Cần quan tâm vấn đề môi trường và an toàn lao động trong chế biến gỗ rừng trồng

Với nguồn gỗ rừng trồng dồi dào, những năm gần đây, ngành công nghiệp chế biến gỗ đã có sự phát triển mạnh mẽ, trở thành ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh. Tuy nhiên, bên cạnh hiệu quả kinh tế, hoạt động sản xuất của các cơ sở, nhà máy chế biến gỗ dăm và ván ghép thanh đang gây ra những tác động tiêu cực đối với môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động.

 Người lao động ở các cơ sở chế biến gỗ rừng trồng vẫn chưa được quan tâm đến an toàn vệ sinh lao động trong quá trình sản xuất - Ảnh: M.L

Người lao động ở các cơ sở chế biến gỗ rừng trồng vẫn chưa được quan tâm đến an toàn vệ sinh lao động trong quá trình sản xuất - Ảnh: M.L

Hoạt động sản xuất chế biến gỗ nói chung và gỗ dăm trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế, đó là việc phát triển công nghiệp chế biến gỗ chưa gắn với vùng nguyên liệu, sử dụng tài nguyên rừng lãng phí, chưa thực hiện đúng mục tiêu về quy hoạch, kế hoạch bảo vệ rừng giai đoạn 2011 - 2020 của tỉnh. Diện tích rừng sản xuất của tỉnh ước gần 115 ngàn ha với sản lượng nguyên liệu gỗ cung ứng trung bình hằng năm ước 850.000 m3 . Đáng chú ý là theo quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011- 2020, tỉnh chỉ cho phép khai thác gỗ trồng bình quân mỗi năm khoảng 500 ngàn mét khối, trong khi nhu cầu nguyên liệu cho các dự án, nhà máy cơ sở chế biến gỗ, gỗ dăm trên địa bàn tỉnh mỗi năm trên 1 triệu mét khối (70% nguyên liệu dùng cho chế biến băm dăm, 30% cho sản xuất ván ghép thanh, viên nén năng lượng, cưa xẻ gỗ). Điều này đã làm nảy sinh tình trạng tranh mua, tranh bán, thu mua gỗ non chưa đến tuổi khai thác khiến người dân không mặn mà với việc trồng rừng gỗ lớn. Bên cạnh đó, trình độ công nghệ chế biến gỗ của doanh nghiệp thấp, mức tiêu hao nguyên liệu lớn… là những nguyên nhân tác động ảnh hưởng đến độ che phủ rừng và môi trường, sinh thái.

Hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 120 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến gỗ nhưng chủ yếu vẫn là doanh nghiệp quy mô nhỏ và siêu nhỏ nên việc đầu tư các công trình giảm thiểu tác động ô nhiễm môi trường còn hạn chế. Nhiều đơn vị đã đi vào hoạt động từ lâu nhưng chưa hoàn thiện các thủ tục về vận hành thử nghiệm và xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành dự án. Việc xây dựng các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường ở nhiều đơn vị chỉ mang tính đối phó, chưa đồng bộ nên hiệu quả mang lại không cao. Công tác giám sát môi trường định kỳ theo quy định chưa được thực hiện nghiêm túc. Nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất gỗ, dăm gỗ chưa thực hiện đầy đủ và đồng bộ về hồ sơ pháp lý như giấy phép đầu tư, đánh giá tác động môi trường, phòng cháy, chữa cháy, công tác an toàn vệ sinh lao động…

Một vấn đề đáng quan tâm nữa là tình trạng ô nhiễm môi trường từ bụi và khí thải trong hoạt động sản xuất chế biến gỗ. Trong đó, đối với hoạt động sản xuất ván ghép thanh nguồn phát sinh bụi từ các công đoạn như cưa, xẻ gỗ, bào, chà nhám và hoàn thiện sản phẩm gỗ; khí thải của lò sấy dùng nguyên liệu củi, gỗ. Đối với hoạt động chế biến dăm gỗ, bụi chủ yếu sinh ra từ các bộ phận như băm, chặt, nghiền dăm, vận chuyển thành phẩm. Quá trình sản xuất các nhà máy chế biến gỗ cũng làm phát sinh những yếu tố ô nhiễm môi trường khác như chất thải rắn, nguồn nước, tiếng ồn…

Tại hội thảo khoa học “Nghiên cứu, đánh giá nguy cơ rủi ro và đề xuất giải pháp đảm bảo an toàn trong môi trường lao động của các doanh nghiệp chế biến gỗ ghép thanh, gỗ dăm ở tỉnh Quảng Trị” do Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức vào tháng 11/2020 đã chỉ ra rằng: Môi trường, điều kiện làm việc ở các doanh nghiệp chế biến gỗ, dăm gỗ trên địa bàn tỉnh không đảm bảo, trong khi người lao động thường tiếp xúc với nhiều yếu tố nguy hiểm, có hại do sử dụng các dung môi có tính độc tố trong pha hóa chất, trộn keo, bôi keo, vệ sinh công nghiệp; điều kiện thông khí trong môi trường làm việc kém, bề mặt nhà kho ẩm ướt, trơn trượt, tư thế lao động gò bó; trang thiết bị bảo hộ lao động còn thiếu, chưa đúng chuẩn danh mục nghề hoặc người lao động không tuân thủ quy trình an toàn trong từng khâu sản xuất… là những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong doanh nghiệp chế biến gỗ ở Quảng Trị.

Mặc dù các cơ sở, nhà máy chế biến gỗ, dăm gỗ đều hoạt động sản xuất trong lĩnh vực đặc thù, có bộ phận lao động trực tiếp sản xuất thuộc danh mục công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm nhưng chưa có doanh nghiệp nào quy định cụ thể để phân loại từng vị trí, chức danh công việc đối với người lao động làm công việc này. Một số doanh nghiệp đã hoạt động trên 10 năm nhưng việc thực hiện chế độ, chính sách cũng như vấn đề an toàn vệ sinh lao động đối với người lao động còn nhiều hạn chế, sai phạm.

Nhằm tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường từ hoạt động chế biến gỗ dăm và sản xuất ván ghép thanh, tỉnh cần có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp thực hiện đồng bộ các biện pháp kiểm soát ô nhiễm cũng như đổi mới về công nghệ, quy trình sản xuất. Yêu cầu doanh nghiệp lập hồ sơ quản lý sức khỏe người lao động, thực hiện các quy trình đảm bảo an toàn trong thiết bị máy móc có sử dụng điện theo quy định; tăng cường hệ thống biển báo an toàn trong nhà xưởng, trang cấp phương tiện bảo vệ người lao động; thường xuyên tổ chức huấn luyện an toàn vệ sinh lao động; bố trí người giám sát an toàn vệ sinh lao động. Về lâu dài, tỉnh cần có quy hoạch cụ thể các nghề chế biễn gỗ với quy mô công suất phù hợp với quy hoạch vùng nguyên liệu trên địa bàn tỉnh. Từ đó, giảm thiểu tác động cạnh tranh nguồn nguyên liệu, đảm bảo tính hài hòa, hợp lý giữa cung và cầu.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật, đẩy mạnh sự phối hợp giữa chính quyền địa phương, ban quản lý các khu công nghiệp, khu kinh tế với cơ quan chuyên môn quản lý về môi trường, công nghiệp. Triển khai có hiệu quả đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ Quảng Trị đến năm 2025 trong đó tập trung khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới máy móc, thiết bị, đầu tư quy trình công nghệ, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới phù hợp với thị trường, huy động nguồn lực, ưu tiên kêu gọi, thu hút thúc đẩy phát triển các mô hình sản xuất công nghiệp chế biến gỗ theo hướng ứng dụng công nghệ cao, kỹ thuật tiên tiến, hiện đại nhằm từng bước cơ cấu lại ngành công nghiệp chế biến gỗ theo hướng hiện đại, phát triển bền vững.

Về quy trình sản xuất, cần đẩy mạnh áp dụng sản xuất sạch hơn cho ngành chế biến gỗ nói chung và chế biến dăm gỗ, ván ghép thanh nói riêng. Tập trung nghiên cứu, đánh giá các dòng thải, xác định nguyên nhân và đề xuất các biện pháp kiểm soát ô nhiễm môi trường trong từng công đoạn sản xuất.

Mai Lâm

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=154527