Cần quy định đẩy mạnh việc phân cấp và giảm bớt thủ tục hành chính trong xây dựng công trình trong khu vực bảo vệ di tích

Sáng 26/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

Tham gia góp ý, ĐBQH Mai Văn Hải, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa thống nhất với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục.

Để góp phần hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu Mai Văn Hải có thêm một số ý kiến, đó là: Điều 27. Dự án đầu tư, xây dựng công trình trong khu vực bảo vệ di tích quy định: Việc bảo vệ phát huy giá trị các di tích là rất quan trọng, nhưng việc thực hiện các dự án đầu tư để phát huy giá trị di tích; sửa chữa, cải tạo, quản lý việc xây dựng nhà ở riêng lẻ trên cơ sở hiện trạng trong khu di tích cần phải được quản lý chặt chẽ, nhưng cũng không để bất lợi cho người dân và cơ quan quản lý các cấp đối với di tích.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các dự án đầu tư, xây dựng các công trình trong khu vực bảo vệ di tích, đại biểu Mai Văn Hải đề nghị cần quy định đẩy mạnh việc phân cấp và giảm bớt thủ tục hành chính: Chỉ nên quy định việc lấy ý kiến của các cơ quan quản lý Nhà nước về văn hóa đối với các dự án đầu tư, xây dựng công trình trong khu vực bảo vệ I trước khi cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư. Còn khu vực bảo vệ II thì giao cho UBND cấp tỉnh quyết định, không phải xin ý kiến.

Việc xây dựng công trình kinh tế-xã hội ở khu vực bảo vệ II cũng nên giao cho UBND tỉnh quyết định nhưng không làm ảnh hưởng đến việc bảo vệ và phát huy giá trị các di tích. Các công trình xây dựng ở khu vực bảo vệ II để phục vụ phát triển kinh tế-xã hội đối với di tích cấp tỉnh, cũng nên phân cấp giao cho UBND cấp huyện quyết định mà không phải xin ý kiến của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Khoản 2 quy định việc sửa chữa, cải tạo, xây dựng lại nhà ở riêng lẻ trên cơ sở hiện trạng công trình đã có khu vực bảo vệ di tích thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng và chỉ được triển khai sau khi có ý kiến đồng ý bằng văn bản của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Đại biểu Mai Văn Hải đề xuất chỉ nên quy định việc sửa chữa, cải tạo, xây dựng lại nhà ở trong khu vực bảo vệ I thì cần phải xin ý kiến Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Còn lại, nên giao cho UBND cấp huyện, cơ quan cấp phép xây dựng quyết định việc cho phép tu sửa, xây dựng nhà ở để thuận tiện cho người dân và không làm ảnh hưởng đến di tích.

Tại Điều 28, Điều 29 quy định dự án đầu tư, xây dựng công trình và xây dựng nhà ở riêng lẻ nằm ngoài khu vực bảo vệ di tích có khả năng tác động tiêu cực đến di tích, cảnh quan văn hóa của di tích. Đại biểu Mai Văn Hải cho rằng, việc quy định, xác định khả năng tác động tiêu cực của việc công trình xây dựng, nhà ở đến di tích chưa được cụ thể, như xác định nguy cơ phá vỡ cấu trúc quy hoạch, tác động đến việc giữ gìn toàn vẹn cảnh quan... là rất định tính, khó xác định việc có tác động tiêu cực hay không đến di tích. Vì vậy, đề nghị việc đầu tư xây dựng công trình, xây dựng, sửa chữa nhà ở riêng lẻ ngoài khu vực bảo vệ thì không nên quy định điều chỉnh bởi luật này mà sẽ được điều chỉnh bởi các quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, nhà ở và các luật khác có liên quan.

Điều 31. Người đại diện, tổ chức được giao quản lý sử dụng di tích, đại biểu Mai Văn Hải đề nghị cần phải làm rõ người đại diện, tổ chức được giao quản lý, sử dụng di tích có phải đơn vị sự nghiệp công lập hay là loại hình tổ chức nào? Cần phải xác định rõ tên của tổ chức quản lý di tích, cơ quan nào quản lý tổ chức đó để có sự thống nhất, tránh tình trạng có nơi do xã quản lý, có nơi huyện quản lý, có nơi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý. Theo đại biểu Mai Văn Hải đề xuất, tổ chức quản lý di tích được thành lập là Ban quản lý di tích do Chủ tịch UBND tỉnh thành lập và giao cho UBND cấp huyện quản lý và là đơn vị tự chủ 100% chi thường xuyên và 1 ban quản lý di tích có thể quản lý nhiều di tích trên địa bàn để khắc phục tình trạng không thống nhất về quản lý di tích như hiện nay.

Về người đại diện theo quy định của pháp luật, cũng cần phải quy định cụ thể hơn về điều kiện, tiêu chuẩn, đặc biệt là tiêu chuẩn có am hiểu về di tích, và ai là người quyết định giao cho người đại diện quản lý cũng cần làm rõ.

Điều 25: Khu vực bảo vệ di tích, nguyên tắc xác định phạm vị và cắm mốc giới các khu vực bảo vệ di tích. Theo đó Khoản 3 quy định khu vực bảo vệ II là vùng bao quanh, tiếp giáp khu vực bảo vệ I của di tích, để bảo vệ cảnh quan văn hóa của di tích. Nếu quy định như dự thảo thì sẽ rất khó xác định vùng bảo vệ II bởi vì không có quy định cụ thể cách ranh giới khu vực I khoảng cách bao nhiêu. Đại biểu Mai Văn Hải đề nghị, cần phải quy định cụ thể vùng bảo vệ khu vực II là vùng bao quanh khu vực bảo vệ I và cách ranh giới khu vực bảo vệ I là bao nhiêu mét. Tương tự, tại Khoản 6 khu vực di sản thế giới, vùng đệm của khu vực di sản thế giới, điểm b quy định vùng đệm của khu vực di sản thế giới; khu vực bảo vệ II cũng cần xác định cụ thể khoảng cách từ ranh giới khu vực bảo vệ I ra vùng bao quanh là bao nhiêu mét.

Quốc Hương

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/can-quy-dinh-day-manh-viec-phan-cap-va-giam-bot-thu-tuc-hanh-chinh-trong-xay-dung-cong-trinh-trong-khu-vuc-bao-ve-di-tich-217787.htm