Cần quyết sách đồng bộ, linh hoạt trong sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã

Sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã là một trong những nội dung quan trọng của Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 về 'Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả'. Đặc biệt, Nghị quyết số 27-NQ/TW (ngày 9/11/2022) của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII 'Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới', với chủ trương nhất quán một lần nữa đã được khẳng định.

Giải quyết hồ sơ hành chính tại Trung tâm hành chính công thành phố Biên Hòa (Đồng Nai).

Giải quyết hồ sơ hành chính tại Trung tâm hành chính công thành phố Biên Hòa (Đồng Nai).

Từ thực tiễn triển khai giai đoạn 2019-2021, những thành quả ở các địa phương là không thể phủ nhận. Tuy vậy, công tác thực hiện đã phát sinh những vấn đề cần được tháo gỡ, từ đó rút ra những bài học, kinh nghiệm, cách làm sáng tạo, hiệu quả, tạo cơ sở, bước đệm để tiếp tục triển khai hiệu quả Kế hoạch sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025.

Bài 1: Nhiều điểm nghẽn chưa được khơi thông

Quán triệt, thực hiện các nghị quyết của Trung ương về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 48 nghị quyết để sắp xếp 21 đơn vị hành chính cấp huyện và 1.056 đơn vị hành chính cấp xã tại 45 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Nhờ đó, cả nước đã giảm được tám đơn vị hành chính cấp huyện và 561 đơn vị hành chính cấp xã. Việc sắp xếp đã góp phần tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tiết kiệm ngân sách nhà nước, mở rộng không gian phát triển, phát huy tiềm năng, lợi thế của các địa phương.

Tuy nhiên, đây là lần đầu cả nước thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã với quy mô lớn, bước đầu đạt được những hiệu ứng, song trong quá trình triển khai vẫn còn không ít vướng mắc. Đáng chú ý, nhiều địa phương đến nay vẫn chưa bố trí, giải quyết xong số cán bộ, công chức dôi dư; tình trạng nhiều trụ sở bị bỏ không, xuống cấp vẫn chưa có giải pháp tháo gỡ, xử lý dứt điểm...

Nhiều tài sản cơ sở nhà, đất bỏ không, lãng phí

Huyện Quảng Xương (tỉnh Thanh Hóa) có bảy xã, thị trấn thuộc diện phải sắp xếp thành ba xã, thị trấn. Trong đó, xã Quảng Phúc và Quảng Vọng sáp nhập thành xã Quảng Phúc. Thế nhưng, sau sáp nhập, nhiều hạng mục công trình của xã Quảng Phúc trước đây gồm: trụ sở xã Quảng Phúc (cũ), trạm y tế xã, trường tiểu học, hội trường văn hóa xã Quảng Phúc, trụ sở xã Quảng Phúc mới xây dựng đang bị bỏ không. Trong số các công trình này, trụ sở xã Quảng Phúc được xây dựng năm 2018 với tổng mức đầu tư hơn 5 tỷ đồng, đang hoàn thiện dở dang, còn hội trường văn hóa xã vừa hoàn thiện với mức đầu tư hơn 3 tỷ đồng hiện đang được người dân tận dụng làm nơi sản xuất chiếu cói… Theo ý kiến phản ánh của nhiều cử tri Thanh Hóa, hầu hết công sở dôi dư đang bị bỏ không, hoặc sử dụng không đúng mục đích, gây lãng phí, trang thiết bị xuống cấp...

Tại kỳ họp thứ 20, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVIII diễn ra từ ngày 8-10/7, giải trình về vấn đề nêu trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Thi cho rằng, quá trình xử lý số tài sản công dôi dư của tỉnh hiện rất chậm, mặc dù liên tục được nhắc nhở, đôn đốc. “Ngoài vướng mắc về thủ tục pháp lý, quy hoạch sử dụng và nguồn gốc đất cũng như tài sản trên đất, có một phần do cán bộ cơ sở sợ sai, sợ trách nhiệm dẫn đến đùn đẩy, chậm tham mưu...”, đồng chí Thi nhấn mạnh.

Ở xã Trung Phúc Cường, huyện Nam Đàn (tỉnh Nghệ An), trong khi hai trụ sở của xã Nam Cường và xã Nam Trung còn rất mới, khang trang, đang bị bỏ không, thì trụ sở xã hiện tại ở xã Nam Phúc lại không đủ phòng làm việc, phải tận dụng cả nhà văn hóa... Theo thống kê của Sở Nội vụ Nghệ An: Giai đoạn 2019-2021, tỉnh đã phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất cho 138 cơ sở (trên tổng số 227 cơ sở nhà đất cấp xã). Đối với 89 cơ sở còn lại, các địa phương “đang hoàn thiện hồ sơ”, chưa kể các cơ sở nhà đất khối-xóm và cơ sở sự nghiệp công lập.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, thực hiện Nghị quyết 1111/NQ-UBTVQH14 ngày 9/12/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập thành phố Thủ Đức, địa phương này đã thành lập thành phố Thủ Đức và sáp nhập 19 phường thuộc các quận 2, 3, 4, 5, 10, Phú Nhuận thành chín phường. Sau khi các đơn vị hành chính mới hình thành đã dôi dư đến 75 trụ sở công. Đến nay, trong khi các trụ sở mới cần được đầu tư xây dựng với kinh phí lớn, thì có nhiều trụ sở lại bỏ không, xuống cấp.

Thực trạng nhiều trụ sở cơ quan, nhà đất đang bị bỏ không, xuống cấp không chỉ xảy ra ở Thanh Hóa, Nghệ An, Thành phố Hồ Chí Minh... mà còn xảy ra ở các địa phương có đơn vị hành chính phải sắp xếp lại. Thống kê của Bộ Tài chính cho biết, giai đoạn 2019-2021, tại 53 địa phương, 34 bộ, cơ quan Trung ương có 6.902 tài sản công dôi dư cần phải sắp xếp, xử lý sau sáp nhập. Đến nay, còn khoảng 1.000 tài sản công chưa được xử lý, nhiều tài sản nhà đất đang bỏ không, lãng phí…

Qua trao đổi với các đồng chí lãnh đạo nhiều tỉnh, thành phố và các chuyên gia, được biết rất khó để xử lý tài sản nhà đất công. Thực tế, nhiều khu đất rất có giá trị, nhưng không thể phân lô bán đấu giá riêng lẻ. Còn nếu đấu giá tập trung thì người trúng đấu giá không thể sử dụng được tài sản trên đất do các trụ sở này được xây dựng với đặc thù riêng..., không phù hợp, tương thích với phương án sản xuất, đầu tư của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều trụ sở, tài sản công dôi dư nằm ở vị trí các khu vực có điều kiện kinh tế-xã hội kém phát triển, không thuận lợi để kinh doanh du lịch, thương mại, dịch vụ, khó tìm được đối tượng tham gia đấu giá…

Sau khi sáp nhập, tại huyện Tây Trà (cũ), tỉnh Quảng Ngãi có nhiều trụ sở khang trang bị bỏ hoang, gây lãng phí. Ảnh Hải Phong

Sau khi sáp nhập, tại huyện Tây Trà (cũ), tỉnh Quảng Ngãi có nhiều trụ sở khang trang bị bỏ hoang, gây lãng phí. Ảnh Hải Phong

Điển hình như ở huyện Tây Trà (tỉnh Quảng Ngãi), sau bốn năm huyện Tây Trà được sáp nhập vào huyện Trà Bồng, các trụ sở làm việc của huyện Tây Trà cũ được đầu tư xây dựng hàng trăm tỷ đồng đã bị bỏ không, xuống cấp nghiêm trọng (một số trụ sở bỏ không, địa phương phải trả kinh phí để thuê bảo vệ trông, gây tốn kém cho ngân sách). Mặc dù địa phương đã tiến hành mời gọi đầu tư và bán đấu giá..., nhưng vẫn chưa tìm được người mua.

Đáng nói hơn, trong khi tài sản dôi dư của đợt sắp xếp trước chưa được xử lý xong, thì số tài sản, nhà đất dôi dư sau đợt sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 dự kiến khoảng 2.700 trụ sở, nhiều gấp ba lần đợt trước. Bàn về giải pháp tháo gỡ, các chuyên gia lưu ý đến việc cần bổ sung quy định thanh lý nhà, tài sản gắn liền với đất phù hợp điều kiện thực tế của địa phương. Trong đó, cần sửa Nghị định số 167/2017/NĐ-CP và Nghị định số 67/2021/NĐ-CP theo hướng đơn giản thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian tổ chức thực hiện. Hơn nữa, để việc xử lý tài sản dôi dư sau sáp nhập đơn vị hành chính được thực hiện hiệu quả, đòi hỏi phải có sự vào cuộc từ sớm, từ xa của các cấp ủy, chính quyền địa phương, các bộ, ngành. Ngoài ra, việc sửa đổi các quy định của Nhà nước cần thực hiện theo hướng rút gọn thủ tục hành chính. Trong phương án sáp nhập bắt buộc có phương án xử lý tài sản dôi dư một cách cụ thể, tránh tình trạng sau khi sắp xếp rồi mới loay hoay tìm phương án xử lý như thực tế của đợt sáp nhập 2019-2021 vừa qua.

Khó khăn nhất vẫn là bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức

Cùng với khó khăn trong xử lý tài sản công, câu chuyện tinh giản biên chế, giải quyết chính sách đối với cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư sau sắp xếp, sáp nhập trở thành vấn đề “đau đầu” với các cơ quan, đơn vị ở nhiều địa phương. Câu chuyện ở thành phố Thủ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh) là một thí dụ. Đầu năm 2021, thành phố Thủ Đức chính thức hoạt động trên cơ sở sáp nhập nguyên trạng dân số và diện tích Quận 2, 9 và Thủ Đức. Mục tiêu đề ra đến cuối năm 2022 sẽ giảm 227 biên chế công chức, người lao động và 81 biên chế viên chức, nhưng đến nay mới giải quyết được rất ít trường hợp. Trong khi đối với cấp phó, thành phố Thủ Đức hiện có 67 người là cấp phó, dư 19 người...

Thực hiện việc sáp nhập, sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2019-2021 tỉnh Nghệ An đã giảm được 20 đơn vị hành chính cấp xã. Cùng với đó, thì việc thực hiện Nghị định số 34/2019/NĐ-CP (nay là Nghị định số 33/2023/NĐ-CP), quy định mỗi xã giảm hai công chức và chủ trương đưa công an chính quy về xã càng khiến công tác bố trí cán bộ thêm phần áp lực, bởi có hơn 1.700 cán bộ, công chức cấp xã dôi dư. Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Nghệ An Nguyễn Viết Hưng lý giải, mặc dù đã nỗ lực thực hiện các giải pháp như giải quyết nghỉ chế độ theo quy định của Nhà nước, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành nghị quyết hỗ trợ cán bộ, công chức dôi dư nghỉ việc..., nhưng đến nay vẫn còn 28 trường hợp cán bộ, công chức cấp xã chưa giải quyết xong.

Thông tin từ Bộ Nội vụ cho biết, giai đoạn 2019-2021, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đã tinh giản biên chế 648 cán bộ, công chức cấp huyện và 7.741 cán bộ, công chức cấp xã (tính đến 31/12/2023), giảm chi ngân sách nhà nước (khoảng 2.008,63 tỷ đồng)… Tuy vậy, sau gần 5 năm kể từ ngày Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021 có hiệu lực thi hành, vẫn còn 58 cán bộ, công chức cấp huyện (8,2%) và 1.964 cán bộ, công chức cấp xã (20,2%) thuộc 18 tỉnh, thành phố thuộc diện dôi dư, chưa giải quyết xong.

Nhìn từ thực tế của việc sắp xếp, tinh giản ở các địa phương, có thể thấy tiến độ như vậy chậm hơn so với yêu cầu tại Nghị quyết số 653 (chậm nhất là 5 năm kể từ ngày nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đối với từng đơn vị hành chính có hiệu lực thi hành, số lượng lãnh đạo, quản lý và số lượng công chức, viên chức ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở đơn vị hành chính mới bảo đảm đúng theo quy định). Việc chưa giải quyết xong các trường hợp dôi dư từ giai đoạn trước sẽ tạo áp lực cho việc thực hiện sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính giai đoạn 2023-2025 sắp tới...

Tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 23/7, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng: Cùng với việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính, đề nghị đánh giá lại hiệu quả của công tác này thời gian vừa qua. Trong đó lưu ý, việc sắp xếp đã bảo đảm tiết kiệm ngân sách nhà nước hay chưa?; vấn đề xử lý trụ sở dôi dư đã hợp lý, tránh lãng phí?... Những vấn đề vướng mắc cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành và địa phương để tháo gỡ kịp thời.

(Còn nữa)

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/can-quyet-sach-dong-bo-linh-hoat-trong-sap-xep-don-vi-hanh-chinh-cap-huyen-cap-xa-nhieu-diem-nghen-chua-duoc-khoi-thong-post821692.html