Cần quy định rõ việc giải tỏa kê biên, gỡ bỏ các biện pháp ngăn chặn đối với tài sản bảo đảm không liên quan đến hành vi phạm tội
Tham gia đóng góp ý kiến đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng tại phiên thảo luận tổ vào chiều 20/5, đại biểu Nguyễn Hoàng Uyên - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Long An, cho rằng dự luật cần quy định rõ việc giải tỏa kê biên, gỡ bỏ các biện pháp ngăn chặn đối với tài sản bảo đảm không liên quan đến hành vi phạm tội và bàn giao tài sản cho tổ chức tín dụng để xử lý theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm.

Đại biểu Nguyễn Hoàng Uyên - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Long An, phát biểu đóng góp ý kiến đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng tại phiên thảo luận
Theo đại biểu Nguyễn Hoàng Uyên, việc sửa đổi, bổ sung Luật các tổ chức tín dụng là cần thiết nhằm để xử lý các vướng mắc đang cản trở tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các tổ chức mua bán, xử lý nợ thực hiện quyền hợp pháp trong việc xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm. Đồng thời, việc này sẽ giúp đáp ứng yêu cầu ổn định tài chính, bảo đảm an toàn hệ thống và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, hướng tới mục tiêu tăng trưởng ít nhất 8% trong năm 2025 và tạo đà tăng trưởng 2 con số trong những năm tiếp theo. Tuy nhiên, để bảo đảm tính thống nhất của Luật, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát một số quy định cụ thể:
Thứ nhất, tại điểm a4 Điều 198a của Dự thảo Luật quy định: “Đăng tải thông tin trên mạng thông tin điện tử của mình và gửi văn bản thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan Công an cấp xã nơi bên bảo đảm đăng ký địa chỉ theo hợp đồng bảo đảm về việc thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm”. Đại biểu cho rằng quy định này là chưa đầy đủ, thiếu chặt chẽ và chưa đáp ứng được yêu cầu về minh bạch thông tin, đặc biệt trong bối cảnh thu giữ tài sản bảo đảm là một biện pháp có tác động pháp lý và thực tiễn lớn, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của nhiều chủ thể liên quan: (1) Nội dung nào phải được đăng tải trên mạng thông tin điện tử, dự thảo chưa quy định cụ thể các thông tin cần công khai, dẫn đến nguy cơ mỗi tổ chức tín dụng thực hiện theo một cách khác nhau, thiếu tính thống nhất và minh bạch,... (2) Thời điểm đăng tải thông tin phải cách bao nhiêu ngày so với ngày tiến hành thu giữ. Dự thảo cũng chưa quy định rõ thời hạn tối thiểu để thực hiện việc đăng tải thông tin và gửi văn bản thông báo. Điều này có thể khiến tổ chức tín dụng thực hiện thông báo quá sát ngày thu giữ, không đảm bảo quyền tiếp cận thông tin kịp thời của bên bảo đảm và các bên liên quan, tiềm ẩn nguy cơ tranh chấp, khiếu kiện.
Do đó, để bảo đảm tính hợp lý, minh bạch và thống nhất trong thực thi, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định cụ thể tại điểm 4a Điều 198a tương tự như quy định tại điểm 3 khoản 2 của Điều này. Theo đại biểu, việc bổ sung này sẽ góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý, nâng cao tính minh bạch, phòng ngừa rủi ro pháp lý và tạo thuận lợi cho quá trình thu giữ tài sản bảo đảm trong thực tế.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Nguyễn Thị Hồng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng trước Quốc hội
Thứ hai, về hoàn trả tài sản bảo đảm là vật chứng trong vụ án hình sự, là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính trong vụ việc vi phạm hành chính tại Điều 198c: Đại biểu Nguyễn Hoàng Uyên nêu thực trạng thời gian qua, trong nhiều vụ án hình sự (bao gồm cả các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi) thì tài sản bảo đảm của doanh nghiệp, cá nhân bị áp dụng các biện pháp tố tụng như kê biên, phong tỏa, dừng giao dịch. Nhiều tài sản trong số này không có nguồn gốc từ hành vi phạm tội mà được hình thành từ vốn vay hợp pháp của tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, do vướng mắc về thủ tục tố tụng, quá trình xử lý những tài sản này thường bị kéo dài nhiều năm, dẫn đến tình trạng “đóng băng” tài sản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức tín dụng - chủ thể nhận tài sản bảo đảm.
Để giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh từ thực tiễn đặt ra, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung thêm vào dự thảo luật quy định: “Đối với tài sản bảo đảm không liên quan đến hành vi phạm tội, có nguồn gốc hợp pháp hoặc được hình thành từ vốn vay của tổ chức tín dụng, cơ quan tiến hành tố tụng phải có trách nhiệm giải tỏa kê biên, gỡ bỏ các biện pháp ngăn chặn và bàn giao tài sản cho tổ chức tín dụng để xử lý theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm”. Đại biểu Nguyễn Hoàng Uyên cho rằng việc bổ sung quy định trên là hết sức cần thiết nhằm đảm bảo cân bằng giữa công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm với bảo vệ quyền hợp pháp của tổ chức tín dụng (bên thứ ba ngay tình), từ đó nâng cao hiệu quả xử lý tài sản bảo đảm, góp phần ổn định hệ thống tài chính, ngân hàng.
Thứ ba, về phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật: Theo đại biểu Nguyễn Hoàng Uyên, dự thảo Luật đang luật hóa ba nội dung quan trọng của Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, nhằm hoàn thiện khung pháp lý về xử lý nợ xấu, kịp thời tháo gỡ các vướng mắc phát sinh trong thực tiễn.
Đại biểu cho rằng đây là bước đi cần thiết để đảm bảo tính bền vững và hiệu quả trong công tác xử lý nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thi hành Luật các tổ chức tín dụng năm 2024, trên cơ sở tổng hợp báo cáo của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và qua công tác xây dựng văn bản hướng dẫn thi hành, Ngân hàng Nhà nước đã báo cáo Chính phủ về một số bất cập, vướng mắc phát sinh, đặc biệt liên quan đến quy định về thẩm quyền quyết định cho vay đặc biệt với lãi suất 0%/năm, không có tài sản bảo đảm. Ngân hàng Nhà nước đã kiến nghị sửa đổi theo hướng phân cấp, phân quyền, giao Ngân hàng Nhà nước được trực tiếp xem xét, quyết định.
Từ đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, rà soát và cân nhắc điều chỉnh phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật theo hướng mở rộng, nhằm kịp thời bổ sung, xử lý các vướng mắc pháp lý phát sinh trên thực tế. Việc này không chỉ bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật mà còn góp phần tăng cường hiệu quả thực thi, phù hợp với yêu cầu quản trị hiện đại và thực tiễn hoạt động ngân hàng./.