Cần quan tâm quy hoạch phát triển cây dược liệu
Với xu hướng 'trở về thiên nhiên' thì việc sử dụng các loại thuốc từ dược liệu của người dân ngày càng tăng so với việc sử dụng tân dược vì ít xảy ra những tác động có hại và phù hợp với quy luật sinh lý của cơ thể hơn.
Tài nguyên dồi dào nhưng phát triển còn manh mún
Việt Nam là một trong 15 nước trên thế giới có tên trong bản đồ dược liệu bởi nguồn tài nguyên động, thực vật đa dạng với nhiều loại cây thuốc đặc hữu, có giá trị sử dụng và giá trị kinh tế cao cùng nền y học cổ truyền lâu đời. Theo Quyết định số 1976 về Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam sẽ có 8 vùng trồng nguyên liệu trên cả nước để trồng 54 loài dược liệu, lựa chọn và khai thác hợp lý 24 loài dược liệu tự nhiên.
Mặc dù đến nay Việt Nam đã có định hướng lớn để phát triển kinh tế dược liệu, tham gia sân chơi lớn của thế giới. Tuy nhiên "mỏ vàng" này chưa được khai thác đúng mức bởi những hạn chế và khó khăn quá trình trồng trọt, chế biến, phát triển sản phẩm. Đồng thời, dược liệu Việt từ lâu đã chịu tác động rất tiêu cực từ nguồn hàng nhập lậu, trôi nổi từ bên kia biên giới…
Phát triển cây dược liệu còn những hạn chế do thiếu giống tốt có năng suất, chất lượng cao, chống chịu sâu, bệnh gây hại; nguồn tài nguyên dược liệu ngoài tự nhiên bị suy giảm do khai thác không bền vững trong thời gian dài và do chất lượng rừng tự nhiên, đặc biệt là rừng sản xuất suy giảm tại một số vùng.
Diện tích rừng có chất lượng tốt, phù hợp để phát triển dược liệu chủ yếu tập trung ở rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn. Hơn nữa, diện tích trồng dược liệu mặc dù đã tăng trong thời gian qua (trừ cây quế, hồi) nhưng việc phát triển, gây trồng còn tự phát, manh mún, quy mô nhỏ, chưa có quy hoạch dẫn đến năng suất, sản lượng và chất lượng thấp.
Bên cạnh đó, chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư vào trồng, chế biến dược liệu. Phần lớn cây dược liệu dưới tán rừng được tiêu thụ dưới dạng nguyên liệu bán cho thương lái; phần lớn khu vực có tiềm năng phát triển trồng cây dược liệu hiện do các tổ chức quản lý rừng của Nhà nước quản lý nhưng các tổ chức này không có tiềm lực về tài chính để đầu tư phát triển vùng nguyên liệu cũng như cơ chế, chính sách để liên doanh, liên kết sản xuất vùng nguyên liệu; kết cấu hạ tầng giao thông ở vùng trồng chưa hoàn thiện… dẫn đến khó khăn trong tiếp cận, triển khai đầu tư các dự án trồng, phát triển cây dược liệu…
Hiện nay, cả nước có hơn 10,1 triệu ha rừng tự nhiên. Đây là một lợi thế, tiềm năng rất lớn để phát triển trồng các loài dược liệu dưới tán rừng.
Gìn giữ những bài thuốc gia truyền bản địa
Với điều kiện thiên nhiên nhiều ưu đãi, Việt Nam có khí hậu nhiệt đới nóng ẩm cùng một hệ sinh thái phong phú và đa dạng, đó là điều kiện thuận lợi để phát triển nguồn dược liệu phục vụ nhu cầu sản xuất trong nước. Tuy nhiên, nhiều loại dược liệu quý có thể thuốc chữa bệnh cho nhân dân, nhưng chưa được quy hoạch, phát triển chuỗi giá trị, dẫn đến hiệu quả thấp, việc khai thác chế biến còn bất cập, Nhiều loại dược liệu quý có nguy cơ cạn kiệt; đặc biệt việc nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất chế biến dược liệu còn manh mún và chưa kịp so với các nước trong khu vực…
Khó khăn của công tác khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền là còn khan hiếm về nguồn cung cấp dược liệu chất lượng cao. Trong khi Việt Nam được ưu đãi về thiên nhiên, điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng, khí hậu với hơn 5.000 loài thực vật dùng trong phòng bệnh và chữa bệnh. Số vùng chuyên canh cây dược liệu ở nước ta còn ít với sản lượng khiêm tốn. Một số địa phương đã quan tâm quy hoạch và triển khai trồng số cây dược liệu có hiệu quả chữa bệnh và giá trị kinh tế như: diệp hạ châu, đinh lăng, ích mẫu, kim tiền thảo, sa nhân tím, sâm ngọc linh, trinh nữ hoàng cung…
Thêm vào đó, thống kê của Cục Quản lý Y Dược cổ truyền, Bộ Y tế, năm 2017, tỷ lệ lượt khám bệnh bằng y học cổ truyền hoặc kết hợp y học cổ truyền và y học hiện đại trên tổng số lượt khám chữa bệnh chung của cả nước mới đạt 4,1% ở tuyến trung ương, 11,7% ở tuyến tỉnh, 13,4% ở tuyến huyện và 28,5% ở tuyến xã.
Để khắc phục những khó khăn, đáp ứng nhu cầu lâu dài về việc sử dụng dược liệu trong khám chữa bệnh, theo Cục Quản lý Y Dược cổ truyền, cần phát huy tốt vai trò của các doanh nghiệp dược trong tổ chức trồng trọt theo vùng chuyên canh để lấy nguyên liệu. Đối với những cây thuốc mới, cần nghiên cứu sử dụng để phục vụ việc chăm sóc sức khỏe cho người dân, tiến tới tạo ra những sản phẩm thuốc đặc trưng, mang lại nguồn lợi kinh tế cho địa phương. Đặc biệt, với các bài thuốc gia truyền bản địa của đồng bào dân tộc, phải tiến hành điều tra, khảo sát và tư liệu hóa, ghi chép lại nguồn tri thức y học gia truyền bản địa này để nhằm gìn giữ, bảo tồn và phát triển.
Cùng với đó, cần xây dựng và phát triển các hệ thống sản xuất và phân phối dược liệu. Từng bước cung ứng dược liệu được sản xuất theo các quy chuẩn thực hành tốt trồng trọt và thu hái dược liệu (GACP) theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Do việc trồng trọt các cây dược liệu cần có thời gian nên phải xây dựng lộ trình chuẩn hóa các tiêu chuẩn áp dụng GACP-WHO thích hợp nhằm bảo đảm nguồn cung đạt tiêu chuẩn. Xây dựng chương trình nghiên cứu và triển khai cơ giới hóa trong trồng trọt, thu hái và sơ chế dược liệu, bao gồm: làm đất, chăm sóc, thu hái, làm khô. Điều này rất cần thiết bởi đó là yếu tố quyết định đến năng suất lao động, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của dược liệu Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập hiện nay.