Cần quan tâm đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất cho trường học

Thời gian qua, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) chỉ đạo cơ sở giáo dục trực thuộc và phòng GD&ĐT các địa phương tổ chức thực hiện Kế hoạch số 95 ngày 18/5/2021 của UBND tỉnh về xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2021- 2025. Nhờ đó, 6 tháng đầu năm 2024, Sở GD&ĐT đã trình UBND tỉnh ban hành quyết định công nhận và cấp bằng công nhận đạt chuẩn quốc gia cho 28 trường, nâng tổng số trường đạt chuẩn quốc gia đến nay lên 198/365 trường (chỉ tính khối trường công lập), đạt tỉ lệ 54,25%, trong đó mầm non 94/147 trường, tiểu học 29/65 trường, THCS 20/42 trường, phổ thông có nhiều cấp học 40/87 trường, THPT 15/24 trường.

Một buổi học ở Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, thị xã Quảng Trị -Ảnh: X.V

Một buổi học ở Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, thị xã Quảng Trị -Ảnh: X.V

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được trong xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia thì hiện nay cơ sở vật chất một số trường còn thiếu, đa số thiếu phòng học bộ môn, phòng đa năng, thiết bị dạy học, nhất là các điểm trường lẻ.

Bên cạnh đó, việc mua sắm thiết bị dạy học quy trình thủ tục đấu thầu kéo dài, danh mục thiết bị dạy học có những điều chỉnh trong quá trình triển khai thực hiện nên cung cấp cho cơ sở giáo dục chưa kịp thời, khó đáp ứng yêu cầu tổ chức hoạt động dạy và học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhất là thiết bị dạy học các lớp: 3, 4, 7, 8, 10 và lớp 11. Tình trạng thiếu cơ sở vật chất và thiếu giáo viên đã ảnh hưởng đến việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày và tổ chức bán trú cho học sinh chưa đạt được chỉ tiêu đề ra.

Trước đó, Sở GD&ĐT cũng đã chủ động tham mưu đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho Chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030. Tuy nhiên đến nay, đề án vẫn chưa được thông qua do tỉnh không cân đối được nguồn lực để thực hiện. Việc sáp nhập trường, lớp cũng đã phát sinh một số khó khăn, bất cập ảnh hưởng đến việc tổ chức hoạt động dạy học và hoạt động giáo dục nhà trường.

Hiện nay, tình trạng phòng học mượn, phòng học xuống cấp chưa được thay thế, trong lúc đó tiến độ thực hiện dự án xóa phòng học tạm, phòng học mượn thuộc kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021- 2025 còn chậm.

Cơ sở vật chất các trường mặc dù đã được quan tâm đầu tư nhưng còn chậm tiến độ, do đó chưa đáp ứng được nhu cầu tổ chức nội trú, bán trú cho học sinh, ảnh hưởng đến tiến độ phát triển quy mô trường phổ thông dân tộc nội trú, thành lập mới các trường phổ thông dân tộc bán trú theo lộ trình. Hệ thống văn bản quy định về vị trí việc làm trong cơ sở giáo dục còn nhiều bất cập, gây khó cho công tác bố trí lao động, nhất là vị trí bảo vệ tại trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú.

Nguyên nhân của tồn tại, hạn chế đó thì có nhiều nhưng trong đó phải kể đến một số cơ sở giáo dục chưa thực hiện tốt công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc đầu tư, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia; một số đơn vị, địa phương chưa quan tâm đến việc xây dựng, bổ sung cơ sở vật chất nên nhiều hạng mục, công trình xuống cấp, phòng thí nghiệm, thực hành, thư viện trường học chưa đảm bảo, công trình vệ sinh còn thiếu hoặc xuống cấp.

Nhiều cơ sở giáo dục còn thiếu quỹ đất để xây dựng các hạng mục công trình trường học và làm sân chơi, bãi tập cho học sinh, nhất là các trường thuộc hai huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông. Trong lúc ngân sách bố trí còn khó khăn thì một số địa phương chưa có giải pháp huy động nguồn lực xã hội hóa để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trường lớp theo chỉ tiêu nghị quyết đề ra.

Để từng bước tháo gỡ khó khăn nêu trên, hiện nay Sở GD&ĐT đang tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua 4 nghị quyết, trong đó có Nghị quyết quy định về mức thu, cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục công lập từ năm học 2024- 2025 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị; Nghị quyết phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án xóa phòng học tạm, phòng học mượn, cải tạo nâng cấp các trường dân tộc nội trú, bán trú trên địa bàn tỉnh và xây dựng Trường THPT Hướng Hóa.

Sở GD&ĐT cùng các ngành, địa phương liên quan tiếp tục triển khai có hiệu quả các tiểu dự án Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được UBND tỉnh giao để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024.

Cùng với đó, tích cực triển khai thực hiện, chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học và đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục phổ thông đáp ứng yêu cầu Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với các lớp: 5, 9, 12, năm học 2024-2025 cũng như đổi mới công tác quản trị, tăng quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục.

Sở GD&ĐT tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch số 95 ngày 18/5/2021 của UBND tỉnh về xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2021- 2025, Kế hoạch số 1280 ngày 18/6/2022 của Sở GD&ĐT về xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2021- 2025 để chỉ đạo trường học triển khai và xây dựng các giải pháp cụ thể nhằm bảo đảm thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu được giao cho từng cấp học về công nhận trường đạt chuẩn quốc gia trong năm 2024 đạt tỉ lệ 62% theo chỉ tiêu của HĐND, UBND tỉnh giao. Tiếp tục rà soát, đánh giá việc triển khai thực hiện các nghị quyết do HĐND tỉnh ban hành thuộc lĩnh vực GD&ĐT để thúc đẩy ngành GD&ĐT của tỉnh phát triển.

Sở GD&ĐT đề nghị UBND tỉnh quan tâm cân đối bố trí ngân sách địa phương đầu tư xây dựng các phòng học trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021- 2025, đồng thời chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố quan tâm bố trí ngân sách địa phương được giao quản lý và các nguồn từ Chương trình mục tiêu quốc gia để đầu tư xây dựng xóa phòng học tạm, phòng học mượn, phòng học xuống cấp trên địa bàn.

Xuân Vinh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/can-quan-tam-day-manh-dau-tu-co-so-vat-chat-cho-truong-hoc-186913.htm