Cần quan tâm tới cơ cấu nông nghiệp

Sáng 30.10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội đã thảo luận trực tuyến về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025.

Ảnh: Lâm Hiển

Ảnh: Lâm Hiển

Sửa đổi mô hình hợp tác xã - khâu yếu trong tái cơ cấu nông nghiệp

Cũng trong bối cảnh đại dịch Covid-19, một vấn đề đặt ra là thị trường lao động trong tái cơ cấu nền kinh tế. ĐBQH Trần Văn Sáu (Đồng Tháp) nêu rõ, chúng ta thấy gì, nghĩ gì về dòng người trốn chạy về quê tránh dịch. Phải chăng, cơ cấu kinh tế còn bất cập, phát triển đô thị tập trung, thiếu liên kết, sự trục trặc trong kết nối giữa nông thôn và đô thị, chất lượng đào tạo và phân bổ nguồn nhân lực chưa hợp lý. Đây là những vấn đề cần quan tâm làm rõ, dòng người đó là ai, phần lớn là nông dân rút khỏi lao động nông nghiệp trở thành công nhân, lao động tự do, thiếu việc làm tha hương cầu thực.

ĐB Trần Văn Sáu đề nghị cần có đánh giá đúng về thị trường lao động, có chính sách đầu tư hợp lý phát triển kinh tế vùng, thu hút lao động, giải quyết việc làm, tổ chức đào tạo, đào tạo lại, dạy nghề phù hợp tạo cơ hội việc làm cho người lao động, nhất là nông dân lực lượng dễ bị tổn thương trong điều kiện kinh tế thị trường. Tất nhiên lao động việc làm không thể chia đều cho thị trường nhưng phải hợp lý, hạn chế tình trạng di dân ồ ạt.

Bên cạnh đó, một số đại biểu cho rằng, rất cần quan tâm tới cơ cấu nông nghiệp, khi mà nông nghiệp nước ta vẫn là sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu gắn kết, thị trường tiêu thụ bấp bênh. Cơ cấu lại nền nông nghiệp thì sửa đổi nhận thức của nhà nước, nhà quản lý, nhà doanh nghiệp mới là điều kiện cần, tiên quyết là phải thay đổi nhận thức của người nông dân, nông dân ta có tính cần cù, thông minh, sáng tạo, hào sảng, câu được con cá, trồng được mớ rau, khi xảy ra dịch bệnh, bà con khó khăn lấy cho hết mà không cần tính toán. Nhưng khi làm ăn thì mạnh ai người nấy làm, giấu nghề, không chịu liên kết. Cho nên sắp xếp lại sản xuất, chế biến tiêu thụ cần liên kết với người nông dân, tuyên truyền vận động, hướng dẫn từng bước thay đổi nhận thức của người nông dân. Mô hình liên kết tốt nhất là hợp tác xã nhưng đây là mô hình yếu nhất hiện nay, cần phải được nghiên cứu, sửa đổi để thực hiện cho phù hợp. ĐB Trần Văn Sáu nhấn mạnh “trong làm nông nghiệp, sản xuất lớn đâu phải cứ cần nhiều ruộng đất, chỉ cần liên kết mềm, liên kết người nông dân trong hợp tác xã, hợp tác xã liên kết với nhà khoa học, nhà nước, nhà doanh nghiệp là chúng ta có thể giải được bài toán khó: cơ cấu lại nền nông nghiệp”.

Hoàng Ngọc

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/can-quan-tam-toi-co-cau-nong-nghiep-xsjkffw37k-65449