Vai trò giám đốc trong dẫn dắt hình thành và phát triển hợp tác xã

Những năm gần đây, kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh hoạt động có hiệu quả, góp phần đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ và chuyển đổi số vào sản xuất nông nghiệp, nhằm tăng giá trị sản phẩm, mang lại lợi ích cho các thành viên và thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, trong đó có những giám đốc dẫn dắt hình thành và phát triển HTX.

Liên kết chuỗi sản xuất cây ớt chỉ thiên

Ông Từ Ngọc Ngà.

Ông Từ Ngọc Ngà.

HTX nông nghiệp Thành Công, xã Ngọc Biên, huyện Trà Cú do ông Từ Ngọc Ngà làm Giám đốc từng bước liên kết chuỗi sản xuất cây ớt chỉ thiên, góp phần giải quyết đầu ra sản phẩm cho người dân an tâm sản xuất.

Ông Từ Ngọc Ngà cho biết, sau khi tốt nghiệp đại học ngành nông nghiệp, ông về quê hương phát triển kinh tế gia đình với nghề trồng lúa. Sau đó, nhận thấy làm lúa bấp bênh, ông chuyển trồng ớt chỉ thiên theo phương pháp truyền thống. Để giảm chi phí sản xuất đầu vào, ông vận động nông dân tham gia thành lập HTX vào năm 2014 với 08 thành viên, nay nâng lên 54 thành viên tham gia sản xuất 2,6ha.

Những năm đầu mới thành lập HTX gặp nhiều khó khăn do các thành viên canh tác ớt chỉ thiên truyền thống, đầu ra bấp bênh, giá bán không ổn định, lợi nhuận thấp. Đến năm 2019, ông Ngà được Nhà nước hỗ trợ 100 triệu đồng xây dựng nhà lưới trồng ớt hữu cơ nhằm tăng năng suất, nâng cao giá trị sản phẩm.

Đồng thời, ông tìm kiếm thị trường và kết nối với Công ty TNHH MTV hạt giống Chánh Nông bao tiêu sản phẩm ớt với giá 50.000 đồng/kg; do đó, các thành viên học hỏi và làm theo và mở rộng diện tích trồng ớt, nâng đến nay hợp tác xã quản lý 14 nhà lưới trồng ớt chỉ thiên. Trồng ớt trong nhà lưới, năng suất cao, lợi nhuận nhiều so trồng truyền thống. Ớt trồng khoảng 75 ngày thu hoạch và kéo dài thu hoạch khoảng 06 - 08 tháng, năng suất đạt 30 tấn/ha, lợi nhuận đạt 01 tỷ đồng/ha/năm.

Sắp tới, HTX nông nghiệp Thành Công liên kết hỗ trợ các hộ dân khác đầu tư thêm 06 nhà lưới, xây dựng vùng sản xuất và bao tiêu sản phẩm ớt chỉ thiên với các hộ dân ở huyện Duyên Hải; đồng thời định hướng cho các thành viên mở rộng diện tích trồng luân canh, xen canh, thâm canh rau ăn lá theo hướng hữu cơ nhằm đa dạng hàng hóa nông sản đáp ứng nhu cầu thị trường, tăng thu nhập cho các thành viên, giải quyết việc làm lao động địa phương.

Cung ứng dịch vụ và liên kết sản xuất vùng lúa ST25

Ông Lê Phúc Hiền.

Ông Lê Phúc Hiền.

HTX nông nghiệp Ngọc Biên, huyện Trà Cú do ông Lê Phúc Hiền làm Giám đốc điều hành, góp phần thực hiện có hiệu quả liên kết và tiêu thụ lúa ST25 cho các thành viên và cộng đồng.

Trong quá trình học đại học ngành kiến trúc ở Thành phố Hồ Chí Minh, ông Hiền có thời gian làm việc ở các công ty, doanh nghiệp nên học hỏi được kiến thức ở lĩnh vực maketting, từ đó sau khi về quê hương ông phát triển dịch vụ cung ứng đầu vào và đầu ra sản phẩm lúa thương phẩm ST25, sau đó ông vận động nông dân áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất mô hình giảm lượng lúa giống gieo sạ kết hợp với cơ giới hóa nhằm giảm chi phí sản phẩm, tăng lợi nhuận.

Ông Hiền cho biết: HTX thành lập tháng 7/2022 với 55 thành viên tham gia sản xuất 100ha. Mỗi vụ sản xuất, HTX luôn duy trì dịch vụ cung ứng phân, thuốc bảo vệ thực vật và chọn lọc giống lúa chất lượng cao kháng sâu bệnh, chịu mặn vào sản xuất giúp các thành viên nâng cao năng suất, giảm chi phí đầu vào, tăng lợi nhuận, từ đó thu hút nhiều nông dân tham gia đến nay 102 thành viên sản xuất với 136ha.

Đồng thời HTX liên kết vùng sản xuất khoảng 150ha với 70 hộ ở xã Tân Hiệp. Nhờ hoàn thiện chuỗi hệ thống dịch vụ sản xuất theo hướng nông nghiệp hữu cơ vừa nâng cao chất lượng sản phẩm lúa, vừa tạo doanh thu cho HTX nên sản phẩm gạo quê tôi ST25 của HTX được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao.

Theo ông Hiền, hàng vụ, HTX hỗ trợ lúa giống, phân, thuốc đầu vào thu mua với giá cao hơn thị trường. Hàng năm, HTX thu mua 2.500 tấn lúa thương phẩm, riêng vụ lúa đông - xuân sản lượng thu mua khoảng 850 tấn, nông dân lợi nhuận 30 - 40 triệu đồng/ha.

Khó khăn hiện nay, khâu sơ chế, chế biến gạo của HTX phụ thuộc nhiều vào nhà máy xay xát ở tỉnh Tiền Giang, do đó HTX không tránh khỏi tình trạng bị hao hụt lúa trong khâu vận chuyển và làm giảm chất lượng gạo. Chính vì thế, mong các cấp, các ngành và địa phương quan tâm sớm hỗ trợ vốn để HTX đầu tư lò sấy lúa, giải quyết nhu cầu cấp thiết khi vào vụ lúa đông ken.

Chăm lo cho thành viên và người lao động

Ông Trần Văn Chung (đứng giữa).

Ông Trần Văn Chung (đứng giữa).

Ông Trần Văn Chung, sinh năm 1964, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc HTX nông nghiệp Phát Tài, xã Thanh Mỹ, huyện Châu Thành vì lợi ích chung, nhất là lợi ích của thành viên và người lao động đã phát động nông dân canh tác lúa theo mô hình Đề án “Phát triển bền vững 01 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” mang lại hiệu quả cao.

Ông Chung cho biết: với nghề trồng lúa truyền thống từ cha truyền con nối, nên ông rất am hiểu nỗi bất an, lo lắng của nông dân sau khi thu hoạch ngại về đầu ra do thương lái ép giá, lợi nhuận thấp. Sau đó, ông được tham gia học các lớp đào tạo về dịch vụ sản xuất, kinh doanh lúa. Trong quá trình tham gia học tập đào tạo ở Trường Đại học Cần Thơ, ông dẫn người con gái cùng học tập nên sau khi tiếp thu kiến thức sản xuất, kinh doanh lúa ông vận động nông dân trồng lúa tham gia phát triển HTX vào năm 2017. Từ đó, HTX đã kết nối doanh nghiệp hỗ trợ đầu vào và đầu ra sản phẩm, từng bước tạo hiệu quả hoạt động và là HTX tiêu biểu toàn quốc năm 2023. Hiện HTX có 150 thành viên chính thức và 48 thành viên sử dụng các dịch vụ của HTX, với diện tích 200ha đất sản xuất lúa, vốn điều lệ 500 triệu đồng.

Theo ông Chung, vụ lúa hè - thu 2024, HTX có 48 hộ tham gia thực hiện mô hình Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” với 48,4ha chủ yếu giống chất lượng cao OM5451.

Tham gia vào mô hình, các thành viên HTX được hướng dẫn canh tác sử dụng lúa giống gieo sạ giảm 60%, phân bón hóa học giảm 20 - 30%, giảm chi phí và giảm số lần phun thuốc bảo vệ, giảm nhân công lao động, góp phần tăng năng suất lúa 05% và lợi nhuận tăng 10 triệu đồng/ha so với ngoài mô hình, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương. Không chỉ vậy, tăng chất lượng lúa gạo, giảm lượng phát thải góp phần bảo vệ môi trường.

Bài, ảnh: MỸ NHÂN

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/kinh-te/vai-tro-giam-doc-trong-dan-dat-hinh-thanh-va-phat-trien-hop-tac-xa-40370.html