Cần quy định sự hiện diện và trách nhiệm của đại diện địa phương trong các cuộc tiếp xúc cử tri
Theo Chủ tịch Quốc hội, cần đảm bảo các vị đại biểu dân cử được tiếp xúc với cử tri nhiều nơi, nhiều thành phần; không gặp mãi những 'gương mặt thân quen' là 'cử tri chuyên nghiệp'.
Sáng 24-9, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã xem xét, cho ý kiến về 2 dự thảo nghị quyết liên tịch giữa UBTVQH, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam quy định chi tiết việc tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND các cấp và việc tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội.
Góp ý về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định ghi nhận, hồ sơ các nghị quyết đã được chuẩn bị công phu, nhiều điểm mới.
“Tuy nhiên, cần xem lại tiêu chí thống kê “cuộc tiếp xúc cử tri”. Do cách hiểu không thống nhất, nên có địa phương thống kê hàng ngàn cuộc trong 10 năm qua, có địa phương chỉ vài chục cuộc”, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý. Ông đề nghị gộp 2 nghị quyết nêu trên làm 1, vì nội dung khá tương đồng và không đưa nội dung tiếp xúc với “cử tri trẻ em” vào, vì trẻ em chưa phải là cử tri. Việc thu thập ý kiến, nguyện vọng của các em được thực hiện qua kênh khác.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Phó Thủ tướng Lê Thành Long tán thành quan điểm này. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nói thêm: “Việc gộp 2 nghị quyết cần được tiến hành gọn nhất, chứ không nên yêu cầu làm lại theo quy trình thông thường, sẽ rất mất thời gian”.
Đặc biệt, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, dự thảo nghị quyết cần bổ sung một chương về giải quyết kiến nghị cử tri; nhưng lựa chọn phần giải quyết “hậu tiếp xúc”... Ông Nguyễn Khắc Định ghi nhận vai trò rất quan trọng của MTTQ trong việc tổ chức các cuộc tiếp xúc cử tri, nâng cao hiệu quả thực chất của hoạt động này.
Hoàn toàn đồng tình với yêu cầu nâng cao hiệu quả thực chất của hoạt động tiếp xúc cử tri, thể hiện qua kết quả giải quyết những vấn đề được người dân phản ánh, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới đề nghị quy định trong nghị quyết về sự hiện diện và trách nhiệm của đại diện địa phương, những cán bộ nắm rõ tình hình và có thẩm quyền xử lý các kiến nghị cụ thể. “Đại biểu Quốc hội ghi nhận ý kiến đầy đủ, nhưng làm sao để giải quyết thì phải có địa phương. Nếu chỉ có chuyên viên với trưởng phòng dự, sau đó lại về báo cáo lòng vòng thì cử tri mất lòng tin”, ông Lê Tấn Tới nêu rõ.
Cho ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, với kinh nghiệm từng là Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, nhận định: “Giao MTTQ các cấp đứng ra tổ chức tiếp xúc cử tri là phù hợp nhất, nhưng nên có sự đổi mới địa điểm, hình thức tổ chức”.
Theo Chủ tịch Quốc hội, cần đảm bảo các vị đại biểu dân cử được tiếp xúc với cử tri nhiều nơi, nhiều thành phần; không gặp mãi những “gương mặt thân quen” là "cử tri chuyên nghiệp".
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị các cơ quan có trách nhiệm phối hợp, tiến hành hợp nhất 2 nghị quyết, báo cáo UBTVQH trong phiên họp tới.