CẦN QUY ĐỊNH CỤ THỂ HƠN VỀ CÁC NGÂN HÀNG CHÍNH SÁCH TRONG LUẬT

Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, thảo luận tại hội trường về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội tán thành với sự cần thiết về việc quy định về ngân hàng chính sách trong luật nhằm xác định rõ ràng địa vị pháp lý, bảo đảm công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình cơ cấu lại, nâng cao năng lực quản trị, điều hành hoạt động, phát triển bền vững các ngân hàng này. Tuy nhiên, cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung các nguyên tắc như mục tiêu, mô hình hoạt động, quản trị, điều hành, cơ chế quản lý tài chính.

Thảo luận tại hội trường, nhiều đại biểu Quốc hội tán thành với việc bổ sung phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật đối với ngân hàng chính sách. Ngân hàng chính sách là ngân hàng do Nhà nước thành lập, với mục tiêu thực hiện các nhiệm vụ, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của nhà nước. Hoạt động của 2 ngân hàng chính sách hiện nay là Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam đã mở rộng lớn về quy mô và thực hiện các nghiệp vụ như các tổ chức tín dụng khác. Tuy nhiên, tổ chức và hoạt động của 2 ngân hàng chính sách hiện nay được quy định bởi các quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Do đó, cần luật hóa những vấn đề đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng trong hoạt động của ngân hàng. Bổ sung tại Luật Các tổ chức tín dụng quy định về tổ chức hoạt động của ngân hàng chính sách để đảm bảo căn cứ pháp lý khi triển khai thực hiện.

Đại biểu Nguyễn Văn Hiển – Đoàn ĐBQH tình Lâm Đồng

Đại biểu Nguyễn Văn Hiển – Đoàn ĐBQH tình Lâm Đồng

Đại biểu Nguyễn Văn Hiển – Đoàn ĐBQH tình Lâm Đồng đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát, bổ sung một số quy định chung đối với hoạt động của ngân hàng chính sách tại dự thảo Luật, như là quy định về mô hình, tổ chức hoạt động, quản trị, điều hành quy định về cơ chế quản lý tài chính, phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro, các chỉ tiêu an toàn về vốn, vai trò của Ngân hàng Nhà nước đối với ngân hàng chính sách, nhất là trong việc thanh tra, giám sát để tăng cường năng lực tài chính và quản trị cũng như chất lượng tín dụng của 2 ngân hàng này.

Đại biểu Mai Văn Hải – Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cho biết ngân hàng chính sách được quy định là một đối tượng điều chỉnh của luật này, nhưng trong Điều 17 thì mới có quy định về việc thành lập, rồi một số cơ chế ưu đãi, đặc biệt quy định về xử lý nợ xấu đối với ngân hàng chính sách. Đề nghị cần quy định cụ thể hơn về tổ chức hoạt động, về cơ chế tài chính và kể cả việc xử lý nợ xấu của Ngân hàng Chính sách cũng khác với nợ xấu của các tổ chức tín dụng khác.

Đại biểu Mai Văn Hải – Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa

Góp ý về các quy định liên quan đến hoạt động của ngân hàng chính sách, đại biểu Trần Nhật Minh – Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An cho biết mặc dù tại Điều 17 dự thảo Luật đã bổ sung một số nội dung về hoạt động của ngân hàng chính sách nhưng chưa quy định cụ thể về tổ chức, hoạt động, cơ chế tài chính, tổ chức lại, giải thể và các nội dung khác có liên quan đến ngân hàng chính sách. Vì vậy, Chính phủ khó có thể có cơ sở để quy định chi tiết, đảm bảo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 là Chính phủ ban hành nghị định để quy định chi tiết điều, khoản, điểm được giao trong luật.

Liên quan đến việc quy định về ngân hàng chính sách, đại biểu Trần Nhật Minh tán thành với kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Thông báo số 2287 ngày 16/5/2023 đề nghị nghiên cứu bổ sung một chương riêng về ngân hàng chính sách theo hướng luật hóa các quy định đã được áp dụng ổn định, đã được kiểm nghiệm thực tiễn tại các nghị định có liên quan của Chính phủ, nhằm xác định địa vị pháp lý của các ngân hàng chính sách, bảo đảm công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình cơ cấu lại, phát triển các ngân hàng này.

Đại biểu Trần Nhật Minh phân tích thêm, về cơ sở pháp lý, việc nghiên cứu luật hóa các quy định hiện hành của loại hình ngân hàng chính sách bao gồm: Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển Việt Nam phù hợp với chủ trương, định hướng của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về việc sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng. Đó là luật hóa các vấn đề đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng trong hoạt động ngân hàng. Tại Kết luận số 06 ngày 10/6/2021 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40, Ban Bí thư yêu cầu tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, kịp thời ban hành cơ chế, chính sách liên quan đến tín dụng chính sách xã hội, nhằm huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn lực tín dụng chính sách xã hội. Chiến lược phát triển Ngân hàng Chính sách xã hội đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cũng đã yêu cầu duy trì và tiếp tục phát huy hiệu lực, hiệu quả mô hình tổ chức, phương thức quản lý vốn tín dụng chính sách xã hội đặc thù, phù hợp với thực tiễn của Việt Nam.

Đại biểu Trần Nhật Minh – Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An

Đại biểu Trần Nhật Minh – Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An

Về cơ sở thực tiễn, trong những năm qua, hoạt động của ngân hàng chính sách đã có bước phát triển mạnh về quy mô, đối tượng tác động. Theo Báo cáo của Bộ Tài chính số 2390 ngày 15/3/2023 về việc tham gia ý kiến về dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) thì tính đến cuối năm 2022 tổng quy mô tài sản của 2 ngân hàng chính sách là 544.834 tỷ đồng, trong đó ngân hàng chính sách xã hội là 302.746 tỷ đồng, tổng dư nợ tín dụng chính sách đạt trên 283.000 tỷ đồng. Ngân hàng phát tiền là 242.088 tỷ đồng, tổng dư nợ tín dụng đạt gần 195.000 tỷ đồng. Hơn nữa, các ngân hàng chính sách cũng có hoạt động ngân hàng nhận tiền gửi của các tổ chức và cá nhân trong hoạt động cũng có thể xảy ra tình trạng khó khăn về thanh khoản như các ngân hàng khác mà cần có sự điều chỉnh của pháp luật.

Từ những phân tích trên, đại biểu Trần Nhật Minh đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung một chương hoặc một mục riêng quy định về hoạt động của các ngân hàng chính sách trong dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Bày tỏ nhất trí với ý kiến của đại biểu Trần Nhật Minh, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên khẳng định mô hình về Ngân hàng chính sách xã hội là một mô hình riêng có của Việt Nam, thể hiện được bản chất ưu việt về chế độ Việt Nam trong việc thực hiện các chính sách để bảo đảm an sinh xã hội, trong đó Ngân hàng Chính sách xã hội là ngân hàng đóng vai trò quan trọng.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành cho biết, hiện nay các nội dung quy định về địa vị pháp lý, mô hình tổ chức hoạt động Ngân hàng Chính sách xã hội mới được quy định trong nghị định của Chính phủ và quyết định của Thủ tướng, các văn bản dưới luật. Do vậy mà trong quá trình tổ chức thực hiện đã gặp một số những vướng mắc, khó khăn và chưa được một cách chính thức hóa. Ngân hàng Chính sách xã hội là tổ chức tín dụng 100% vốn thuộc sở hữu nhà nước. Do vậy hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội cần phải được quy định và điều chỉnh trong Luật Các tổ chức tín dụng.

Chỉ rõ những hạn chế, vướng mắc, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành đề nghị trong Điều 4 dự thảo Luật bổ sung thêm 2 khái niệm quy định rõ hơn về ngân hàng chính sách và tín dụng chính sách xã hội.

Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc để có điều chỉnh sửa đổi, bổ sung quy định riêng cho Ngân hàng Chính sách xã hội, nhấn mạnh thêm mục đích, đối tượng, phạm vi hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện an sinh xã hội cùng với thực hiện chính sách kinh tế - xã hội; bổ sung quy định Ngân hàng Chính sách xã hội được Nhà nước cấp bổ sung vốn điều lệ và các khoản huy động khác để bảo đảm khả năng thanh toán, chỉ rõ cơ cấu nguồn vốn của ngân hàng chính sách; bổ sung Ngân hàng Chính sách xã hội không phải thực hiện dự trữ bắt buộc và bảo hiểm tiền gửi. Quy định về xử lý nợ xấu và xử lý tài sản đảm bảo, các khoản nợ xấu do tính chất hoạt động đề nghị áp dụng theo quy định riêng và được ghép vào khoản 5 không áp dụng thực hiện chung theo quy định của luật này. Theo đó, việc thành lập tổ chức, hoạt động, tổ chức lại, giải thể, cơ chế tài chính, xử lý nợ xấu, xử lý tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu và các nội dung khác có liên quan đến Ngân hàng Chính sách xã hội thì do Chính phủ quy định chi tiết.

Theo Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành bên cạnh việc sửa đổi, bổ sung liên quan đến ngân hàng chính sách vao trong các điều khoản cụ thể như nêu ở trên, còn có thể thiết lập một mục riêng đối với Ngân hàng Chính sách xã hội. Tuy nhiên vấn đề này thì Ngân hàng Nhà nước sẽ cân nhắc bởi vì nó nằm trong tổng thể chung của quy định pháp luật. Nếu như bổ sung một chương về Ngân hàng Chính sách xã hội thì sẽ quy định những nội dung về loại hình ngân hàng, hình thức tổ chức, chủ sở hữu và đại diện sở hữu Nhà nước, cơ cấu tổ chức, quản trị và điều hành hoạt động ngân hàng với đặc trưng về nguồn vốn do Nhà nước huy động, đối tượng cho vay và các đối tượng chính sách khác, phương thức cho vay thông qua các hình thức ủy thác với các tổ chức chính trị xã hội và các hoạt động của các tổ, nhóm. Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành cho rằng đây cũng là một phương án mà Ngân hàng Nhà nước sẽ nghiên cứu.

Đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp đề nghị nên giải thích ngân hàng chính sách không phải thực hiện dự trữ bắt buộc như các ngân hàng thương mại khác. Trong khi đó ngân hàng chính sách tỷ lệ rủi ro rất cao, khả năng mất cân đối là khá lớn vì phần lớn cho vay đối tượng yếu thế, đối tượng khó khăn, không có tài sản đảm bảo. Nếu không có dự trữ bắt buộc sẽ rất khó khăn trong nguồn vốn bổ sung nếu bị rủi ro, Ngân hàng Nhà nước bổ sung để tăng vốn chứ không thể tăng vốn để cho bù đắp rủi ro.

Đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp

Báo cáo giải trình, làm rõ nội dung đại biểu Quốc hội quan tâm, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, Luật hiện hành trao quyền cho Chính phủ sẽ có quy định cụ thể về tổ chức quản trị và điều hành Ngân hàng Phát triển và Ngân hàng Chính sách xã hội. Chính phủ đã ban hành các nghị định hướng dẫn và ban hành các quyết định quy định về tổ chức và hoạt động của các ngân hàng này.

Trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của quốc tế, Ban soạn thảo nhận thấy các nước thành lập ra các ngân hàng chính sách này để phục vụ mục tiêu vì xã hội, vì mục tiêu phát triển bền vững và nguồn vốn đối với các ngân hàng này chủ yếu là nguồn vốn do Chính phủ tài trợ. Nhiều nước ban hành luật riêng để quy định các ngân hàng này. Cũng có những nước trao quyền cho các cơ quan quản lý để hướng dẫn. Có một số ít nước thì quy định trong hệ thống luật chung.

Trên tinh thần ý kiến của một số đại biểu qua các cuộc hội thảo, tọa đàm và ý kiến của các cơ quan liên quan, Ban soan thảo đã thiết kế Điều 17 có 5 khoản đối với loại hình ngân hàng chính sách này. Quy định theo hướng chung nhất.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng

Về ý kiến phát biểu của các đại biểu Quốc hội đề nghị là có một chương riêng hoặc là một phần riêng quy định cụ thể về cơ cấu tổ chức, hoạt động và về xử lý nợ xấu, tái cơ cấu các ngân hàng này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết sẽ tiếp tục có nghiên cứu. Đồng thời làm rõ, trên thực tế một luật chung thì khó có thể quy định cụ thể cho từng ngân hàng riêng được. Trong quá trình rà soát sẽ cố gắng để có những quy định chung nhất đối với các ngân hàng này trong luật và sẽ có những quy định hướng dẫn cụ thể.

Bảo Yến

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=76980