Cần quy định rõ hơn về nguyên tắc 'có đi có lại'
Sáng 13/2, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh đã chủ trì hội đồng thẩm định đề nghị xây dựng Luật Tương trợ tư pháp về dân sự.
Trình bày tại cuộc họp, Vụ Phó Vụ Pháp luật quốc tế Phạm Hồ Hương cho biết, Luật Tương trợ tư pháp (Luật TTTP) được ban hành ngày 21/11/2007, đã tạo cơ sở pháp lý tương đối toàn diện cho hoạt động hợp tác với nước ngoài trong lĩnh vực tương trợ tư pháp (TTTP). Kể từ khi Luật có hiệu lực (01/7/2008), công tác TTTP có nhiều chuyển biến, hỗ trợ tích cực cho hoạt động tố tụng của cơ quan có thẩm quyền Việt Nam giải quyết các vụ việc có yếu tố nước ngoài cũng như hỗ trợ các cơ quan tư pháp nước ngoài giải quyết các vụ việc có liên quan đến cá nhân, tổ chức tại Việt Nam.
Tuy nhiên, sau hơn 10 năm thực hiện, Luật đã bộc lộ những hạn chế bất cập, những khoảng trống cần được khắc phục, bổ sung. Do đó, trong bối cảnh hội nhập quốc tế mạnh mẽ của Việt Nam, yêu cầu của cải cách pháp luật, cải cách tư pháp, đảm bảo quyền con người, thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tư pháp cần sớm sửa đổi, hoàn thiện các quy định pháp Luật TTTP trong lĩnh vực dân sự một cách tổng thể, toàn diện.
Để đạt được các mục tiêu xây dựng Luật TTTP về dân sự, bà Hương cho biết dự thảo Luật tập trung vào 03 chính sách, cụ thể là xây dựng cơ sở pháp lý toàn diện, hiện đại tạo điều kiện thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc tế trong TTTP về dân sự giữa Việt Nam và nước ngoài; tạo cơ chế để từng bước xã hội hóa hoạt động tống đạt giấy tờ của nước ngoài; từng bước tin học hóa quy trình thực hiện TTTP giữa các cơ quan thực hiện, đơn giản hóa quy trình, hồ sơ UTTP.
Tại buổi họp, ông Lê Tuấn Anh (Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao) nhất trí với sự cần thiết được nêu trong dự thảo tờ trình. Ông Tuấn Anh cũng đánh giá trình tự thủ tục, lập đề nghị xây dựng luật được thực hiện bài bản, hồ sơ đầy đủ theo đúng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015; phù hợp với chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Bên cạnh đó, về nội dung chính sách, ông Tuấn Anh đề nghị dự thảo theo hướng giữ nguyên các quy định tại Luật TTTP năm 2007 về áp dụng nguyên tắc “có đi có lại”, không đưa nội dung quá cụ thể, chi tiết bởi lẽ Việt Nam có rất ít tài liệu nghiên cứu để tập kinh nghiệm cũng như thực tiễn của các nước. Sau này, các Bộ, ngành và các cơ quan có liên quan sẽ nghiên cứu, xây dựng quy trình để kế thừa, chi tiết hóa các quy trình, thủ tục cũng như thẩm quyền của các cơ quan có liên quan để làm sao phù hợp với định hướng chung, pháp luật quốc tế cũng như thực tiễn ở Việt Nam.
Đồng ý với ông Tuấn Anh, ông Lê Mạnh Hùng (đại diện TANDTC) cũng cho rằng hồ sơ được chuẩn bị công phu, khoa học, đưa ra những đánh giá, phân tích khá sát với thực tiễn, đặc biệt là ở công tác TTTP ở Tòa án cũng như công tác quản lý TTTP tại Bộ Tư pháp. Về nguyên tắc “có đi có lại”, ông Hùng cho biết trên thực tế thủ tục, quy trình để áp dụng nguyên tắc này rất phức tạp, dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau, đặc biệt là với những vụ án có đương sự nước ngoài hoặc thu thập chứng cứ nước ngoài dẫn đến tiến độ giải quyết vụ án không bảo đảm. Do đó, ông Hùng cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc để đảm bảo nội dung đề xuất thống nhất với hạn chế, tồn tại đã nêu.
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh đánh giá cao sự chuẩn bị của cơ quan chủ trì soạn thảo, hồ sơ đầy đủ, đáp ứng được quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; hợp Hiến, hợp pháp; phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước. Về sự cần thiết, Thứ trưởng nhất trí với nội dung được nêu trong dự thảo tờ trình, tuy nhiên Thứ trưởng yêu cầu cơ quan chủ trì soạn thảo làm rõ trong tờ trình lý do tại sao tách Luật Tương trợ tư pháp thành 4 luật (gồm Luật TTTP về dân sự, hình sự, dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù).
Thứ trưởng cũng yêu cầu kiểm tra, rà soát, bổ sung thêm về tính thống nhất theo ý kiến của các đại biểu; xem xét về việc phù hợp với Điều ước quốc tế trong khi có rất nhiều Điều ước mà Việt Nam đã gia nhập và sẽ tham gia. Thứ trưởng cũng yêu cầu Ban soạn thảo phải lượng hóa về các chi phí, thời gian, nguồn lực. Về nội dung chính sách, Thứ trưởng đề nghị làm rõ, khái quát lại các chính sách để bao quát, nâng tầm hơn, đồng thời yêu cầu bổ sung các giải pháp, lập luận cho mỗi chính sách.