Dòng họ Bon Niêng giữ bình yên buôn làng

Là dòng họ lâu đời và chiếm số đông ở xã vùng sâu, vùng xa Đưng K'nớ (huyện Lạc Dương), Mô hình 'Dòng họ Bon Niêng tự quản' đã phát huy vai trò của cộng đồng trong việc đảm bảo an ninh trật tự, giữ bình yên cho buôn làng vùng đồng bào dân tộc thiểu sổ (DTTS).

Mô hình “Dòng họ Bon Niêng tự quản” góp phần đảm bảo ANTT, giữ bình yên buôn làng. Ảnh: H.SA

Mô hình “Dòng họ Bon Niêng tự quản” góp phần đảm bảo ANTT, giữ bình yên buôn làng. Ảnh: H.SA

Mô hình “Dòng họ Bon Niêng tự quản” được Công an huyện Lạc Dương và UBND xã Đưng K’nớ ra mắt năm 2021. Đây là dòng họ được chọn để xây dựng Mô hình Dòng họ tự quản về an ninh trật tự tại địa phương. Với hơn 70 hộ dân và trên 500 nhân khẩu, chiếm 1/4 dân số của xã, việc xây dựng mô hình nhằm phát huy tinh thần tự giác, tự phòng, tự quản, tự bảo vệ của quần chúng Nhân dân, tích cực tham gia Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Qua đó, góp phần tăng cường hiệu quả công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với các loại tội phạm, ổn định về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, giúp bà con yên tâm lao động, sản xuất phát triển kinh tế gia đình. Ông Bon Niêng Ha Soanh - đại diện “Dòng họ Bon Niêng tự quản” chia sẻ: “Đối với những trường hợp có biểu hiện vi phạm pháp luật, tôi cùng các thành viên trong họ chủ động tuyên truyền, giáo dục, ngăn chặn kịp thời không để sự việc đáng tiếc xảy ra. Với những trường hợp cố tình vi phạm, dòng họ phối hợp với lực lượng công an, chính quyền xã kiên quyết xử lý theo đúng quy định của pháp luật”.

Các thành viên trong dòng họ Bon Niêng hướng dẫn nhau phát triển sản xuất

Các thành viên trong dòng họ Bon Niêng hướng dẫn nhau phát triển sản xuất

Hơn 2 năm thành lập, Mô hình “Dòng họ Bon Niêng tự quản” đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động bà con trong họ chấp hành nghiêm các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giữ gìn, xây dựng và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Những người phụ nữ trong xã nói chung và trong dòng họ Bon Niêng nói riêng rất quan tâm, giữ gìn nghề dệt thổ cẩm, không những truyền dạy nghề dệt cho thế hệ con cháu mà còn lưu giữ công cụ cũng như quy trình nhuộm, tạo chất nhuộm hoàn toàn từ nguyên liệu tự nhiên. Các bà, các mẹ cũng là người nắm giữ những tri thức dân gian, những làn điệu dân ca, dân vũ... Năm 2018, xã Đưng K’nớ nói chung, dòng họ Bon Niêng nói riêng vinh dự có 1 nghệ nhân là bà Bon Niêng K’ Glòng được tôn vinh, trao tặng danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể” tỉnh Lâm Đồng lần thứ I.

Phụ nữ trong dòng họ Bon Niêng giữ gìn nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc

Phụ nữ trong dòng họ Bon Niêng giữ gìn nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc

Mỗi gia đình trong dòng họ cùng cam kết không để tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết xảy ra, cùng nhau đẩy lùi các hủ tục, tệ nạn xã hội trên địa bàn, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân, xây dựng nếp sống văn minh trong cộng đồng dân cư. Các mâu thuẫn, tranh chấp giữa các hộ dân đều được Ban Chỉ đạo mô hình và những người có uy tín trong dòng họ giải quyết, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, giữ gìn thôn, xóm bình yên. Đồng thời, các thành viên trong dòng họ chấp hành tốt quy ước, hương ước, luôn phát huy tinh thần đoàn kết, yêu thương giúp đỡ lẫn nhau cả về mặt tinh thần và vật chất, giúp nhau phát triển kinh tế... Các thành viên dòng họ Bon Niêng còn đi đầu trong phát triển kinh tế ở địa phương, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đầu tư phát triển kinh tế gia đình. Nhờ đó, đời sống kinh tế trong từng gia đình đều khởi sắc, tỷ lệ gia đình trong dòng họ đạt tiêu chí gia đình văn hóa năm sau luôn cao hơn năm trước, số hộ nghèo, cận nghèo giảm mạnh.

Từng gia đình luôn có ý thức giữ gìn vệ sinh đường làng, ngõ xóm

Từng gia đình luôn có ý thức giữ gìn vệ sinh đường làng, ngõ xóm

Không chỉ thực hiện tốt công tác tự quản, tự phòng trong phòng, chống tội phạm, công tác khuyến học, khuyến tài cũng luôn được dòng họ Bon Niêng đặc biệt quan tâm, khuyến khích động viên con cháu trong họ phấn đấu tu dưỡng, rèn luyện, tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ lành mạnh, tránh xa các tệ nạn xã hội. Tính đến thời điểm hiện tại, trong dòng họ Bon Niêng có 30 người tốt nghiệp đại học, cao đẳng; 15 người làm việc tại các công ty, 27 người làm việc tại các cơ quan Nhà nước; có hơn 100 cháu đang học các cấp học. Không chỉ vận động con em trong dòng họ đi học đông đủ, đảm bảo sĩ số trong từng buổi học, các thành viên trong Ban Chỉ đạo Mô hình “Dòng họ Bon Niêng tự quản” còn tích cực phối hợp với Ban vận động học sinh của xã, với ban giám hiệu của các trường đóng trên địa bàn, sẵn sàng đi vận động ngay khi có đề nghị phối hợp vận động học sinh từ các trường. Đến nay đã tham gia vận động 3 lượt với 11 học sinh Trường Trung học cơ sở Đưng K’nớ có nguy cơ bỏ học cao quay lại trường. Kết quả theo ghi nhận của Trường Mầm non Đưng K’nớ và Trường Tiểu học Đưng K’nớ, 100% học sinh là con em của các thành viên trong dòng họ Bon Niêng đi học đầy đủ, qua đó khích lệ các bạn cùng lớp, cùng trường đi học.

Theo Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đưng K’nớ Thân Văn Hữu, những năm qua, dòng họ Bon Niêng luôn mẫu mực động viên con cháu chăm lo phát triển kinh tế và tích cực cùng với chính quyền địa phương tham gia giải quyết các vấn đề nảy sinh về an ninh trật tự, giữ gìn sự bình yên buôn làng. Dòng họ Bon Niêng cũng được đánh giá là điểm sáng trong Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tại địa phương. Mô hình “Dòng họ Bon Niêng tự quản” đã phát huy truyền thống tốt đẹp, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, tinh thần đoàn kết trong cộng đồng dân cư, xây dựng, giữ gìn sự mẫu mực trong dòng họ, đảm bảo bình yên trên từng thôn xóm.

TUẤN HƯƠNG

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/doi-song/202408/dong-ho-bon-nieng-giu-binh-yen-buon-lang-f1a22ec/