựng HTX cộng đồng Khuổi Khe tập trung sản xuất, đầu tư máy móc chế biến tinh dầu quế xây dựng sản phẩm OCOP và đã sản xuất ra sản phẩm tinh dầu được đánh giá cao về chất lượng. Tuy nhiên, HTX đã sớm dừng hoạt động vì chưa thống nhất trong khâu tổ chức hoạt động. Xã Cư Lễ cũng có xưởng chế biến tinh dầu quế của Lâm trường, nhưng hoạt động đơn lẻ, quy mô nhỏ. Ngoài ra, trên địa bàn huyện chưa có nơi nào xây dựng cơ sở chế biến để sản xuất các sản phẩm từ quế, tạo được mối liên kết sản xuất - tiêu thụ.

Để phát triển cây quế một cách bền vững, huyện Na Rì cần xây dựng chính sách thu hút đầu tư, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở chế biến sâu các sản phẩm tinh dầu quế, các sản phẩm từ vỏ quế… Cùng với đó, thu hút đầu tư phát triển vùng nguyên liệu tập trung, liên kết sản xuất - tiêu thụ giữa người nông dân với các cơ sở chế biến, nhằm phát huy hiệu quả tiềm năng địa phương, giúp người dân nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững./.

Đồng Lai

Nguồn Bắc Kạn: http://baobackan.com.vn/kinh-te/202204/can-phat-trien-cay-que-theo-huong-ben-vung-99d1532/